Từ đất bỏ hoang thành triệu phú
Thôn 20, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) từng có hơn chục ha ruộng trũng. Trồng lúa một vụ không đem lại hiệu quả kinh tế, người dân ở đây đã phải bỏ ruộng đi làm thuê. Nhưng đây là câu chuyện cách đây chừng chục năm. Chủ tịch UBND xã Kim Phú Lưu Hồng Châm cho biết, giờ thôn 20 là thôn điển hình của xã về phát triển nông nghiệp hàng hóa, từ chính những diện tích ruộng kém hiệu quả ấy. Đó là việc bà con linh hoạt đưa cây ăn quả về trồng thay thế cho lúa.
Người đầu tiên đưa cây ăn quả về trồng trên đất ruộng trũng là ông Nguyễn Duy Lý. Trải qua nhiều đời cây, từ nhãn, vải, hồng, xoài, giờ đến cây ổi, cây bưởi, khi vườn của ông Nguyễn Duy Lý giờ đã trở thành khu vườn mẫu của không chỉ thôn 20, mà của cả xã Kim Phú. Gần 3 ha cây ăn quả của gia đình ông được phân thành từng lô. Khu vực đất vườn thì trồng bưởi, khu vực ruộng trũng thì đánh luống trồng ổi. Sau nhiều vụ được thu hoạch tốt, có năm cao điểm được mùa được giá, thu đến hơn 500 triệu đồng, giờ vườn nhà ông Lý mỗi ngày đều đón vài lượt khách đến thăm quan, học hỏi. Khách đến chủ yếu là dân trong vùng. Không giấu nghề, ông dạy lại bà con từ chiết, ghép cành, đến cách chăm sóc để sao cho cây đậu sai quả, chất lượng quả ngon ngọt. Cải tạo, ghép vườn, chăm sóc đúng kỹ thuật, năm 2020, khi huyện Yên Sơn tổ chức thi vườn mẫu đẹp, cho hiệu quả kinh tế cao, vườn của ông Nguyễn Duy Lý được trao giải C.
Vườn bưởi của gia đình ông Nguyễn Duy Lý (bên phải ảnh), thôn 20, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang).
Cái hay của mô hình cải tạo ruộng trũng trồng cây ăn quả ở thôn 20 là không chỉ tăng thu nhập cho người làm vườn, mà đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số trong thôn. Thôn 20 có 90 hộ dân, thì có trên 70% là người Cao Lan. Nhiều năm nay, bà con chỉ tập trung đi làm thuê. Khi thấy những vườn cây ăn quả trong thôn cho thu nhập, bà con cũng đến các vườn, học lấy cách trồng cây ăn quả. Trưởng ban công tác mặt trận thôn Lâm Văn Tài cho biết, giờ thì nhà nào cũng có vài sào trồng cây ăn quả, nhiều nhất là cây ổi. Đặc tính của loài cây này là dễ chăm sóc, lại cho thu nhanh, thu kéo dài cả năm nên bà con yên tâm đầu tư. Chị Lê Thị Nhật có hơn 7 sào ruộng trồng ổi cho biết, giờ hầu như tuần nào mình cũng có tiền thu từ bán ổi. Không còn phải đi làm thuê, cũng không còn lo không có thu nhập, chị Nhật chia sẻ, chưa tính đến chuyện làm giàu, nhưng thu vài chục triệu đồng/năm giờ không còn là chuyện khó nữa.
Từ những mô hình đầu tiên, giờ ở thôn 20 đã không còn đất ruộng, đất vườn bỏ trống nữa. Dọc hai bên đường vào thôn, những vườn ổi, vườn bưởi được quy hoạch ngăn nắp trĩu quả. Trưởng thôn 20 Lâm Kim Ứng cho biết, thôn 20 giờ có 12 ha ổi, gần 10 ha bưởi. Nhiều hộ gia đình, nhận thấy hiệu quả từ cây ăn quả, ngoài cải tạo lại ruộng của gia đình, đã thuê thêm ruộng của người dân những thôn quanh đấy để trồng.
Chuyển đổi phù hợp
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, giai đoạn năm 2017 -2020, tỉnh Tuyên Quang đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa 1.489,2 ha, trong đó chuyển đổi trên ruộng 2 vụ là 312,7 ha, ruộng 1 vụ là 1.176,5 ha. Trong số này, 1.227 ha được chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm như rau, quả các loại, ngô, lạc mía, cây thức ăn chăn nuôi. Trên 242 ha chuyển đổi sang trồng các loại cây lâu năm như cam, táo, phật thủ, thanh long, chanh tứ mùa… Gần 20 ha chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Các hộ dân có nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng đăng ký với UBND xã nơi có đất đề nghị được chuyển đổi.
Việc chuyển đổi sang cây trồng khác không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại như không làm biến dạng mặt bằng, không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa và phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây trồng khác của xã, huyện và phù hợp với định hướng cũng như quy hoạch vùng cây trồng theo khu vực của địa phương. Diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa phải nằm trong Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa được UBND tỉnh phê duyệt. Qua kiểm tra của ngành nông nghiệp, việc chuyển đổi mang lại cho người nông dân thu nhập gấp từ 2 đến 4 lần so với trồng lúa.
Người dân xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) đưa cây ngô sinh khối vào trồng trên đất lúa.
Giai đoạn 2021 - 2025, qua rà soát nhu cầu từ các địa phương, Tuyên Quang chuyển đổi trên 1.707 ha đất lúa, trong đó chuyển đổi sang cây hàng năm là trên 850 ha; chuyển đổi sang cây trồng lâu năm gần 647 ha; chuyển đổi sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa trên 210 ha. Đầu tháng 10 vừa rồi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Kế hoạch số 3963/QĐ-BNN-TT cho phép tỉnh Tuyên Quang đến hết năm 2022 thực hiện chuyển đổi 531 ha đất trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp sang nuôi, trồng cây con có giá trị kinh tế cao hơn. Trong đó, 200 ha chuyển sang trồng cây hàng năm, 143 ha chuyển trồng cây lâu năm, còn lại là kết hợp chuyển đổi trồng lúa với nuôi trồng thủy sản.
Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những diện tích gieo trồng lúa không hiệu quả là phù hợp với nhu cầu và điều kiện phát triển sản xuất chuyên canh các loại cây trồng trên địa bàn các huyện, thành phố hiện nay. Việc chuyển đổi không những nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất mà còn giải quyết được việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên đơn vị diện tích, hạn chế được tình trạng hoang hóa đất nông nghiệp do thiếu nước bỏ vụ kéo dài. Đây chính là cơ sở để người dân thay đổi tập quán sản xuất và tạo điều kiện để việc phát triển nông nghiệp bền vững.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã vào cùng tham gia sản xuất, hình thành chuỗi liên kết giúp đa dạng hóa sản phẩm, tạo nguồn nông sản hàng hóa cung ứng cho thị trường; đồng thời kết hợp phát triển sản xuất với các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết