- Ông từng chia sẻ "nhìn các đoàn làm phim vào Sài Gòn tôi thèm lắm, chỉ biết nhìn các thầy, các anh đầy ngưỡng mộ” khi nói về nhiều đoàn phim ở miền Bắc vào Nam trước ngày giải phóng 30-4-1975. Tuy không có mặt trong thời khắc lịch sử ấy nhưng ông đã thực hiện thành công bộ phim “Những ngày cuối cùng của chiến tranh”. Có câu chuyện gì đằng sau bộ phim này?
Đạo diễn, NSND Nguyễn Thước (bên phải) và Anh hùng Lao động Hồ Giáo.
- Đó là cái duyên. Nhân kỷ niệm 30 năm Ngày Giải phóng miền Nam, tôi được giao nhiệm vụ làm một bộ phim về cuộc tổng tiến công thần thánh đó. Khi nhận nhiệm vụ này, tôi rất hào hứng nhưng cũng đầy lo lắng, bởi đã có quá nhiều bộ phim thành công, thậm chí rất đồ sộ về cuộc chiến. Tôi bàn với biên kịch Đào Thanh Tùng, lúc đó là Trưởng phòng Biên kịch, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, quyết định tìm gặp những người có mặt trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến để ghi lại những câu chuyện, cảm xúc của họ. Tôi may mắn kết nối với các bạn sinh năm 1975. Họ đã thành lập câu lạc bộ những người sinh đúng ngày 30-4-1975. Sau 30 năm, với các bạn ấy có lẽ cảm xúc và sự trải nghiệm đã tới độ chín và tôi đã có những cuộc trò chuyện thú vị. Đó là những câu chuyện sống mãi.
- Trong vai trò một nhà quay phim, ông đã cùng đạo diễn Lò Minh, đạo diễn Lê Mạnh Thích hoàn thiện bộ phim “Trở lại Ngư Thủy”. Khi ấy, hẳn trong ông cũng có chút lo lắng bởi “cái bóng” rất lớn của bộ phim “Những cô gái Ngư Thủy”?
- Bộ phim “Những cô gái Ngư Thủy” với những thành công đạt được đúng là một cái bóng rất lớn trước khi chúng tôi quyết định thực hiện “Trở lại Ngư Thủy”, nhưng đó cũng là nguồn cảm xúc để chúng tôi thực hiện bộ phim này. Chính đạo diễn Lò Minh là người gieo cho chúng tôi sự băn khoăn về cuộc sống của các chị sau 30 năm như thế nào. Khi được gặp các chị, tận mắt chứng kiến cuộc sống của những "cô gái Ngư Thủy" năm nào thì cảm xúc tự nhiên trào dâng.
- Hình ảnh là chìa khóa đầu tiên mở ra câu chuyện. Là một nhà quay phim, một đạo diễn, hình ảnh đối với ông là sự nắm bắt thời cơ hay còn là gì nữa?
- Đối với nghề quay phim, nắm bắt hình ảnh vừa là thời cơ, vừa là cảm xúc. Phải xuất phát từ cảm xúc mới cảm nhận được sức mạnh của hình ảnh. Trong bộ phim “Trở lại Ngư Thủy”, hình ảnh cuối cùng là cảnh một cậu bé kéo con thuyền gỗ đồ chơi trên nền cát nóng bỏng. Đấy là hình ảnh tôi vô tình bắt gặp và rất tâm đắc. Đó là hình ảnh mang tính biểu tượng cho cả bộ phim.
- Ông đã bao giờ gặp phải tình huống được giao đề tài nhưng khó tìm được cách “mở khóa” vấn đề?
- Có rất nhiều đề tài được duyệt nhưng khi đoàn làm phim lên đường thì hiện thực đã bị thay đổi. Ngược lại, cũng có những trường hợp hiện thực ấy thông qua lăng kính của người biên kịch lại khác với góc nhìn của đạo diễn. Đấy là điều rất đặc biệt của phim tài liệu mà tôi thường nói, quá trình làm phim tài liệu là quá trình thay đổi nhận thức. Tôi biết có những đoàn làm phim khi xuống hiện trường gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí phải thay đổi toàn bộ, tìm ra một hướng mới để thực hiện bộ phim của mình.
- Đó có phải là trường hợp của phim “Cỏ xanh im lặng”?
- Đúng vậy! Đó là bộ phim tôi làm về Anh hùng Lao động Hồ Giáo. Khi tôi và đoàn làm phim đi thực tế cũng là lúc ông Hồ Giáo vừa nhận quyết định về hưu. Gần như một cú sốc, đàn trâu bị giải tán khiến sức khỏe và tinh thần của ông suy sụp, gần như không còn nhớ gì nữa. Tôi đã nghĩ có khi “đổ” phim mất rồi. Nhưng rất may mắn, chúng tôi có toàn bộ tư liệu hồi ông ở nông trường Ba Vì và tư liệu của các đồng nghiệp đã làm trước đó, như đạo diễn Đinh Anh Dũng, đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn. Chất liệu đó cùng những gì tôi có thể quay được, tôi đã hoàn thành bộ phim “Cỏ xanh im lặng”. Đó là những hình ảnh để tôi kết nối toàn bộ công việc, cảm xúc của ông với cuộc đời này và mang đến cho người xem.
- Các bộ phim của ông thường hướng đến những đề tài xã hội mang tính thời sự. Nhìn lại chặng đường làm phim, có điều gì làm ông phải suy nghĩ?
- Bắt đầu vào nghề đạo diễn, tôi đã làm “Những công dân @” - một bộ phim tiếp cận thế hệ trẻ. Đến bây giờ, khi nhìn lại, tôi thấy còn rất nhiều vấn đề, có cảm giác mình thể hiện chưa tới. Quả thực khi nhìn từ chính những “đứa con” tinh thần, tôi có cảm giác chúng ta đang thiếu những bộ phim về thế hệ trẻ. Tôi hy vọng một lúc nào đấy khi có điều kiện sẽ làm lại bộ phim về đề tài này.
- Cảm ơn ông đã chia sẻ!
Gửi phản hồi
In bài viết