Năm 2018, gia đình chị Nguyễn Thị Thắm, thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can được hỗ trợ vốn từ Chương trình 30a mua 3 con dê giống. Sau 2 năm, đàn dê của gia đình chị tăng lên 7 con, đến nay mỗi năm gia đình chị được bán từ 2-3 con dê thịt. Có vốn, chị đầu tư chăn nuôi thêm 3 con bò và 3 con trâu sinh sản, kinh tế gia đình dần ổn định, cuối năm 2020 gia đình chị được công nhận thoát nghèo.
Chị Nguyễn Thị Thắm, thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can (Lâm Bình) chăm sóc đàn dê của gia đình.
Gia đình anh Lý Tài Nguyên, thôn Tân Hoa, xã Bình An nhờ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất Chương trình 30a đã mở ra hướng phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống. Anh Nguyên cho biết, năm 2018 gia đình anh là hộ cận nghèo được hỗ trợ 8 triệu đồng từ Chương trình 30a mua 4 con dê giống. Do tuân thủ đúng kỹ thuật chăm sóc, đến nay đàn dê của gia đình tăng lên 10 con. Vừa qua, anh bán 4 con dê thịt thu lãi hơn 30 triệu đồng, nhờ đó gia đình có thêm vốn mua 1 cặp trâu sinh sản và trồng mới 2 ha keo, từ đó gia đình có điều kiện vươn lên thoát nghèo.
Chương trình 30a được triển khai tại xã Bình An với 2 hợp phần về hỗ trợ sản xuất và phát triển hạ tầng, trong đó vốn phát triển hạ tầng cơ sở là 451 triệu đồng duy tu, bảo dưỡng tuyến đường giao thông thôn Phiêng Luông và vốn hỗ trợ sản xuất là hơn 3,7 tỷ đồng giúp 246 hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế. Sau 2 năm triển khai thực hiện, đến cuối năm 2020 dự án đã giúp 12 hộ thoát nghèo.
Giai đoạn 2018 - 2020, nguồn vốn Chương trình 30a tập trung hỗ trợ người dân huyện Lâm Bình hợp phần sản xuất xây dựng 78 dự án với 2.218 hộ thụ hưởng, tập trung vào các giống cây, con là thế mạnh của địa phương như trâu, bò, dê, lợn đen, rau bò khai và hỗ trợ máy sản xuất nông nghiệp... Ông Trần Văn Chung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, từ nguồn vốn Chương trình 30a, huyện khuyến khích người dân đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc, tích cực trồng cây làm thức ăn cho vật nuôi. Hiện trên địa bàn huyện có từ 60 hộ dân chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, mỗi năm thu nhập bình quân từ 50 đến 100 triệu đồng/hộ.
Nhờ thực hiện hiệu quả nguồn vốn từ Chương trình 30a, đời sống người dân huyện Lâm Bình đổi thay rõ rệt. Nếu như năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của huyện là hơn 50%, thì đến cuối năm 2020 giảm xuống còn 31,4%; thu nhập bình quân đầu người tăng lên 30,1 triệu đồng/người/năm; số lao động nông thôn qua đào tạo đạt hơn 17%.
Gửi phản hồi
In bài viết