Đồng chí Nguyễn Quốc Luân, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện cho biết, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội đã rà soát thông qua các phiếu đăng ký học nghề để nắm được nhu cầu học của người dân, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Việc tổ chức lớp dạy nghề chủ yếu căn cứ vào thực tiễn để đào tạo trên cơ sở phát huy, khai thác tối đa lợi thế sẵn có của địa phương. Cụ thể, với các xã vùng cao như: Hồng Thái, Khau Tinh, Yên Hoa... huyện chủ yếu mở các lớp dạy nghề nông nghiệp liên quan đến đào tạo kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Với các xã gần trung tâm sẽ tập trung đào tạo cả nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp như nghề xây dựng, sửa chữa máy nông nghiệp, nấu ăn, du lịch... Đồng thời, tham mưu với UBND huyện ban hành thêm nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, kêu gọi các công ty, doanh nghiệp vào đầu tư kinh doanh trên địa bàn.
Một lớp dạy kỹ năng du lịch tại Trung tâm GDNN - GDTX huyện Na Hang.
Việc đào tạo nghề ở Na Hang được thực hiện theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, tức là dạy nghề giữa lý thuyết và thực hành song song với nhau. Qua đó đã giúp các học viên dễ hiểu, dễ áp dụng kiến thức vào thực tế, nhất là đối với lao động là người dân tộc thiểu số.
Anh Nông Văn Tiến, thôn Bản Cuôn, xã Yên Hoa sau khi được tham gia lớp sửa chữa máy nông nghiệp do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Na Hang tổ chức đã đầu tư tự mở cửa hàng nhỏ sửa chữa nông cụ tại nhà. Không chỉ có việc làm, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, thời gian nhàn rỗi anh còn giúp đỡ nhiều người tại các xã xung quanh sửa chữa máy móc nông nghiệp.
Để công tác dạy nghề đạt hiệu quả, Trung tâm GDNN - GDTX đã không ngừng đổi mới phương pháp dạy nghề, chú trọng dạy nghề theo nhu cầu của người học và gắn với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội... Anh Nguyễn Văn Tuấn, tổ 13, thị trấn Na Hang cho biết: “Trước đây, tôi làm nghề tự do nên thu nhập không ổn định. Năm 2016, tôi tham gia lớp học nghề nuôi trồng thủy sản, học được kỹ thuật chăn nuôi cá, cách chọn địa điểm nuôi phù hợp... Sau khi có kiến thức chăn nuôi, tôi quyết định đầu tư nuôi cá đặc sản trên lòng hồ sinh thái Na Hang. Hiện nay, gia đình tôi đang nuôi các loại cá: lăng, bỗng, chiên... mỗi năm, thu về khoảng 200 triệu đồng.
Từ năm 2018 đến nay, toàn huyện đã mở được 54 lớp dạy nghề nông nghiệp với 1.600 lao động tham gia học các nghề như: kỹ thuật chăn nuôi thú y, chăn nuôi lợn, kỹ thuật chăn nuôi dê, trồng cây ăn quả, kỹ thuật trồng rau hữu cơ, rau an toàn. Là doanh nghiệp nhiều năm hợp tác đưa lao động nông thôn đi xuất khẩu, theo bà Trần Minh Thu, Trưởng phòng nhân sự, Công ty Đầu tư Quốc tế Đức Minh (Hà Nội), thời gian tới, công ty cũng sẽ làm việc trực tiếp với ngành Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Na Hang đào tạo theo yêu cầu, nâng cao hiệu quả khi cho lao động xuất khẩu.
Định hướng nghề nghiệp tại các phiên giới thiệu việc làm giúp lao động có công việc ổn định trong tương lai.
Tham gia phiên giao dịch việc làm năm nay, sau khi được công ty Đức Minh tư vấn, anh Lý Văn Tu, thôn Hồng Ba, xã Hồng Thái chia sẻ: Nắm bắt được thị trường lao động hiện nay, anh đã quyết định đăng ký tham gia xuất khẩu lao động tại công ty này sang thị trường Đài Loan. Để đủ điều kiện tham gia xuất khẩu lao động, anh đang chuẩn bị tốt các điều kiện về sức khỏe cũng như hoàn thiện các hồ sơ sớm nhất có thể.
Ông Hà Văn Lại, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX cho biết thêm, tại các lớp học nghề, ngoài việc học lý thuyết các học viên còn được đi thực tế tại cơ sở để thực hành, từ đó để người nông dân nắm chắc hơn các kiến thức được học áp dụng nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển kinh tế. Song song với việc tổ chức mở lớp, đào tạo nghề cho lao động, Trung tâm cũng chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề đối với cơ sở dạy nghề nhằm đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất trong công tác đào tạo nghề.
Gửi phản hồi
In bài viết