Nguy cơ thiếu hụt nước sản xuất
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2.888 công trình thủy lợi, trong đó có 26 công trình đập lớn, 52 công trình vừa, còn lại là các công trình nhỏ. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh nhận định, tổng lượng mưa tính đến hết tháng 10 - 2021 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang phổ biến ở mức dưới trung bình so với năm ngoái. Theo dự báo từ tháng 12-2021, đến đầu tháng 2-2022, các khu vực trên địa bàn tỉnh phổ biến ít mưa, độ ẩm thấp, trời hanh khô; tổng lượng mưa ở mức thấp hơn từ 10 - 30% so với trung bình năm ngoái. Qua kiểm tra, đánh giá tình hình nguồn nước phục vụ sản xuất cho thấy, hiện nay hầu hết các hồ chứa trên địa bàn toàn tỉnh đã tích trữ trung bình đạt khoảng 80 - 90% tổng dung tích. Tuy nhiên, các hồ chứa đang điều tiết nước tưới cho các diện tích rau màu vụ đông và nguồn nước đến bổ sung cho các hồ chứa trong thời gian qua ít do lượng mưa trong những tháng cuối năm không nhiều.
Ông Hà Văn Bình, Trưởng Ban Quản lý khai thác công trình thủy lợi xã Thiện Kế (Sơn Dương) cho biết, công trình hồ chứa Tân Dân, xã Thiện Kế rộng 10,5 ha, cung cấp nước tưới cho 114,5 ha lúa xuân của xã Hợp Hòa và Thiện Kế. Ngay khi kết thúc vụ mùa, công trình đã tiến hành tích nước chuẩn bị cho sản xuất các vụ tới. Do phải điều tiết nước tưới cho gần 45 ha rau màu vụ đông của 2 xã nên đến nay mực nước trong hồ đạt 90% dung tích, cùng với đó lượng nước về hồ ít do những tháng cuối năm ít mưa nên nguy cơ thiếu hụt nguồn nước ở giai đoạn dưỡng lúa xuân có thể xảy ra.
Hồ thủy lợi Ngòi Là, xã Trung Môn (Yên Sơn) đã tích trữ đủ nước cho sản xuất vụ xuân 2022.
Hồ Ngòi Là, xã Trung Môn (Yên Sơn) rộng hơn 50 ha là công trình thủy lợi lớn tưới liên huyện. Công trình vừa hoàn thành tu sửa chữa, nâng cấp nhiều hạng mục nhằm tăng năng lực cấp nước tưới tiêu, hiện dung tích thiết kế đạt 3,24 triệu m3; đập đất đỉnh cao trình đạt 44,5 m, cống lấy nước với cao trình ngưỡng 41,5 m, lưu lượng xả thiết kế đạt 66,9 m3/s. Công trình đảm bảo cung cấp nước cho hơn 328 ha lúa vụ xuân; 4,7 ha rau và 13,5 ha ao nuôi trồng thủy sản thuộc địa bàn 5 xã, phường thuộc huyện Yên Sơn và thành phố Tuyên Quang. Hiện hồ đã tích trữ nước đạt 100% dung tích thiết kế và đang xả tràn. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên tại hệ thống mương dẫn nước phía chân đập có một số đoạn chưa được đậy nắp, người dân xả rác xuống mương tiềm ẩn nguy cơ tắc đường dẫn. Ông Ngô Quyền, Đội trưởng đội quản lý, khai thác công trình hồ thủy lợi Ngòi Là cho biết, thực trạng người dân xả rác ra hệ thống kênh mương dẫn nước đã xảy ra từ lâu, Đội quản lý thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân không xả rác ra hệ thống kênh mương nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn. Nguyên nhân do tuyến mương đi qua các khu dân cư, một số đoạn tuyến chưa có nắp đậy. Để chấm dứt tình trạng xả rác ra hệ thống mương dẫn, từ nguồn vốn nâng cấp sửa chữa hàng năm, từ năm 2020 đến nay, đội quản lý đã thực hiện đậy nắp hơn 600 m mương; thực hiện phát dọn, nạo vét 2 lần trong năm để khơi thông dòng chảy.
Trên hệ thống sông, suối ở thời điểm này lượng nước cũng thiếu hụt khoảng từ 20 - 40%. Tại một số trạm bơm của các xã dọc tuyến sông Lô của huyện Sơn Dương như trạm bơm xã Đông Thọ, Quyết Thắng, Vĩnh Lợi đều đang trong tình trạng “treo”, đợi những đợt xả từ các nhà máy thủy điện trên đầu nguồn.
Thực hiện các giải pháp chống hạn
Để đảm bảo đủ nguồn nước cung cấp cho sản xuất vụ xuân, vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Văn bản số 2412 /SNN-TL về tăng cường quản lý nguồn nước các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2021 - 2022. Theo đó, sở đề nghị UBND các huyện, thành phố, chủ động chỉ đạo các địa phương vận động nhân dân nạo vét hệ thống kênh mương; kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành thử các trạm bơm lấy nước đảm bảo phục vụ tưới ngay sau khi nhận bàn giao quản lý công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng không để xảy ra tình trạng gián đoạn trong công tác cấp nước.
Xác định nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước cho từng khu vực, cục bộ để có giải pháp cụ thể, trong đó, ưu tiên một số diện tích đất canh tác còn khó khăn về nguồn nước tưới do chưa có công trình thủy lợi hoặc có công trình thủy lợi phục vụ nhưng chưa ổn định, như ở các địa bàn vùng cao các huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình. Bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thời vụ gieo trồng phù hợp với khả năng nguồn nước, tránh gieo trồng ở những vùng không chủ động nguồn nước. Đồng thời, huy động tối đa phương tiện để lấy nước trong các đợt điều tiết nước từ các hồ chứa thủy điện để làm đất phục vụ gieo cấy.
Theo kế hoạch cuối tháng 12-2021, các địa phương tiến hàng xả nước đổ ải chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân. Các địa phương thường xuyên theo dõi mực nước trên các sông, hồ để chủ động điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm; chuẩn bị sẵn sàng phương án lắp đặt các trạm bơm dã chiến trên các tuyến sông, ao, đầm, hồ tại vị trí thuận lợi để tận dụng cấp nước tưới cho xứ đồng.
Gửi phản hồi
In bài viết