Cụ Hoàng Văn Tam, thôn Làng Chạp, xã Trung Sơn (Yên Sơn) kể cho con cháu nghe những câu chuyện Bác Hồ đến quê mình.
Vào tháng 6 năm 1949, sau nhiều ngày vượt núi băng rừng, Bác Hồ và đoàn cán bộ cách mạng về tới làng Chạp, xã Trung Sơn (Yên Sơn). Thôn Làng Chạp cách trung tâm xã Trung Sơn (Yên Sơn) hơn một cây số. Cả thôn lúc đó có 14 hộ, chủ yếu là đồng bào người Tày, Nùng, Dao và Mông cùng sinh sống.
Cụ Hoàng Văn Tam năm nay 92 tuổi, bồi hồi nhớ lại, ngày đó, Làng Chạp biết tin có bộ đội về, ai nấy đều háo hức ra đầu làng để đón. Bác mặc một bộ quần áo gụ, đi dép cao su, vai đeo một túi vải và chống gậy. Mọi người vẫn gọi Bác là “Bộ đội ông già”. Ông nhớ rằng đi cùng đoàn có các đồng chí: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi. Bác Hồ cùng đoàn có dừng chân nghỉ tại lán Đồng Mèo. Đó là căn lán được các đồng chí cảnh vệ và bà con dựng lên làm trạm nghỉ chân cho các đoàn công tác tại địa điểm dưới chân núi Đồng Mèo.
Người dân nơi đây vô cùng tự hào và vinh dự khi được nhiều lần đón Bác về đây. Theo nguồn tài liệu của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh, trong khoảng thời gian từ tháng 6 năm 1949 đến tháng 9 năm 1950, trên đường đi công tác tại nhiều địa phương ở phía Bắc để kiểm tra tình hình thực tế, Bác cùng các đồng chí cảnh vệ thường nghỉ lại tại lán Đồng Mèo ở Làng Chạp.
Ngày nay, vị trí làm lán Đồng Mèo được người dân, chính quyền xã bảo tồn, gìn giữ. Lán nằm dưới chân núi Khau Vài, phía tả ngạn sông Phó Đáy. Cách khu dân cư Làng Chạp khoảng 500m. Đây là một địa điểm có địa thế chiến lược, sau lưng là núi đá, trước mặt là sông Phó Đáy và dòng chảy xiết. Nếu muốn vào chỉ có một con đường duy nhất là vượt qua sông Phó Đáy, cho nên đây là địa điểm đảm bảo an toàn.
Cụ Hoàng Văn Tam giới thiệu địa điểm lán đồng mèo, thôn Làng Chạp, xã Trung Sơn (Yên Sơn) ngày nay.
Lán được làm theo kiểu nhà đất, mặt quay về hướng Nam, gồm 3 gian, các gian ngăn cách bằng phên nứa, cột bằng gỗ, để ngoãm, mái lợp lá cọ, xung quanh thung vách nứa. Lán được làm chắc chắn, ẩn mình dưới tán cây cổ thụ.
Căn lán được đặt tại địa thế chiến lược, đảm bảo an toàn cho Đoàn. Lúc rảnh, các đồng chí cảnh vệ thường dành thời gian xuống làng bản gần đó thăm hỏi, giúp đỡ nhân dân. Việc làm đó để lại cho người dân nơi đây một ấn tượng và tình cảm sâu đậm đối với cán bộ kháng chiến.
Chính vì vậy, người dân Làng Chạp luôn có ý thức phải bảo vệ “Bộ đội ông già”, phải giữ bí mật việc Bác ở lán, bất cứ ai hỏi cũng phải nhớ thực hiện “3 không”: không nói lộ về lán của Bác, việc đi lại của Bác; không nghe những việc không liên quan đến mình; và nếu gặp ai dù người quen hay lạ có hỏi về Bác thì cũng phải trả lời không biết.
Di tích là minh chứng về tinh thần cách mạng kiên trung, thể hiện sự gắn bó thân tình “quân dân như cá với nước”, bà con dân tộc Tuyên Quang một lòng yêu cách mạng, yêu Bác Hồ. Tinh thần đó góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Với ý nghĩa lịch sử, di tích là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Suốt mấy chục năm trôi qua, câu chuyện về Bác Hồ vẫn vẹn nguyên trong lòng người dân nơi đây. Anh Nhữ Ánh Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Sơn (Yên Sơn) cho biết, trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đảng bộ xã, điểm di tích Làng Chạp cùng với truyền thống văn hóa của bà con các dân tộc nơi đây sẽ là thế mạnh để Trung Sơn phát triển du lịch.
Gửi phản hồi
In bài viết