Đưa nguồn vốn đến người nghèo

- Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), những năm qua, nhiều hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Yên Sơn đã có điều kiện để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Cuộc sống của gia đình anh Lý A Sành, thôn Mỹ Hoa, xã Mỹ Bằng thực sự đổi thay khi được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế. Anh Sành trước đây là lao động tự do, năm 2022 khi được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay cho hộ nghèo để phát triển kinh tế của Ngân hàng CSXH huyện, anh mạnh dạn đầu tư mở xưởng chế biến gỗ, làm các sản phẩm như: tủ, kệ, bàn ghế…

Nhờ chăm chỉ, có tay nghề, cửa hàng của anh được nhiều người biết đến. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh còn tạo việc làm cho 2 lao động với thu nhập 9 triệu đồng/người/tháng. Anh Sành cho biết: “Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình tôi có động lực, chỗ dựa vững chắc để phát triển kinh tế, nuôi con ăn học, vươn lên thoát nghèo”.

Vốn tín dụng chính sách giúp nhiều hộ nghèo xã Lang Quán (Yên Sơn) vươn lên phát triển kinh tế.

Cũng như anh Sành, gia đình chị Đặng Thị Lan Hương, thôn 2, xã Lang Quán sau khi được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đã thay đổi mô hình chăn nuôi hiệu quả. Năm 2023, sau khi được vay 100 triệu đồng từ tổ TK&VV thông qua Hội Nông dân xã, gia đình chị đầu tư xây chuồng trại và mua gần 2.000 con gà giống. Nhờ áp dụng đúng phương pháp chăn nuôi khoa học, mô hình của gia đình ngày càng phát triển. Đến nay, chị thường xuyên duy trì và xuất bán mỗi lứa hơn 2.000 con gà, mang lại thu nhập mỗi tháng hơn 15 triệu đồng. Năm 2024, gia đình chị đã thoát nghèo.

Đây chỉ là 2 trong những số hàng nghìn khách hàng trên địa bàn huyện Yên Sơn được tiếp cận nguồn vay ưu đãi qua các tổ TK&VV để phát triển kinh tế hộ. Với quan điểm tập trung nguồn vốn đầu tư tín dụng, Ngân hàng CSXH huyện Yên Sơn luôn làm tốt vai trò đồng hành, giúp đỡ nhiều hộ dân vay vốn. Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đã bao phủ 100% xã, thị trấn với nhiều chương trình tín dụng ưu đãi như: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; sản xuất, kinh doanh, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường, xây mới và sửa chữa nhà ở…  

Chị Ngô Thị Thúy Xuyến, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Yên Sơn cho biết: “Từ những thay đổi trong tư duy và cách làm về dân vận ở cơ sở, chất lượng hoạt động của mạng lưới ủy thác, ủy nhiệm, chất lượng tín dụng và các chỉ số đánh giá hoạt động của Ngân hàng đã thay đổi vượt bậc so với những năm trước. Toàn huyện có 452 tổ TK&VV với trên 14.952 khách hàng vay, tổng dư nợ gần 970 tỷ đồng, nợ quá hạn chỉ 0,34%/tổng dư nợ.

Nhờ nguồn vốn chính sách, gia đình chị Trương Thị Bích Chuyển, thị trấn Yên Sơn đã mở cửa hàng kinh doanh xe máy điện mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Trong đó, Hội nông dân 114 tổ, Hội Phụ nữ 148 tổ, Hội Cựu chiến binh 106 tổ, Đoàn Thanh niên 84 tổ. Công tác tuyên truyền, vận động tại cơ sở được thực hiện kiên trì, đồng bộ, toàn diện, liên tục đã mang lại những kết quả rất tích cực. Đa số tổ trưởng tổ TK&VV đã sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh để thu lãi hàng tháng của tổ viên, qua đó đảm bảo tính chính xác, minh bạch trong hoạt động ủy nhiệm. Hằng năm, Ban Quản lý tổ TK&VV được Ngân hàng CSXH huyện hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ nâng cao trình độ quản lý”.

Tổ TK&VV thôn Nặm Bó là 1 trong những tổ hoạt động hiệu quả tại xã Kiến Thiết với 38 thành viên, tổng dư nợ hơn 3,5 tỷ đồng, nhiều năm liền không phát sinh nợ quá hạn. Để nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả, chị Nguyễn Thị Hường, tổ trưởng tổ TK&VV thôn Nặm Bó thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn, đôn đốc các hộ vay trả lãi đúng hạn. Chị tích cực vận động hộ vay tiết kiệm chi tiêu, hình thành thói quen gửi tiết kiệm. Chị Hường cho biết: “Nhờ phối hợp hiệu quả với ngân hàng và các tổ chức hội đoàn thể, dư nợ của tổ không ngừng tăng, chất lượng tín dụng tốt, không có nợ quá hạn, nợ khoanh”.

Tổ TK&VV được ví như “cánh tay nối dài” trong quá trình thực hiện tín dụng chính sách. Hiệu quả hoạt động từ các tổ đã góp phần giải ngân kịp thời nguồn vốn đến các đối tượng thụ hưởng, giảm chi phí, thời gian cho người vay và tăng khả năng tiếp cận vốn đối với người nghèo, các đối tượng chính sách. Qua đó, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn qua mỗi năm.

Bài, ảnh: Thúy Nga

Tin cùng chuyên mục