Niên vụ 2018 - 2019, ngành mía đường của tỉnh đi xuống nhất trong lịch sử, giá mía nguyên liệu đã giảm xuống 800 nghìn đồng/tấn. Giá mía nguyên liệu xuống thấp, đường sản xuất ra tiêu thụ chậm buộc Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương phải khất nợ tiền mía nguyên liệu với người dân. Cùng với đó, sức cạnh tranh rất cao của cây ăn quả dẫn đến tình trạng người dân phế canh cây mía với tốc độ chóng mặt.
Người dân thôn Cây Vải, xã Thái Hòa (Hàm Yên) giữ ổn định vùng trồng mía nguyên liệu.
Số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong khoảng giai đoạn 2017 đến 2019, trung bình mỗi năm trên 1,5 nghìn ha mía nguyên liệu bị phá bỏ. Điều này đã gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu mía phục vụ công nghiệp chế biến. Niên vụ 2019 - 2020, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương đã phải đưa ra quyết định chưa từng có trong tiền lệ, đóng cửa Nhà máy Đường Sơn Dương, chỉ vận hành 1 Nhà máy Đường Tuyên Quang tại xã Bình Xa (Hàm Yên).
Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cho biết, đầu năm 2020, thị trường mía, đường có dấu hiệu phục hồi, để “cứu” vùng mía nguyên liệu, công ty đã nỗ lực ban hành và thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ người trồng mía, nhất là việc điều chỉnh giá thu mua mía nguyên liệu theo hướng có lợi cho người dân. Bắt đầu từ niên vụ 2019 - 2020, giá mía đã được điều chỉnh tăng từ 800 nghìn đồng/tấn lên 850 - 900 nghìn đồng/tấn tùy theo từng cự ly thu mua. Niên vụ 2021 - 2022, mía nguyên liệu tại ruộng được áp dụng 950 nghìn đồng/tấn. Từ niên vụ 2022 - 2023 đến hết niên vụ 2024 - 2025, công ty sẽ thực hiện thu mua 1 triệu đồng/tấn. Riêng giá thu mua mía giống từ 1 - 1,3 triệu đồng/tấn tùy theo mùa. Ông Minh khẳng định, từ năm nay trở đi giá sẽ được áp 1 giá chung thay vì phân theo cự ly như những năm trước. Ngoài ra định mức đầu tư để phát triển vùng mía nguyên liệu như: làm đất, chuyển đổi từ cây trồng khác sang trồng mía, phân bón... cũng tăng theo và không quá 3 - 5 triệu đồng/ha.
Anh Đào Văn Đồng, thôn Hoàng Lâu, xã Trung Yên (Sơn Dương) phấn khởi cho biết, giá mía nguyên liệu được điều chỉnh theo hướng tăng sẽ có lợi cho người trồng mía như anh. Với giá 950 nghìn đồng/tấn như thông báo thì 3,4 ha mía của gia đình ước thu khoảng gần 300 tấn, sẽ mang lại cho anh Đồng khoảng 270 triệu đồng. Anh Đồng dự tính nếu giá giữ ổn định theo đúng thông báo của công ty niên vụ mới này anh sẽ mở rộng diện tích mía trên đất vườn nhà.
Hơn 3 ha mía của gia đình anh Đào Văn Đồng, thôn Hoàng Lâu, xã Trung Yên (Sơn Dương) chuẩn bị được đốn chặt.
Người trồng mía huyện Hàm Yên cũng rất vui khi giá mía nguyên liệu được điều chỉnh theo hướng tăng lên. Anh Phạm Hồng Thái, thôn Cây Vải, xã Thái Hòa vui mừng bảo, giá mía được điều chỉnh và nếu được ổn định như đúng cam kết anh sẽ tiếp tục ký hợp đồng trồng mía nguyên liệu với Nhà máy Đường Tuyên Quang. Theo anh Thái, gia đình anh có hơn 1 ha mía trồng trên đất soi bãi, đầu tư chăm sóc đúng kỹ thuật nên mía phát triển tốt, mỗi năm gia đình anh thu khoảng 100 tấn mía.
Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, thị trường mía, đường khởi sắc được xem là tín hiệu vui, đặc biệt với sự điều chỉnh kịp thời giá thu mua mía nguyên liệu của Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương sẽ là cú huých quan trọng, tạo niềm tin cho người dân quay trở lại canh tác cây mía.
Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo phát triển Mía đường tỉnh ngày 11-11 vừa qua, đồng chí Nguyễn Thế Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ, đảm bảo cho ngành sản xuất mía đường phát triển bền vững, trong đó người trồng mía có lãi, doanh nghiệp có lợi ngoài điều chỉnh giá thu mua mía, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương phải tái cơ cấu ngành, bắt đầu từ khâu giống, đưa các giống mía có năng suất, chất lượng, nhân rộng mô hình trồng mía có hiệu quả; tăng cường cơ giới hóa trong thu hoạch, bốc xếp, vận chuyển, đây được coi là điểm hạn chế, làm gia tăng giá thành sản xuất mía đường của tỉnh hiện nay. Công ty cũng phải chủ động phối hợp với UBND huyện, thành phố lựa chọn các vùng có điều kiện để xây dựng cánh đồng mía lớn; thực hiện đúng kế hoạch vụ ép, thu mua hết lượng mía nguyên liệu trong dân tránh tình trạng mía chặt nhiều ngày chưa được vận chuyển, giảm chất lượng và trữ đường. Đồng thời tổ chức trồng mới, trồng lại, chăm sóc mía lưu gốc, tăng diện tích mía nguyên liệu để từng bước phục hồi ngành sản xuất mía đường của tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết