Những năm trước bước vào mùa khô là người dân thôn Khánh An, xã Thái Hòa (Hàm Yên) lo lắng vì thiếu nước. Ông Lê Trung Thành, thôn Khánh An cho biết, công trình nước được xây dựng cách đây 15 năm. Ngày đó nguồn nước còn dồi dào, nhưng những năm gần đây do tác động của biến đổi khí hậu, về mùa khô nguồn nước tại công trình giảm dần cùng với đó là số lượng hộ sử dụng tăng lên, nước không đủ để cung cấp nên nhiều hộ dân cuối đường ống khổ lắm. Năm 2020 công trình được đầu tư nâng cấp, tăng sản lượng khai thác và mở rộng đấu nối, bà con rất mừng.
Ông Hoàng Huy Toàn, cán bộ quản lý vận hành công trình cấp nước sinh hoạt xã Thái Hòa phấn khởi cho biết, sau khi nâng cấp, hiện nay mỗi ngày công trình bơm khoảng 120 m3 nước đạt chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế đủ phục vụ cho 370 hộ dân thuộc 5 thôn gồm: Khánh An, Tân An, Soi Long, Khánh Hòa và Quang Thái, tăng 50m3 so với thời điểm trước nâng cấp. Theo ông Toàn, Nhà nước đầu tư nâng cấp công trình, ông yêu cầu các hộ dân ký cam kết sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đảm bảo đủ nước để sử dụng cho từ nay đến tháng 4 sang năm.
Người dân thôn Hòa Bình, xã Thái Long (TP Tuyên Quang) tự thi công công trình cấp nước
để lấy nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày.
Tương tự tháng 7 vừa qua, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại Yên Khánh - Tân Quang, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) cũng được nâng cấp, với công suất bơm trên 100 m3/ngày. Ông Hoàng Văn Hoan, thôn Yên Khánh cho biết, công trình cấp nước được đầu tư cải tạo, nâng cấp gia đình ông và hơn 100 hộ của 2 thôn không lo thiếu nước nữa.
Báo cáo của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh, từ năm 2020 đến nay, Trung tâm đã thực hiện nâng cấp, cải tạo 9 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn với tổng mức đầu tư trên 76,1 tỷ đồng. Hiện tại 9 công trình đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho 7.609 hộ gia đình và các tổ chức.
Theo đánh giá của Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, hiện nay toàn tỉnh có tổng số 383 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung, trong đó có 227 công trình hoạt động. Dù vậy, biến đổi khí hậu toàn cầu, ý thức bảo vệ nguồn sinh thủy tại một số địa phương chưa cao là lý do nguồn nước đổ về các công trình bị hạn chế, đặc biệt là vào mùa khô dẫn đến tình trạng nước không đủ để điều tiết.
Tại xã Hào Phú (Sơn Dương) dự báo sẽ có khoảng trên 600 hộ có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt. Nguyên do nguồn nước mặt bị hạ thấp, các công trình cấp nước sinh hoạt không đủ để cung cấp cho các hộ dân. Cách đó không xa, tại xã Trường Sinh số hộ có nguy cơ thiếu nguồn nước phục vụ trong sinh hoạt trong mùa khô cũng ở mức trên 600 hộ, chiếm 50% tổng số hộ dân toàn xã. Đồng chí Đỗ Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Trường Sinh cho biết, để ai cũng có nước dùng cùng nhau vượt qua mùa khô năm nay, xã đã vận động các hộ thuận lợi về nguồn nước chia sẻ với các hộ khó khăn; xây bể chứa để tích trữ và sử dụng tiết kiệm nước.
Cấp đủ nước và nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, UBND tỉnh đã có Kế hoạch đảm bảo cấp nước an toàn cho cư dân nông thôn giai đoạn 2021-2025. Ông Bùi Chí Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết, từ nay đến năm 2025, tỉnh sẽ lồng ghép Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và các nguồn vốn hợp pháp khác để nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 118 công trình cấp nước nông thôn tập trung ở các địa phương. Cùng với kế hoạch đầu tư của tỉnh, người dân cũng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ nguồn sinh thủy, sử dụng tiết kiệm hiệu quả nguồn nước. Đây là giải pháp lâu dài và có tính bền vững nhất để bảo vệ tài nguyên nước - sự sống của con người.
Gửi phản hồi
In bài viết