Thi đua lao động sản xuất đầu xuân

- Đầu xuân mới, trời đổ rét và có mưa nhưng trên những công trường, nhà máy, đồng ruộng vẫn rộn ràng tiếng cười nói của người lao động thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đặc biệt, ngay từ đầu xuân mới này, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành đã đến thăm, chúc Tết công nhân, người lao động trên những công trình trọng điểm. Đây là sự động viên lớn, tạo động lực để các chủ đầu tư, nhà thầu, người lao động vượt qua khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, góp phần đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, thực hiện tốt các mục tiêu năm 2022...

Niềm vui đầu xuân

Đầu xuân mới, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã đến thăm, chúc Tết động viên công nhân, lao động trên công trường xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai và Dự án thủy điện sông Lô 7 (Hàm Yên), tham gia Tết trồng cây gây rừng tại nhiều địa phương trong tỉnh. Đồng chí Trần Viết Cương, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh phấn khởi cho biết, hàng năm trên các công trình trọng điểm của tỉnh, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đều đến thăm, chúc Tết công nhân, lao động, tạo khí thế thi đua sôi nổi hoàn thành tốt các hạng mục để đưa công trình vào hoạt động đúng tiến độ.

Dự án xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai
đang được các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công.

Công tác giải phóng mặt bằng xây dựng đường cao tốc được ban phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Theo đó, tại địa bàn thành phố Tuyên Quang đã phê duyệt phương án bồi thường 393/395 hộ với hơn 89,3 tỷ đồng, đã chi trả cho 368/393 hộ gia đình với hơn 75,7/89,3 tỷ đồng; tại huyện Yên Sơn đã phê duyệt phương án bồi thường 197/197 hộ với hơn 68,2 tỷ đồng, đã chi trả cho 195/197 hộ gia đình, tổ chức với hơn 62,2/68,2 tỷ đồng. Hiện tỉnh Tuyên Quang đã giải ngân  gần 138 tỷ đồng đạt hơn 82,3% kế hoạch; tiến độ thi công đạt hơn 10% kế hoạch...

Tại buổi thăm, chúc Tết trên công trường xây dựng đường cao tốc, thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm đã hoan nghênh các đơn vị chức năng đã bắt tay ngay vào công việc từ đầu xuân năm mới để hoàn thành công trình theo đúng tiến độ. Đồng chí đề nghị các đơn vị thi công bố trí nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng, bảo đảm chất lượng, an toàn, đưa công trình vào sử dụng đúng kế hoạch, tạo đà để tỉnh ta phát triển nhanh và bền vững.  

Công ty May LGG Tuyên Quang tập trung sản xuất đơn hàng đầu năm.

Anh Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Phú, Chỉ huy Trưởng công trường xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ phấn khởi nói, được các đồng chí lãnh đạo tỉnh đến thăm, động viên ngay từ những ngày đầu xuân mới thực sự là động lực thôi thúc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình; thực hiện tốt phương châm an toàn, hiệu quả, chất lượng cao nhất. Xác định rõ đây là công trình có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, công ty huy động tối đa lực lượng công nhân có trình độ tay nghề cao nhất, máy móc tốt nhất để thi công công trình chất lượng cao nhất. 

Ngay từ mùng 4 Tết Nhâm Dần (tức ngày 4-2) công ty đã tổ chức lao động khai xuân với mong muốn một năm thuận lợi để hoàn thành phần đào đắp nền đường thuộc gói thầu số 26. Với khối lượng đào đắp từ 3.000m3 đến 5.000m3 đất đá/ngày thì 3,5km đơn vị thi công đảm bảo tiến độ đề ra. Còn anh Trần Văn Quyết, công nhân lái máy xúc của Công ty TNHH Hiệp Phú vui vẻ nói, các đồng chí lãnh đạo tỉnh ân cần thăm hỏi chỗ ăn, ở công nhân, lao động, anh thấy thật đầm ấm, vậy nên anh em sẽ nỗ lực thật nhiều, khắc phục khó khăn hoàn thành tốt công việc được giao. 

Công nhân Công ty TNHH HITARP tại Cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương) sản xuất bạt nhựa PE.

Cũng vào mùng 4 Tết năm nay, các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham gia Tết trồng cây tại xã Khuôn Hà (Lâm Bình). Đồng chí Nguyễn Thành Trung, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện phấn khởi nói, đầu xuân được các đồng chí lãnh đạo tỉnh “xông đất” tham gia Tết trồng cây là niềm vinh dự lớn đối với nhân dân các dân tộc huyện Lâm Bình, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong các tầng lớp nhân dân trồng cây, làm giàu tài nguyên rừng, bảo đảm không ngừng nâng cao đời sống người dân. 

Huyện Lâm Bình có nhiều lợi thế phát triển lâm nghiệp với trên 70 nghìn ha đất rừng, chiếm 76,8%. Hàng năm huyện trồng mới trên 600 ha rừng; gắn trồng rừng với phát triển du lịch, tỷ lệ che phủ rừng hiện đạt trên 76%. Thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ, năm 2022, huyện phấn đấu trồng mới trên 650 ha rừng. Ngay từ đầu xuân mới, người dân trong huyện đã bắt đầu làm đất, đưa cây giống lên đồi nương đón đợt mưa xuân ấm áp để cây rừng sớm bén rễ lên xanh.

Công đoạn dệt sợi của Công ty TNHH MTV bao bì DHT tại Cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương).

Thi đua hoàn thành vượt mục tiêu đề ra

Năm 2022 tỉnh phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn  đạt 21.440,6 tỷ đồng; tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn 8,33%; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 10.146,7 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp: 17.520 tỷ đồng; thu ngân sách Nhà nước đạt 2.784 tỷ đồng... Đây là nhiệm vụ quan trọng cho năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, đòi hỏi các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân phải hết sức nỗ lực để thực hiện tốt mục tiêu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Người dân thôn Làng Bát, xã Tân Thành (Hàm Yên) thu hoạch chè xuân.

Nhận thức sâu sắc điều này, các cơ quan chức năng của tỉnh, chính quyền các địa phương đã tạo môi trường tốt nhất cho các doanh nghiệp, người dân thi đua lao động sản xuất. Từ sự quan tâm đó, các doanh nghiệp đã chủ động triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh ngay từ đầu năm mới. 7 giờ sáng 6 - 2, trước một ngày so với quy định nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, hàng nghìn công nhân tại Cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương) tham gia thực hiện các biện pháp phòng dịch bệnh Covid-19 như khử trùng, sát khuẩn, đo thân nhiệt để chuẩn bị vào ngày làm việc đầu tiên sau một tuần nghỉ Tết. Anh Bùi Văn Hưng, Quản lý sản xuất của Công ty sản xuất bao bì DHT cho biết, bước vào năm 2022, công ty đã có đơn hàng 10 nghìn sản phẩm xuất khẩu nên công ty tổ chức sản xuất từ mùng 6 -2 đảm bảo đơn hàng đã ký. Dẫu công ty mới đi vào sản xuất quý III-2021 nhưng đã xuất khẩu sang các nước châu Á được 150 tấn sản phẩm, thu nhập bình quân người lao động từ 7 triệu trở lên.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, hầu hết người lao động đều đi làm sớm hơn thường ngày để gặp gỡ, cùng chúc nhau năm mới sức khỏe, thuận lợi trong công việc và cuộc sống. Dịp này, hầu hết các doanh nghiệp đã lì xì cho người lao động. Ông Lê Quang Khánh, Phó Giám đốc sản xuất Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang phấn khởi cho biết, năm 2022 công ty đã nhận số đơn đặt hàng tăng so với năm 2021 trên 12%, dự kiến doanh thu đạt 1.700 tỷ đồng, tăng 300 tỷ đồng so với năm ngoái. Với lượng công việc rất lớn, đơn vị đã tổ chức lao động sản xuất ngay ngày đầu tiên sau quy định nghỉ Tết Nhâm Dần 2022 để đáp ứng đơn hàng xuất khẩu vào tháng 3-2022. Tại Trung tâm Hành chính công của tỉnh, cán bộ có mặt đúng quy định giúp người dân giải quyết các thủ tục ngày đầu năm. Chị Đặng Thị Phương, người dân xóm 4 xã Tràng Đà đến giao dịch hồ sơ đất đai cho biết, chị hài lòng về cách phục vụ của cán bộ trung tâm. Hồ sơ của chị được cán bộ hướng dẫn tỉ mỉ, cụ thể từng bước và có lịch hẹn cụ thể.

Công ty 27-7 chuẩn bị xuất khẩu 10 nghìn tấn bột Barite trong quý I năm 2022.

Ngành Giáo dục đã có phương án đón học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Ngày 7-2,    toàn thành phố có 23.475 học sinh ở các bậc học mầm non, tiểu học, THCS quay trở lại trường học. Các trường học trên địa bàn thành phố đã phối hợp với các cơ sở y tế tổ chức test nhanh Covid-19, làm xét nghiệm Realtime - PCR cho học sinh. Bà Trần Thị Thành, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Thuận cho biết, ngoài kết quả test Covid-19 của học sinh thì nhà trường chuẩn bị nước sát khuẩn, vệ sinh trường học và bảng tuyên truyền phòng dịch để đảm bảo an toàn cho các con khi đến trường. 

Thu hoạch nốt rau vụ đông, người dân thôn Liên Nghĩa, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) chuẩn bị cho vụ dưa chuột mới. Chị Lê Thị Ngọc, người có kinh nghiệm trồng rau hơn 10 năm ở Liên Nghĩa cho hay, cứ sau Tết cổ truyền, người dân ở đây chuẩn bị cho vụ sản xuất mới, dịp tháng Giêng, tháng Hai trồng dưa chuột là hợp nhất để đón nắng mới vào tháng 4. Mùa nào thức đó, người Liên Nghĩa giàu nhờ phát triển rau hàng hóa nhiều năm qua. Trưởng thôn Liên Nghĩa Vũ Văn Đông phấn khởi nói, thôn đã không còn hộ nghèo, hộ có cuộc sống khá ngày càng tăng. Hiện thôn có 135 hộ thì có 75 hộ dân trồng 4,5 ha rau hàng hóa cung cấp cho huyện và tỉnh Hà Giang, thu nhập bình quân hộ trồng rau đạt từ 100 triệu đồng/năm. Ngay thời điểm đầu năm, thị trường ổn định, giá bán khá cao nên ai cũng phấn khởi.

Không còn quan niệm “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, các doanh nghiệp, đơn vị, công nhân, người lao động khắp nơi trong tỉnh đã bắt tay ngay vào công việc, thi đua lao động sản xuất, xây đắp cuộc sống no ấm, hạnh phúc.

Mỹ An

Tin cùng chuyên mục