Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra sản xuất vụ xuân tại xã Hoàng Khai (Yên Sơn)
Mới mùng 6 Tết, màu xanh của mạ non đã dệt kín cánh đồng thôn Thai Bạ, xã Thiện Kế (Sơn Dương). Ông Dương Văn Quyền phấn khởi cho biết, bà con đã ra đồng khai xuân từ mùng 3 Tết Nguyên đán, tranh thủ nguồn nhân lực là con, cháu chưa phải đi làm xa cùng nhau xuống đồng để kịp thời vụ. “Đầu xuôi, đuôi lọt”, hy vọng sẽ có một vụ xuân đạt hiệu quả cao. Vụ xuân năm nay gia đình ông cấy 4 sào, toàn bộ đều là giống lúa chất lượng cao và lúa lai. Trước Tết, thời tiết thuận lợi, gia đình đã tập trung làm đất, lấy nước, ăn Tết xong chỉ việc nhòng lại đất là cấy nên rất nhanh.
Ông Quyền chia sẻ, thời tiết đang diễn biến bất thường, xuất hiện rét đậm, để bảo vệ lúa non ông thường xuyên thăm đồng, be bờ, giữ ổn định mực nước cho lúa, đồng thời bón thêm tro bếp, lân.
Những ngày đầu xuân mới trên cánh đồng các xã Hoàng Khai, Nhữ Khê, Nhữ Hán...(Yên Sơn) đã nhộn nhịp tiếng máy làm đất, tiếng các bà, các chị cấy lúa cười nói rộn rã, đông vui như hội. Bà Ma Thị Tiến, thôn Yên Mỹ 1, xã Hoàng Khai phấn khởi cho biết, không khí Tết vẫn còn song công việc đồng áng vẫn phải ưu tiên số 1, nhà nhà có ruộng tập trung nhân lực ra đồng làm đất, cấy lúa cho kịp khung thời vụ. Vụ xuân năm nay nguồn nước dồi dào sẽ đảm bảo cho một vụ mùa thắng lợi, bà Tiến hoan hỷ và kỳ vọng.
Ông Nguyễn Ngọc Lực, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Yên Sơn cho biết, đối với cây lúa, nước tưới là yếu tố vô cùng quan trọng, để chủ động trong công tác tưới tiêu, ngay từ tháng 10, 11-2022, các xã, thị trấn đã tổ chức ra quân làm thủy lợi nội đồng, tập trung tu sửa, phát dọn, nạo vét kênh mương, điều dẫn nước. Các trạm bơm được đồng loạt bảo dưỡng, sửa chữa và chủ động xây dựng phương án cấp nước, phát huy vai trò của các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp để kịp thời lấy nước phục vụ bà con đổ ải, làm đất, gieo cấy. Theo kế hoạch, vụ xuân năm nay, huyện Yên Sơn gieo cấy 3.511 ha lúa, trong đó, diện tích lúa thuần, lúa chất lượng cao là 1.213 ha, chiếm khoảng 35%.
Bà con nông dân xã Thượng Ấm (Sơn Dương) tập trung gieo cấy lúa xuân.
Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, kết quả kiểm tra của ngành từ ngày 24-1 (tức ngày mùng 3 Tết Nguyên đán), bà con nông dân đã xuống đồng sản xuất với mong muốn hoàn thành kế hoạch vụ xuân trước ngày 20-2.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, thời tiết đang có những diễn biến bất thường, rét đậm, vùng núi cao xảy ra rét hại, chi cục đang tăng cường cán bộ xuống các huyện, thành phố phối hợp với các đơn vị chuyên môn hướng dẫn người dân theo dõi các bản tin thời tiết, lịch thời vụ để xuống đồng cấy lúa, kiên quyết không gieo cấy lúa khi nhiệt độ xuống thấp.
Với những diện tích lúa gieo cấy trước Tết, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc lúa để bảo đảm cây lúa bén rễ nhanh, kịp thời xử lý sâu bệnh phát sinh gây hại... tạo điều kiện cho lúa non sinh trưởng và phát triển tốt.
Vụ xuân năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy gần 20.000 ha lúa. Để hoàn thành mục tiêu, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã đề ra những giải pháp cụ thể, bảo đảm đúng tiến độ, lịch thời vụ và cơ cấu giống đã đề ra. Tính đến ngày 27-1 (tức ngày mùng 6 tết Nguyên đán), nông dân toàn tỉnh đã gieo cấy được khoảng 2.000 ha, tập trung ở các huyện Sơn Dương, Chiêm Hóa và một số xã của huyện Yên Sơn.
Sự sát sao trong công tác chỉ đạo sản xuất của các cấp chính quyền và ngành Nông nghiệp, cùng với sự tích cực, chủ động bắt tay vào sản xuất ngay những ngày đầu xuân mới của bà con nông dân ở khắp các địa phương, hy vọng toàn tỉnh sẽ gặt hái một vụ xuân thắng lợi.
Gửi phản hồi
In bài viết