Đảm bảo “trụ đỡ” bền vững

- Liên tiếp các đợt giải cứu nông sản diễn ra ở khắp các tỉnh, thành phố mà nguyên nhân là do sản xuất ồ ạt, không theo kế hoạch. Tại tỉnh ta dù chưa đến mức phải giải cứu, song tình trạng cung vượt cầu, dư thừa dẫn đến sản phẩm giảm giá trị, tổn thất kinh tế lớn. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nông nghiệp trở thành “trụ đỡ” của nền kinh tế thì việc hợp tác, liên kết, chế biến, tiêu thụ nông sản có ý nghĩa quan trọng.

Trong 4 - 5 năm nay, bà con nông dân xã Cấp Tiến, Quyết Thắng (Sơn Dương); Yên Nguyên (Chiêm Hóa); Thái Long (TP Tuyên Quang)... đã nhàn hạ hơn trong sản xuất ngô. Ông Phạm Văn Chiến, thôn Sài Lĩnh, xã Quyết Thắng cho biết, năm 2018, gia đình ông ký kết hợp đồng với Trang trại chăn nuôi bò Hồ Toản trồng ngô sinh khối làm thức ăn cho bò sữa rất hiệu quả. Trang trại đưa xe đến tận chân ruộng thu mua sản phẩm, giá rất ổn định 820 - 850 nghìn đồng/tấn. Ông Chiến phấn khởi bảo, với 10 sào ngô của gia đình canh tác đều 1 năm 3 vụ cho thu trên 55 triệu đồng mà không phải vất vả khâu thu hoạch, phơi phóng như khi trồng ngô lấy hạt.

Diện tích chè liên kết giữa Công ty cổ phần Chè Sông Lô và người dân xã Nhữ Khê (Yên Sơn).

Hơn chục năm về trước, nhiều hộ đầu tư trồng rừng chưa quan tâm kỳ khai thác gỗ bán cho ai thì nay người trồng rừng đã chủ động liên kết để đảm bảo tính bền vững cho cả chu kỳ sản xuất. Chị Đinh Thị Huế, thôn Đá Trơn, xã Đông Thọ (Sơn Dương) cho biết, năm 2006, chị liên kết trồng hơn 10 ha rừng nguyên liệu. Theo hợp đồng liên kết, công ty đầu tư giống, phân bón, thực hiện thiết kế và quản lý chung, gia đình chị Huế bỏ công sức chăm sóc, bảo vệ. Chị Huế khẳng định, liên kết trồng rừng chị không còn lo lắng khâu khai thác cũng như đầu ra của sản phẩm.

Ông Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Sơn Dương cho biết, công ty có trên 3.900 ha rừng, trong đó có 2.630 ha rừng trồng liên kết. Mối liên kết này đang đem lại lợi nhuận cho cả đôi bên, công ty đảm bảo được kế hoạch sản xuất cũng như quản lý tốt diện tích rừng, người dân có việc làm và tăng thu nhập.

Tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có 69 doanh nghiệp, hợp tác xã hợp tác, liên kết với nông dân sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản trên các lĩnh vực, trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản.

Dây chuyền sản xuất chế biến chè xuất khẩu của Công ty cổ phần Chè Sông Lô.

Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, hợp tác liên kết đã khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về đất đai, nguồn nhân lực, vốn và mang lại giá trị kinh tế lớn cho cả đôi bên (doanh nghiệp, bà con nông dân). Như ngành chè, hiện nay toàn tỉnh có 5 doanh nghiệp, 7 hợp tác xã liên kết với 3.000 hộ trồng chè nguyên liệu, tổng diện tích liên kết 2.546 ha, sản lượng tiêu thụ trên 26 nghìn tấn, giá trị kinh tế đem lại đạt 158 tỷ đồng/năm. Cây lạc cũng có 5 doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với 426 hộ nông dân trồng 332 ha, sản lượng tiêu thụ gần 900 tấn, giá trị hàng hóa tiêu thụ đạt gần 20 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, tỷ trọng sản phẩm nông sản được tiêu thụ qua hợp tác liên kết sản xuất vẫn thấp, chiếm 15% giá trị nông sản toàn tỉnh; tốc độ gia tăng công nghiệp chế biến cũng tương đối thấp đạt 0,6%. Nông sản của tỉnh tiêu thụ chủ yếu là nguyên liệu thô, chưa qua chế biến.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định sản xuất nông nghiệp là 1 trong 3 khâu đột phá. Thực hiện mục tiêu này, ngành Nông nghiệp đã và đang thực hiện đồng thời các nhiệm vụ, giải pháp có tính căn cơ. Đó là tiếp tục xây dựng và nâng cấp các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản; củng cố, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, cụ thể là hợp tác xã bởi đây được coi là “mắt xích” là cầu nối để thực hiện các hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp chế biến và người sản xuất. Đồng thời, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại; tổ chức, thực hiện quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu; thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản... đảm bảo trụ đỡ của nền kinh tế phát triển bền vững.                     

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục