Đáp ứng đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Bà Tăng Thị Dương
Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh

So với Luật Đất đai năm 2013 thì căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất không có thay đổi nhiều. Tuy nhiên, thẩm quyền quyết định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có một số sự thay đổi khi trước đây chỉ có “Quốc hội quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia” nhưng hiện nay ngoài nội dung trên thì bổ sung nội dung “Chính phủ phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất Quốc gia”. Việc phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất an ninh trước đây luật giao cho Chính phủ thì hiện nay đã giao cho Thủ tướng Chính phủ và dự thảo luật cũng đã bổ sung nội dung cụ thể là “Chính phủ quy định trình tự, thủ tục lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất”. Việc rà soát quy hoạch sử dụng đất đã được quy định thực hiện theo định kỳ 5 năm để điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn.

Tôi nhận thấy, dự thảo của Luật Đất đai sửa đổi đã đáp ứng được việc đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nội dung quy hoạch sử dụng đất đã kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên, thể hiện được thông tin đến từng thửa đất.


Người sử dụng đất, hộ gia đình sử dụng đất

Ông Vũ Trung Kiên
Giám đốc Công ty luật Vũ Kiên (TP Tuyên Quang

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: “Sổ đỏ hộ gia đình có thể ghi đủ tên thành viên cùng sở hữu theo nhu cầu”. Đây là điểm rất mới so với quy định hiện hành. Theo Luật Đất đai 2013 quyền sở hữu, sử dụng đất chỉ ghi chung chung “hộ gia đình” nhưng bao nhiêu thành viên thuộc hộ thì không ai xác định được nên dẫn đến tranh chấp, nghi ngờ, mất rất nhiều thủ tục hành chính để đi điều tra, xác nhận. Do đó, quy định ghi đủ tên thành viên cùng sở hữu cần được nhanh chóng áp dụng triển khai bởi càng để lâu, càng có nhiều trường hợp khó xác định hộ. Bên cạnh đó, cần chuẩn hóa thủ tục với các hồ sơ cấp mới, hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng thông tin các thành viên thuộc hộ tại thời điểm cấp đất, nhận quyền sử dụng đất hay mua đất. Quy định này sẽ giúp minh bạch quyền lợi của những người đồng sở hữu tài sản, tránh kiện tụng rắc rối về sau.

Về nội dung người sử dụng đất, theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 và Luật Nhà ở năm 2014, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam và “việc mua bán nhà, công trình xây dựng phải gắn với quyền sử dụng đất” (khoản 1 Điều 19 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014). Tuy nhiên, Điều 6 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa quy định về người sử dụng đất là cá nhân nước ngoài, dẫn đến những khó khăn trong công tác quản lý, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho cá nhân nước ngoài. Nội dung này cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động cụ thể hơn đối với nội dung này trước khi quy định cụ thể trong dự thảo Luật. 

Tin cùng chuyên mục