Tiến sĩ, họa sĩ Triệu Khắc Tiến. (Ảnh: The Muse Art)
Triển lãm trưng bày gần 30 tác phẩm sơn mài do các họa sĩ ủng hộ và đóng góp. Nhiều họa sĩ tên tuổi đã góp tác phẩm của mình cho triển lãm như Tiến sĩ chuyên ngành sơn mài Triệu Khắc Tiến, nhà nghiên cứu văn hóa, họa sĩ Phan Cẩm Thượng, hoạ sĩ Lý Trực Sơn - nhà sáng lập nhóm “Sơn Ta”, các họa sĩ Nguyễn Thị Quế, Vũ Văn Tịch, Nguyễn Xuân Lục… cùng rất nhiều họa sĩ đã tham gia triển lãm quốc tế và hoạt động sáng tác hàng chục năm trong lĩnh vực này.
Không chỉ trưng bày các tác phẩm sơn mài tiêu biểu của nghệ sĩ, trong khuôn khổ triển lãm, The Muse team còn tổ chức hoạt động tìm hiểu, chia sẻ về nghệ thuật sơn mài - “đặc sản” của mỹ thuật Việt qua các buổi art tour dưới sự hướng dẫn của giám tuyển Vân Vi - nhà đồng sáng lập của The Muse Art space và nhà nghiên cứu nghệ thuật Trần Thu Huyền.
Chia sẻ về triển lãm, giám tuyển Vân Vi cho biết, sơn ta đã có từ rất lâu đời ở Việt Nam, nhưng chỉ kể từ khi có Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào năm 1925, các họa sĩ mới bắt đầu đưa chất liệu này từ mỹ nghệ vào sáng tác. Các thế hệ đầu tiên của mỹ thuật sơn mài Đông Dương có thể kể đến họa sĩ Nguyễn Gia Trí, các thế hệ sau như Lê Quốc Lộc, Hoàng Tích Trù, Phạm Hậu, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm… đều là những bậc tài danh trong nghệ thuật sơn mài.
“Vậy thì câu hỏi đặt ra là thế hệ thứ 4 của sơn mài đang thực hiện những điều gì? Và cái đang tiếp diễn có thể sẽ đóng vai trò như thế nào? Chúng tôi không mong sẽ trả lời được câu hỏi ấy, mà muốn đặt câu hỏi thành một vấn đề qua việc trưng bày tranh của các “môn phái” sơn mài miền bắc.
Khi dạo bước ta không thấy hết chi tiết, thậm chí cũng chẳng phải là toàn cảnh, nhưng ít nhất ta có đủ tĩnh lặng để nhìn nhận. Vì thế triển lãm này có thể sẽ thiếu tên của một số họa sĩ quan trọng, đó là nhiệm vụ xa hơn của các nhà nghiên cứu nghệ thuật” – giám tuyển Vân Vi chia sẻ.
Nói về các họa sĩ tham gia triển lãm, giám tuyển Vân Vi nhận xét: “Những nghệ sĩ này đều đang khai phá sơn mài theo cách riêng của bản thân mình. Họ tiếp cận sơn mài theo những quan điểm nghệ thuật riêng, thậm chí hoàn toàn trái ngược, kế thừa cổ truyền hay bác bỏ, để chất liệu dẫn dắt, làm chủ hay hội thoại, phải quy chuẩn hóa về mặt kỹ thuật rồi mới khai phá, hay là cứ khai phá rồi sẽ tìm tiếp… và chúng tôi dành toàn bộ sự thưởng thức thành quả nghệ thuật của họ, cùng những sự thống nhất, cũng như khác biệt cho người xem đánh giá”.
Gửi phản hồi
In bài viết