Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Hưng Thành (TP Tuyên Quang) hiện trồng 20 ha ngô sinh khối. Để có đầu ra ổn định, HTX đã liên kết với HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành (Yên Sơn) bao tiêu sản phẩm với giá ổn định 800 - 900 đồng/kg. Ông Trần Hồng Quảng, thành viên HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Hưng Thành cho biết, gia đình trồng 7 mẫu ngô sinh khối, ưu điểm của ngô là ít sâu bệnh, dễ chăm sóc, năng suất cao so với các giống ngô khác. Với diện tích này, gia đình thu lãi 70 - 80 triệu đồng/vụ.
Nông dân xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) thu hoạch ngô sinh khối vụ đông năm 2021.
Vụ đông năm 2021, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) trồng 8 ha ngô sinh khối liên kết với HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành với 13 hộ nông dân tham gia. Toàn bộ diện tích được sử dụng giống ngô biến đổi gen NK7328 Bt/GT do Công ty TNHH Sygenta Việt Nam sản xuất lai tạo. Theo ông Nguyễn Quang Ích, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tràng Đà, trồng ngô sinh khối có thể tận dụng được quỹ đất, tạo nguồn thức ăn xanh cho gia súc trong mùa đông. Thời gian sinh trưởng của ngô sinh khối ngắn hơn ngô lấy hạt 20 ngày, đủ để kịp sản xuất vụ xuân. Trong vụ đông, trồng ngô sinh khối hiệu quả cao hơn trồng ngô lấy hạt. Ngô sinh khối cho năng suất 2,5 - 2,6 tấn/sào (50 - 52 tấn/ha), giá bán cao hơn ngô lấy hạt trên 7 triệu đồng/ha, và quan trọng nhất là được bao tiêu đầu ra.
HTX Nông nghiệp Minh Hoàng, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) được thành lập và đi vào hoạt động gần 1 năm nay. HTX đã đầu tư liên kết với người nông dân huyện trồng ngô sinh khối và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Ông Trần Ngọc Phong, Giám đốc HTX cho biết: HTX chủ yếu thu mua, sơ chế cây ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi, nuôi bò sinh sản theo hình thức nhốt chuồng với số lượng trên 30 con. HTX đã đầu tư nhà xưởng chế biến, ủ chua gần 100 tấn ngô sinh khối mỗi ngày. Vụ đông năm 2021, HTX đã liên kết hỗ trợ các hộ dân trên địa bàn huyện trồng liên kết toàn bộ giống ngô SSC5 86 của Công ty cổ phần Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam với 150 ha. Tuy nhiên, chỉ trồng vụ đông thì HTX không đủ nguyên liệu cung ứng cho đối tác mà phải duy trì 3 vụ/năm, sản lượng đạt khoảng 20.000 tấn/năm. Vì vậy, HTX tiếp tục hợp đồng liên kết với người dân bao tiêu sản phẩm cả năm.
Anh Lự Văn Chung, thôn An Phú, xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa), hộ liên kết với HTX Nông nghiệp Minh Hoàng chia sẻ: “Đây là vụ thứ hai gia đình tôi trồng ngô sinh khối. Làm ngô sinh khối ít tốn công, nhàn hơn trồng khô lấy hạt vì làm được nhiều vụ, thu nhập cao hơn. Hơn nữa có bao tiêu đầu ra, người nông dân rất yên tâm”.
Sản phẩm ngô sinh khối của HTX Nông nghiệp Minh Hoàng, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) chuẩn bị xuất bán.
Bà Nguyễn Thị Kim, phó giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh, cho biết, phát triển ngô sinh khối tăng giá trị sản xuất vụ đông, tăng hệ số sử dụng đất, không để đất hoang. Trồng ngô sinh khối có nhiều ưu điểm hơn so với trồng ngô lấy hạt như thời gian từ trồng đến thu hoạch ngắn (từ gieo - thu hoạch sớm, chỉ khoảng 75 - 90 ngày tùy theo từng giống, ngắn hơn trồng ngô lấy hạt từ 25 - 35 ngày, góp phần tăng vụ có thể trồng 3 - 4 vụ/năm, trong khi trồng ngô lấy hạt tối đa chỉ trồng được 2 - 3 vụ/năm). Ngô là cây ưa ẩm, tưới nước theo đợt không tốn nước như trồng lúa. Mặt khác, trồng ngô sinh khối có thời gian canh tác trên ruộng ngắn hơn, ít dùng thuốc bảo vệ thực vật, vì thế đã giảm được chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất và góp phần bảo vệ môi trường.
Đối với ngành chăn nuôi bò sữa, cây ngô sinh khối rất quan trọng. Ông Lương Huy Toản, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi bò sữa kỹ thuật cao Hồ Toản (Yên Sơn) cho biết: Chất lượng cây ngô xanh khi thu hoạch vào giai đoạn chín sáp có dưỡng chất đầy đủ và cao nhất nên khi trâu, bò thịt hoặc bò sữa ăn thức ăn này sẽ cho chất lượng thịt, sữa tốt nhất. Đây là hiệu quả mang lại lợi ích cho cả người nông dân, doanh nghiệp, HTX và người tiêu dùng. Công ty đang phát triển đàn bò sữa tại Tuyên Quang từ 8.000 đến 10.000 con bò. Trong đó, chăn nuôi tập trung khoảng 3.000 con và kết hợp cùng người dân nuôi khoảng 5 đến 7.000 con. Vì thế, công ty sẽ liên kết với các hộ dân phát triển vùng ngô sinh khối khoảng 400 - 500 ha, nhất là vào vụ đông để cung cấp thức ăn tươi cho bò vào mùa đông.
Với những lợi ích từ cây ngô sinh khối đem lại, nhất là liên kết bao tiêu đầu ra của các HTX, doanh nghiệp, triển vọng phát triển cây ngô sinh khối trong tỉnh là rất lớn, mở ra hướng phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân.
Gửi phản hồi
In bài viết