>> Bài 2: Những ngày không quên
>> Bài 3: Những bài học giữ “vùng xanh”
Bài 1: Không sợ hãi
Những dòng tâm trạng lo lắng, bất an dần thay thế bằng những lời động viên nhau đoàn kết, chiến thắng dịch bệnh. Tuyên Quang, từ một tỉnh không có ca mắc Covid-19, đã rải rác có những ca bệnh đầu tiên. Hơn tất cả, dịch bệnh đã “kích hoạt” lại tinh thần đoàn kết, đồng lòng vì việc chung của mỗi người con xứ Tuyên, dù họ ở bất cứ nơi đâu.
Từ ca bệnh đầu tiên
16 giờ ngày 16-5, huyện Chiêm Hóa lập chốt, cách ly, khoanh vùng toàn bộ thôn Khuôn Khoai và 67 hộ của thôn Hợp Long 1 nơi BN 4191 sinh sống và đi lại trong thời gian trở về địa phương.
Chị Đặng Thu Hằng, Khoa Huyết học truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh là một trong những người trực tiếp lên vùng dịch Yên Nguyên làm nhiệm vụ chia sẻ, bản thân mình cũng lo, nhưng mình có kiến thức, có đồ bảo hộ, lại mang trong mình trọng trách của một người thầy thuốc nên gác lại hết. Ngoài việc lấy mẫu xét nghiệm, mỗi cán bộ còn là nhà “tâm lý học” để giúp người dân không hoang mang, tự tin đẩy lùi dịch bệnh.
Lang Quán (Yên Sơn) những ngày này cũng đang trở thành “điểm nóng”, khi qua truy vết, lấy mẫu đã phát hiện 24 ca mắc. Các ca mắc này đều là công nhân làm việc tại một công trình xây dựng trên địa bàn, không phải người dân trên địa bàn xã. Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND xã cho biết, xã đã huy động các lực lượng, y tế thôn bản, tổ Covid cộng đồng để phối hợp với lực lượng y tế tiến hành truy vết các trường hợp F1, F2. Địa phương đã triển khai các biện pháp khoanh vùng cách ly toàn bộ khu vực công trình. Đồng thời, phối hợp với lực lượng chức năng đưa các trường hợp F1 đi cách ly tập trung và các trường hợp F2 ra quyết định cách ly tại nhà. Các ca F0 được lực lượng chức năng đưa đi điều trị tại Bệnh viện Phổi tỉnh.
Lãnh đạo Công an huyện Lâm Bình, chỉ đạo công an xã Xuân Lập tập trung truy vết các trường hợp liên quan đến ca F0.
Ảnh: Minh Hoa
Anh Nông Quang Tuyến, thôn 8, xã Lang Quán chia sẻ: Giờ người dân cũng xác định sống chung với dịch, nên không còn hoang mang, lo lắng nhiều nữa. Mọi người nhắc nhở nhau thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch. Giờ ai có việc ra đường cũng đeo khẩu trang, không tụ tập đông người, thường xuyên sát khuẩn tay, dọn dẹp vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, khai báo đúng sự thật với chính quyền địa phương nếu có tiếp xúc với các ca bệnh, hay đi từ vùng có dịch trở về địa phương đề phòng dịch bệnh lây lan.
Kích hoạt các kịch bản ứng phó
“Bản đồ” dịch bệnh giờ đã bắt đầu lan rộng. Sau Yên Nguyên (Chiêm Hóa) là Na Hang, Lâm Bình, Sơn Dương, Yên Sơn, TP Tuyên Quang. Các kịch bản ứng phó được kích hoạt trên tinh thần khoanh vùng hẹp nhất, nhanh nhất để khống chế dịch.
Ngày 12-11, Lâm Bình phát hiện 2 ca mắc đầu tiên, là giáo viên và học sinh của Trường THPT Lâm Bình, được nhận định đây là ổ dịch có nguy cơ cao nên ngay lập tức cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, nhiều cuộc họp khẩn được tổ chức. Chiều 14-11, Thường trực Tỉnh ủy tiếp tục họp, chỉ đạo các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện Lâm Bình. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với tinh thần cao nhất để truy vết các trường hợp có liên quan đến F0. Toàn tỉnh đã huy động trên 600 lực lượng y tế, quân đội, công an lên hỗ trợ Lâm Bình ngày đêm, truy vết, lấy mẫu, canh chốt, đảm bảo công tác hậu cần, tiêm phòng.
Hàng rào phong tỏa được thiết lập, lực lượng công an, bộ đội, y tế, dân quân vào vị trí canh gác, nghiêm cấm người dân ra, vào các địa điểm có nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh. Xuyên đêm, những chiếc loa truyền thanh di động len lỏi khắp các ngõ xóm, tổ dân phố trên địa bàn xã thông báo về công tác phòng, chống dịch.
Từ ngày 12-11 đến hết ngày 19-12, Lâm Bình phát hiện 650 người dương tính với Covid-19. Thời điểm đỉnh điểm của dịch, huyện Lâm Bình ở cấp độ 4, nguy cơ rất cao (vùng đỏ). Để chuyển hóa mức độ nguy cơ trên bản đồ Covid-19, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch huyện Lâm Bình đã yêu cầu các lực lượng bảo vệ an toàn tuyệt đối các khu vực đã được phong tỏa, cách ly, kiểm soát không để “vùng đỏ” lây lan sang khu vực lân cận. Cụ thể, huyện đã thành lập 57 khu cách ly, phong tỏa; thành lập 16 chốt kiểm soát dịch tại các xã, thị trấn nhằm kiểm soát chặt chẽ người ra vào các chốt chặn; tăng cường tuần tra, kiểm soát lưu động việc thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch; củng cố kiện toàn các tổ phản ứng nhanh; chốt chặn khóa chặt địa bàn ở “vùng đỏ”; đồng thời vẫn bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm cho người dân…
Đoàn xe chở cán bộ y tế hỗ trợ huyện Sơn Dương chống dịch.
Đồng chí La Đăng Tái, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, không chỉ tại huyện Lâm Bình mà ở các địa phương khác như Na Hang, Sơn Dương, Chiêm Hóa, thành phố Tuyên Quang là những địa phương xuất hiện nhiều ca mắc cộng đồng, ngành Y tế đã huy động hàng trăm cán bộ y, bác sỹ, hàng chục xe cứu thương lên đường, chung tay cùng với các địa phương chống dịch.
Được ví như “vũ khí chống dịch đặc biệt”, thành viên các tổ Covid cộng đồng những ngày tháng này như những chiếc “ăng - ten”, dò sóng, ghi chép lại những người ra vào địa bàn, lịch trình di chuyển của từng người để sẵn sàng phối hợp với các lực lượng liên quan vào cuộc chiến còn lâu dài này.
Chị Đặng Thị Chao, Tổ trưởng Tổ covid cộng đồng thôn Lũng Giềng, xã Xuân Lập (Lâm Bình) giờ đã nắm gần như thuộc lòng lịch trình di chuyển của 8 F0 và các F1 trong thôn. Chị Chao chia sẻ, đồng bào mình lâu nay sống tự do quen rồi, giờ phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp chống dịch ban đầu có bỡ ngỡ, nhưng không ai muốn mình bị nhiễm bệnh cả, mình cùng với cán bộ y tế, lực lượng công an xã tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng dịch, khai báo y tế, thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly. Cứ tuyên truyền, vận động kỹ là bà con theo thôi.
Đầu tháng 12, Lâm Bình đã cơ bản khống chế được dịch.
TP Tuyên Quang cũng đang thắt chặt các biện pháp phòng chống dịch, khi những ca mắc được phát hiện tại phường Nông Tiến, Lưỡng Vượng, Hưng Thành. Đồng chí Huỳnh Quang Bình, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ 9, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) cho biết, những ngày này tổ dùng loa để tuyên truyền đến các hộ gia đình thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly. Không chủ quan, khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.
Thành phố ngay lập tức ra văn bản tạm dừng các hoạt động dịch vụ như karaoke, vũ trường, rạp chiếu phim, massage, xông hơi, hàng quán vỉa hè…; các hoạt động còn lại, chủ cơ sở phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Tại cuộc họp ngày 18-12 của Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm đã nhận định công tác phòng chống dịch bệnh của tỉnh đã được triển khai rất cụ thể, quyết liệt, tỉnh vẫn giữ được vùng xanh.
Tuy nhiên, thành quả này sẽ không thể giữ được, nếu không có sự đồng lòng, đoàn kết của cả cộng đồng. Những giọt mồ hôi và cả nước mắt của lực lượng y tế; những ngày dãi nắng dầm mưa của lực lượng làm việc tại các chốt kiểm dịch; những ngày “vác tù và hàng tổng” của các thành viên Tổ Covid cộng đồng… Tất cả, đang chung sức đồng lòng để Tuyên Quang bình an và khỏe mạnh!
Gửi phản hồi
In bài viết