Thanh tra Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kiểm tra các cửa hàng kinh doanh giống,
vật tư trên địa bàn thành phố Tuyên Quang.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vụ xuân 2021 - 2022 các tỉnh phía Bắc sẽ gặp khó khăn: xu hướng gia tăng cường độ rét trong các tháng chính đông, rét đậm, rét hại tập trung nhiều trong khoảng giữa tháng 12-2021 cho đến tháng 2-2022. Đi cùng với đó, là vấn đề thiếu hụt nguồn nước, đặc biệt nguồn nước tới các hồ chứa trên thượng lưu lưu vực sông Lô tiếp tục xảy ra từ tháng 11-2021 đến tháng 4-2022. Mực nước thấp nhất lịch sử có khả năng xuất hiện tại sông Lô, đặc biệt trong các tháng mùa cạn của năm 2022. Do các đợt mưa lớn, kéo dài trong tháng 10 và các tháng cuối năm nên diện tích đổ ải có xu hướng khó khăn hơn rất nhiều so với các vụ trước. Mặt khác, vụ xuân 2021 - 2022 diễn ra trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn ra bất thường và có xu hướng gia tăng.
Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh dự báo, vụ xuân 2021 - 2022 có thời tiết khí hậu lạnh, do vậy thời gian sinh trưởng của cây lúa sẽ kéo dài hơn các vụ xuân ấm. Ứng phó với những bất thuận của thời tiết, ngành đã có hướng dẫn sử dụng giống và thời vụ. Theo đó, lấy trà xuân muộn là chủ lực, tập trung cấy sau tiết lập Xuân 4-2, đảm bảo lúa trỗ vào khung thời gian an toàn từ 20-4 đến 10-5-2022; tăng diện tích lúa chất lượng, giống chống chịu tốt với sâu bệnh và điều kiện bất thuận, thời gian sinh trưởng ngắn như: Tạp giao 1, Nhị ưu 838, Thái Xuyên 111, MHC2, GS9; giống lúa nếp N97 và giống chất lượng cao Bắc Thơm số 7... Lịch gieo mạ bắt đầu từ ngày 5 đến ngày 10-2, cấy từ ngày 20 đến ngày 28-2-2022.
Cửa hàng vật tư, giống nông nghiệp Hùng Sao, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) chuẩn bị đủ nguồn giống
phục vụ nhu cầu sản xuất của bà con.
Ông Tuyên nhấn mạnh, quá trình gieo mạ, áp dụng triệt để biện pháp che phủ nilon chống rét cho toàn bộ diện tích mạ, trước khi đưa mạ ra cấy phải thực hiện luyện mạ đúng kỹ thuật. Tuyệt đối không ngâm ủ, gieo mạ và cấy vào những ngày nhiệt độ không khí dưới 15 độ C. Đối với các xã vùng cao của huyện Na Hang, Lâm Bình lịch thời vụ kết thúc cấy chậm nhất ngày 5-3. Trong cùng một trà lúa, giống có thời gian sinh trưởng dài bố trí gieo cấy đầu khung thời vụ, giống có thời gian sinh trưởng ngắn bố trí gieo cấy giữa và cuối khung thời vụ để đảm bảo lúa trỗ đồng đều, thuận lợi cho chăm sóc, quản lý sâu bệnh hại.
Bà Hoàng Thị Hoan, xóm 13, xã Kim Phú (TP. Tuyên Quang) cho biết, thời điểm này năm ngoái gia đình đã chuẩn bị các điều kiện để làm đất phục vụ chuẩn bị sản xuất vụ xuân. Tuy nhiên năm nay theo khuyến cáo, bà lùi lịch làm mạ, gieo cấy để tránh những tác động xấu từ thời tiết ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây lúa.
Người dân các xã vùng phía Nam huyện Sơn Dương cũng chưa vội để bắt tay vào vụ xuân. Ông Dương Xuân Quyền, thôn Thai Bạ, xã Thiện Kế (Sơn Dương) cho biết năm nay lịch gieo cấy vụ xuân lùi lại nên gia đình thong thả hơn. Ông Quyền tính, thu hoạch cây vụ đông xong ông sẽ cày ải, làm đất kỹ, điều này sẽ rất tốt khi xuống giống lúa xuân.
Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho rằng, ngoài cây lúa, các cây màu khác như: Ngô, lạc, đậu đỗ các loại..., bà con chú ý tập trung gieo trồng từ sau tiết lập Xuân từ ngày 4 đến ngày 25-2 trên đất ruộng 1 vụ; gieo trồng trước ngày 10-3 trên đất màu đồi, soi bãi. Mở rộng diện tích trồng ngô làm thức ăn cho gia súc. Các địa phương rà soát diện tích không chủ động nước, cấy lúa kém hiệu quả để chuyển đổi trồng cây rau, màu như: Lạc, dưa chuột... các loại rau đậu tuyệt đối không được để đất trống.
Gửi phản hồi
In bài viết