Đan Phượng ra mắt bộ sách “Cổ kim truyền lục”

Kỷ niệm 923 năm Ngày sinh danh nhân Tô Hiến Thành, sáng 18-2, xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng đã tổ chức Lễ công bố và ra mắt bộ sách “Cổ kim truyền lục”.

ha-mo-1.jpeg

Lãnh đạo huyện Đan Phượng tặng hoa chúc mừng xã Hạ Mỗ. Ảnh: Nguyễn Mai

“Cổ kim truyền lục” là tập thơ văn với khoảng 500 bài, được sáng tác vào năm Đinh Mùi (1907) do các nhà nho ở xã Hạ Mỗ, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông đương thời; nay là xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội thực hiện.

Nội dung của hầu hết các sáng tác đều toát lên tình cảm thiết tha, trong sáng, phản ánh hiện thực cuộc sống và tấm lòng yêu nước, thương nòi của nhân dân. Nhiều bài ca ngợi công ơn các anh hùng dân tộc, các bậc tiên hiền, nhằm nêu gương sáng của người xưa, giáo dục cháu con... Trong hoàn cảnh nước mất nhà tan, các tác giả đã lên tiếng cổ vũ, khích lệ tinh thần đấu tranh hoặc tìm lời lẽ giảng giải về nhân tình thế thái, về vận mệnh, về cơ hội để làm những việc có ích cho đời; đã động viên, đem đến cho bà con nhân dân niềm lạc quan, tin tưởng vào tương lai.

Cổ kim truyền lục” được viết theo nhiều thể loại khác nhau, như: Thi, thoại, huấn, tán, ca, lục, thị, biểu..., nhưng tất cả đều “giản dị lời ghi” mà “ý thơ sâu rộng”. Nhiều bài viết theo thể đường luật đã đạt đến trình độ cao, nhất là lối “hồi văn cách”, tức là đọc quay lại từ dưới lên vẫn đúng âm vận và thanh thoát, câu đầu thường lặp lại ở câu cuối.

Theo Chủ tịch UBND xã Hạ Mỗ Bùi Tất Thêm, mùa đông năm 1907, để tránh sự kiểm soát của chính quyền thực dân Pháp, các nhà nho trong làng đã khôn khéo sử dụng lễ “đồng giáng bút” tại chùa Hải Giác để mượn lời Tiên Thánh công bố các sáng tác của mình. Sau đó, các sáng tác đã được khắc mộc bản tại đền Văn Hiến vào năm 1908.

Sách in ra được phát cho mọi nhà, biếu tặng các nơi với mục đích như lời nói đầu bộ sách đã viết: “Thư lai địa địa, tuyên truyền vạn vũ” (Sách đến mọi nơi, tuyên truyền khắp chốn). Năm 1930, thực dân Pháp cho tay sai về tịch thu mộc bản và nhiều sách lưu hành trong làng. Với thái độ khôn khéo và kiên quyết, nhân dân Hạ Mỗ đã đấu tranh và lấy lại được các bản khắc in cùng một vài bộ sách.

Hiện tại, Thư viện Quốc gia Việt Nam và Viện Nghiên cứu Hán Nôm đang lưu trữ 4 tập chữ Hán của bộ sách “Cổ kim truyền lục”. Ngoài ra, bộ sách cũng đã được đưa vào “Dự án số hoá kho tàng thư tịch cổ văn hiến Hán Nôm”. Để phát huy giá trị di sản văn hoá quê hương, năm 2015, UBND xã Hạ Mỗ đã thành lập “Ban Quản lý dự án biên dịch tư liệu Hán Nôm bộ sách “Cổ kim truyền lục” và các văn bản Hán tự tại các di tích đền Văn Hiến, đình Vạn Xuân, chùa Hải Giác”. Trên cơ sở đó, bản dịch 4 cuốn của bộ sách “Cổ kim truyền lục” đã được tổ chức dịch thuật, hiệu đính. Trên cơ sở kết quả bản dịch và hiệu đính, 4 tập sách của bộ “Cổ kim truyền lục” đã được xuất bản.

Ngoài bản dịch, cuối mỗi tập sách được in kèm bản chụp nguyên văn chữ Hán 4 tập: Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh. Đây cũng là một dịp để góp phần lưu giữ và quảng bá một di sản vô cùng quý giá của nhân dân Hạ Mỗ.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục