Đảm bảo tốc độ tăng trưởng sản phẩm

- Mục tiêu năm 2022 tỉnh tốc độ tăng trưởng sản phẩm đạt 8,33%, tăng 2,66% so với năm 2021. Đây không chỉ thể hiện sự chủ động ứng phó, hóa giải khó khăn, thách thức, mà còn tạo động lực, khơi dậy khát vọng để hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Phát triển ngành kinh tế thế mạnh

Công ty TNHH Huiling Wood Products thuộc Cụm công nghiệp Thắng Quân (Yên Sơn) có hàng trăm công nhân đang hối hả làm việc đảm bảo hoàn thành lô hàng 500m2  sản phẩm đầu tiên xuất khẩu năm 2022. Bà Tô Thị Thái, đại diện Công ty TNHH Huiling Wood Products phấn khởi cho biết, trong quý 1-2022, công ty đã có 5 đơn đặt của các bạn hàng, ngoài các thị trường truyền thống Mỹ, năm nay công ty có thêm nhiều bạn hàng ở các nước EU. Bà Thái dự tính, doanh thu năm 2022 sẽ vượt con số trên 5 triệu USD của năm 2021 vừa qua.

Tương tự như Công ty TNHH Huiling Wood Products, các công ty chế biến, sản xuất đồ gỗ xuất khẩu Woodsland Tuyên Quang, Acacia, An Dương dự báo tiếp tục gặt hái những thành công lớn bởi chỉ mới những ngày đầu của năm mới song các doanh nghiệp đã nhận đủ đơn đặt hàng cho cả kế hoạch sản xuất trong năm.

Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang sản xuất gỗ ván thanh theo đơn hàng Thụy Điển.

Theo đánh giá của Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2021 đã đạt trên 20 triệu USD, tăng 47% so với năm 2020. Đây là mức tăng trưởng vượt trội ngay cả trong tình huống phải ứng phó dịch bệnh Covid-19. Dự tính năm 2022, ngành sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng tiếp tục trên đà tăng trưởng mạnh đóng góp lớn vào tăng trưởng sản phẩm của tỉnh. Ngoài ngành chế biến gỗ rừng trồng, các ngành công nghiệp sản xuất điện, khai khoáng... dự tính vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức khá.

Song song với lĩnh vực công nghiệp, sản xuất nông nghiệp - trụ đỡ của nền kinh tế cũng được quan tâm, đầu tư theo chiều sâu để gia tăng giá trị sản phẩm. Ông Đinh Bộ Lĩnh, Trưởng phòng Kế hoạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, ngành sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu mở rộng quy mô sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, tập trung vào các sản phẩm chủ lực trên cơ sở đó phát triển, nâng tầm các thương hiệu sản phẩm. Theo ông Lĩnh hiện tại, tỉnh đã có 128 sản phẩm nông nghiệp đã được chứng nhận và gắn sao OCOP. Điều này cho thấy một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa đã hình thành.

Lĩnh vực du lịch - dịch vụ cũng từng bước thích ứng với tình hình mới để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Lê Thanh Sơn, ngành đang tích cực hưởng ứng Chương trình phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 với chủ đề “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đồng thời, thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình trong hoạt động kinh doanh du lịch đẩy nhanh phục hồi hoạt động du lịch; phát triển các sản phẩm du lịch đáp ứng xu hướng mới của thị trường... 

Dồn lực cho tăng trưởng

Tại hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 tổ chức ngày 7-1 vừa qua, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đều khẳng định trước những khó khăn, thách thức của đại dịch Covid-19, toàn tỉnh cần phát huy những cách làm hay, sáng tạo; bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2022; nắm chắc thời cơ, tranh thủ thuận lợi để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đề ra, đúng với chủ đề điều hành của Chính phủ là “Đoàn kết, kỷ cương, chủ động thích ứng an toàn, hiệu quả, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội”.

Công ty cổ phần Giấy An Hòa xuất khẩu lô hàng đầu tiên năm 2022.

Đồng chí Vân Đình Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phấn khởi cho biết, năm 2022, tổng vốn đầu tư công Trung ương giao cho tỉnh (chưa bao gồm vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia) tăng 150% so với năm 2021. Đây là nguồn lực lớn để đầu tư từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, hiện tại Sở đang tích cực phối hợp với các huyện, thành phố và chủ đầu tư triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ ngay từ đầu năm để hoàn thành các dự án đảm bảo tiến độ và giải ngân 100% vốn được giao. Cùng với đó, Sở chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư, thành lập doanh nghiệp trên địa bàn; tăng cường các giải pháp thu hút đầu tư trên địa bàn...

Về phía ngành Công thương, đồng chí Hoàng Anh Cương, Tỉnh ủy viên, Giám đốc sở Công thương cũng khẳng định, Sở đang tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh; triển khai, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực ngành: Các dự án thủy điện; dự án mở rộng Nhà máy Giấy An Hòa; dự án mở rộng Nhà máy Thép Tuyên Quang... Đồng thời đưa các dự án mới: Nhà máy chế biến gỗ tại huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên, Khu công nghiệp Long Bình An; các nhà máy sản xuất bao bì xuất khẩu tại Cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương)... đi vào hoạt động, tạo thêm sản phẩm và góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Theo đồng chí Phạm Hùng Sơn, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành dù trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp thì mục tiêu đảm bảo tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 8,33% hoàn toàn có thể thực hiện được.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục