Chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm vụ xuân hè

- Toàn tỉnh hiện có hơn 6 triệu con gia cầm, trong đó có nhiều hộ, trang trại chăn nuôi từ 5.000 con trở lên. Thời điểm này, nhiều hộ trang trại đang tái đàn chăn nuôi nên việc vận chuyển con giống tăng cao, cùng với đó mưa, ẩm là điều kiện thuận lợi cho các chủng virus cúm gia cầm H5N1 và H5N6 phát sinh xâm nhập vào địa bàn là rất lớn. Trước nguy cơ đó, các ngành chức năng, địa phương đang chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N1 và A/H5N6 đã xuất hiện ở các tỉnh Thanh Hóa, Bắc Ninh, Nghệ An và TP Hà Nội nguy cơ dịch bệnh thâm nhập lây lan vào địa bàn tỉnh là rất cao. Những thông tin về bệnh cúm gia cầm khiến nhiều người chăn nuôi lo lắng.

Anh Phạm Văn Hợi, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi gia cầm Hợp Thành rất lo lắng cho 60.000 con gà của 14 thành viên hợp tác xã vì nuôi nhiều giống gà khác nhập tại các cơ sở khác nhau, do vậy nguy cơ phát sinh dịch là rất cao. Do vậy, Hợp tác xã chăn nuôi gia cầm Hợp Thành đã thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch trong chăn nuôi.


Thành viên Hợp tác xã chăn nuôi gia cầm Hợp Thành (Sơn Dương)
tiêm vắc xin phòng chủng cúm H5N1 cho đàn gà.

Các thành viên luôn theo dõi sát sao diễn biến tình hình dịch bệnh đang diễn ra tại các tỉnh, thành phố để kịp thời điều chỉnh hoạt động chăn nuôi; con giống được nhập từ công ty uy tín, đảm bảo sạch bệnh. Trong quá trình chăn nuôi, các thành viên chủ động phun vệ sinh phòng dịch, phun sát trùng chuồng trại, giữ gìn môi trường chăn nuôi thông thoáng; các thành viên thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi bằng cách bổ sung chất dinh dưỡng trong thức ăn. Đồng thời, thực hiện giữ ấm chuồng bằng cách sử dụng đèn sưởi, dùng bạt che kín chuồng nuôi.

Xã Minh Dân (Hàm Yên) là địa phương xuất hiện cúm gia cầm chủng H5N6 hồi tháng 4-2020. Ngay khi phát hiện ổ dịch, các ngành chức năng đã tiến hành khoanh vùng dập dịch, đến nay dịch cơ bản được kiểm soát, các hộ chăn nuôi trong xã đã tái đàn. Ông Ma Quang Hưng, nhân viên thú y xã Minh Dân cho biết, để đảm bảo việc tái đàn an toàn, hiệu quả, người dân trong xã đã được hướng dẫn phun hóa chất tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột, sử dụng nguồn con giống có nguồn gốc và tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh.  

Huyện Chiêm Hóa đang triển khai tiêm phòng cho hơn 1,2 triệu con gia cầm. Trước đó huyện thực hiện xã hội hóa trong phun thuốc tiêu độc khử trùng tại các chợ dân sinh, cơ sở chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ động vật; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi khi phát hiện có gia cầm ốm chết phải báo ngay với thú y cơ sở để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm; tuyệt đối không giấu dịch, không bán chạy, bán tháo gia cầm.

Tuy nhiên, theo ông Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, khó khăn hiện nay là thời tiết diễn biến phức tạp cùng với môi trường bị ô nhiễm làm giảm sức đề kháng của vật nuôi và tạo điều kiện cho mầm bệnh phát sinh. Trong khi đó, nhận thức của người dân về việc mua con giống, chăn nuôi an toàn sinh học cũng như việc chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm còn thấp. Tình trạng các điểm kinh doanh gia cầm sống đặt không đúng nơi quy định, giết mổ gia cầm ngay tại chợ dân sinh, trong khi công tác khử trùng tiêu độc môi trường tại chợ chưa được tiến hành thường xuyên dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn. Nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm, Chi cục đã tham mưu với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh hỗ trợ hơn 1,1 triệu liều vắc xin cho một số vùng có nguy cơ cao xuất hiện dịch cúm gia cầm.

Các cơ sở chăn nuôi phải đảm bảo vệ sinh chuồng nuôi, giết mổ gia cầm; không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm, sản phẩm làm từ gia cầm chưa qua kiểm dịch; sử dụng thịt gia cầm nấu chín, không ăn tiết canh bảo đảm an toàn sức khỏe cho mỗi người.        

Bài, ảnh: Cao Huy

Tin cùng chuyên mục