Vốn vay ưu đãi - điểm tựa cho nhiều hộ nghèo

- Từ sự hỗ trợ vốn vay ưu đãi của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Lâm Bình nên trong những năm qua, nhiều hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn đã thoát được nghèo, có điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập.

Ông Ma Ba Quê, thôn Nà Chúc, xã Hồng Quang nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi từ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện nên đến nay có thu nhập ổn định hơn. Khi chúng tôi đến thăm mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông Quê đúng lúc ông vừa nghỉ trưa. Ông Quê tâm sự: “Tôi phát triển chăn nuôi từ năm 2012, thấy được hiệu quả từ việc phát triển mô hình này, nhưng do kinh tế của gia đình tôi vẫn còn nhiều khó khăn, trong khi bản thân có kinh nghiệm trong chăn nuôi nhưng không làm cách nào để phát triển được. Thấy được kinh nghiệm trong phát triển chăn nuôi của gia đình  tôi nên năm 2023, gia đình tôi được Đoàn Thanh niên xã đứng ra tín chấp vay 100 triệu đồng vốn ưu đãi của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện theo chương trình phát triển kinh tế. Từ đây, tôi mở rộng mô hình phát triển chăn nuôi, đến nay mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Hiện nay, gia đình tôi đang duy trì phát triển đàn lợn trên 50 con, 7 con bò sinh sản, 4 ao cá và 4 ha rừng keo”.

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách huyện Lâm Bình giao dịch tại điểm xã Xuân Lập (Lâm Bình).

Là “cánh tay nối dài” của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, thông qua các đoàn thể chính trị - xã hội như hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên, tại các thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện đã thành lập các tổ tiết kiệm vay vốn nhằm theo dõi, nắm bắt việc sử dụng vốn vay ưu đãi này. Hiện trên địa bàn toàn huyện có 210 tổ tiết kiệm vay vốn hoạt động hiệu quả”. Hiện tổng dư nợ của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lâm Bình đạt hơn 470 tỉ đồng, tăng gần 10 tỉ đồng so cùng kỳ năm 2024 với 7.731 khách hàng dư nợ.

Ông Ma Đình Lượng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Minh Quang cho biết: “Khi bình xét những hộ được vay vốn ưu đãi, chúng tôi không chỉ bảo đảm đúng đối tượng mà còn xem có bảo đảm sử dụng vốn vay có hiệu quả thực sự không. Vì thế, chúng tôi thường xuyên đến tận nhà hộ được vay vốn vừa nhằm động viên, khích lệ, chia sẻ kinh nghiệm tổ chức sản xuất, kinh doanh vừa giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích”.

Một trong những giải pháp mang lại hiệu quả góp phần giảm số hộ nghèo, từng bước cải thiện đời sống cho nhân dân, đó là việc hình thành kênh tín dụng dành riêng cho người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội thông qua hệ thống ngân hàng CSXH, với lãi suất thấp hơn nhiều so với các ngân hàng thương mại.

Nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa trên, thời gian qua, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lâm Bình luôn đồng hành cùng các hộ nghèo, gia đình khó khăn, gia đình chính sách trên địa bàn nhằm sớm ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Đồng chí Nguyễn Quỳnh Hưng, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lâm Bình cho biết: “Nhằm phát huy tốt hiệu quả từ nguồn vốn ưu đãi này, chúng tôi đã tập trung phối hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể chính trị - xã hội đẩy mạnh hoạt động tín chấp, việc bình xét cho vay bảo đảm đúng đối tượng được thụ hưởng; thường xuyên giám sát, động viên các hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích”. 

Thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, nguồn vốn tín dụng đã đến được với những trường hợp chính sách có nhu cầu vay vốn thực sự. Có thể khẳng định, tín dụng chính sách xã hội được thực hiện thông qua Phòng giao dịch CSXH huyện Lâm Bình là một “phao cứu sinh” giúp những đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương có cơ hội vươn lên và là một trong những đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác có điều kiện phát triển sản xuất.

Bài, ảnh: Minh Hoa

Tin cùng chuyên mục