Thách thức từ chính sách thương mại
Theo thống kê của Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh có 8 doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ, gồm: Công ty TNHH MTV Seshin VN2, Công ty TNHH MSA YB, Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang, Công ty TNHH Acacia Woodcraft Việt Nam, Công ty TNHH Huiling Wood Products Việt Nam, Công ty TNHH Hitarp Việt Nam, Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm và Công ty TNHH Greenhome Flooring có hoạt động xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như: Hàng may mặc xuất khẩu, đồ gỗ, nội ngoại thất, chè, vải bạt cuộn. Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ năm 2024 đạt 57,1 triệu USD, dự kiến năm 2025 đạt 78,5 triệu USD. Các doanh nghiệp xuất khẩu đang có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chủ động nhằm giữ vững thị phần, đồng thời duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh nhiều thách thức.
Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến đồ gỗ nội, ngoại thất. Thị trường xuất khẩu là Mỹ, Canada, Nhật Bản và các nước châu Âu. Trong đó, thị trường xuất khẩu sang Mỹ chiếm khoảng 25%. Ông Lê Quang Khánh, Giám đốc Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang chia sẻ: Công ty có ký kết 7 hợp đồng xuất khẩu với 7 đối tác Mỹ về mặt hàng đồ gỗ nội thất với giá trị 4,85 triệu USD. Tình hình thuế quan phía Mỹ diễn biến khó lường, hiện có 2 đối tác Mỹ yêu cầu tạm dừng xuất khẩu. Chính sách áp thuế của Mỹ vẫn diễn biến khó lường, điều này cũng gây khó khăn lớn cho kế hoạch sản xuất và tiêu thụ.
Lãnh đạo Sở Công Thương nắm tình hình sản xuất tại các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.
Tương tự, Công ty TNHH MTV Seshin VN2 là doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng may mặc, có tới 90% kim ngạch xuất khẩu phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Năm 2024, công ty xuất khẩu 6,7 triệu sản phẩm, trị giá 32 triệu USD, dự kiến năm 2025 đạt 9,6 triệu sản phẩm, tương đương 58,5 triệu USD. Tuy nhiên, chính sách thuế mới khiến 230 nghìn sản phẩm bị tạm hoãn nhập khẩu. Các đơn hàng đã ký và hàng đang sản xuất cũng bị tồn kho, tạo áp lực lớn về kho bãi, dòng tiền và kế hoạch nhân sự.
Trong bối cảnh chính sách thuế còn nhiều thay đổi khó lường, sự thích ứng linh hoạt, chủ động triển khai các giải pháp ứng phó là yếu tố then chốt để doanh nghiệp trụ vững và vượt qua.
Chủ động thích ứng
Dưới sức ép từ chính sách thuế khắt khe hơn và các rào cản phi thuế quan ngày càng tăng, hoạt động xuất khẩu của Tuyên Quang không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, khó khăn cũng chính là phép thử để doanh nghiệp và chính quyền địa phương đánh giá lại chiến lược phát triển, chủ động tái cấu trúc hướng đi, đồng thời hình thành một hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Không chờ đợi, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng chuyển hướng. Theo ông Lê Quang Khánh, Giám đốc Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang, bên cạnh việc điều chỉnh thời hạn giao hàng nhằm giãn áp lực, doanh nghiệp đã mở rộng tiếp cận các thị trường như Canada, Nhật Bản, châu Âu, những khu vực có nền tảng hợp tác thương mại vững chắc với Việt Nam. Ông Chen Chiea, Phó Tổng Giám đốc Công ty Acacia Woodcraft Việt Nam cho biết, đơn vị đang tập trung ổn định sản xuất theo các hợp đồng đã ký. Đồng thời chủ động tìm kiếm thêm đối tác tiêu thụ ở những thị trường ít chịu ảnh hưởng từ thuế quan Mỹ.
Tại Công ty TNHH MTV Seshin VN2, dù chịu thiệt hại lớn từ việc hoãn đơn hàng nhưng doanh nghiệp vẫn nhanh chóng thích ứng bằng cách xin giãn tiến độ đầu tư một số hạng mục kỹ thuật để tập trung nguồn lực cho việc mở rộng thị trường. Các doanh nghiệp khác như Huiling Wood Products, Greenhome Flooring… cũng đang tích cực khai thác cơ hội tại các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Úc, Trung Đông.
Đồng chí Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công Thương khẳng định: Sở đã chủ động làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực, đánh giá mức độ ảnh hưởng cụ thể và kịp thời tổng hợp, phản ánh lên các cấp có thẩm quyền. Với vai trò đồng hành, ngành Công thương tỉnh đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, ổn định việc làm, nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước giúp doanh nghiệp vượt qua “sóng lớn” của thị trường.
Mặc dù còn đối mặt với không ít khó khăn, nhưng bức tranh xuất khẩu của Tuyên Quang trong quý I năm 2025 vẫn ghi nhận những tín hiệu tích cực. Giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 52 triệu USD, đạt 29,7% kế hoạch năm và tăng 77,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là minh chứng rõ ràng cho tinh thần chủ động, bản lĩnh và sức bật của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà. Trong quý II, tỉnh phấn đấu giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 43,8 triệu USD.
Định hướng mở rộng thị trường
Trong bối cảnh thị trường thế giới biến động liên tục, nhất là trước tác động từ chính sách thuế mới của Mỹ, việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu đang trở thành yêu cầu sống còn đối với doanh nghiệp. Tỉnh Tuyên Quang xác định rõ định hướng đồng hành cùng doanh nghiệp, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn của Bộ Công Thương để hỗ trợ việc tiếp cận thị trường mới, thay thế dần các thị trường truyền thống nếu xuất hiện rào cản thương mại.
Cùng với đó, tỉnh cũng đang tích cực tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA, CPTPP, RCEP… để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN. Những khu vực tiềm năng như Nga, Đông Âu, Bắc Âu, Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latinh cũng đang được nghiên cứu và xúc tiến một cách bài bản, chuyên nghiệp. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ tăng cường tổ chức các hội thảo chuyên đề, phổ biến chính sách hội nhập kinh tế quốc tế, hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng ưu đãi từ các FTA một cách tối đa.
Theo đồng chí Lộc Kim Liễn, trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục cập nhật, cung cấp thông tin thị trường, chính sách thương mại và hàng rào kỹ thuật quốc tế một cách kịp thời, giúp doanh nghiệp chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp. Các chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư sẽ được tổ chức linh hoạt, kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, kết nối giao thương hiệu quả hơn.
Công tác hỗ trợ doanh nghiệp cũng sẽ được nâng cao, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến phòng vệ thương mại, tranh chấp thương mại quốc tế, chống bán phá giá… Tỉnh sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan tham tán thương mại tổ chức xúc tiến trong và ngoài nước để đồng hành cùng doanh nghiệp trong hành trình khẳng định vị thế trên bản đồ xuất khẩu toàn cầu.
Hải Hương
Ông Trương Trọng Tuệ
Trưởng phòng Nghiệp vụ Tổng hợp, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Tuyên Quang
Xây dựng hành lang pháp lý vững chắc
Để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu, Ban Quản lý phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong giám sát việc chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy và các quy định khác liên quan. Việc lập quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp mới được thực hiện chủ động nhằm bảo đảm quỹ đất sạch, tạo điều kiện thu hút các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án có tiềm năng xuất khẩu.
Ban Quản lý thường xuyên rà soát, đôn đốc tiến độ thực hiện dự án góp phần ngăn ngừa tình trạng sử dụng đất không hiệu quả và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cùng với đó, Ban Quản lý cũng chủ động hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các quy định liên quan đến an toàn lao động, chế độ hợp đồng, thỏa ước lao động tập thể và vệ sinh an toàn thực phẩm. Những hoạt động này giúp bảo vệ quyền lợi lao động, qua đó doanh nghiệp cũng giữ chân được lao động để doanh nghiệp có thể chủ động triển khai các chiến lược sản xuất, chinh phục thị trường xuất khẩu trong bối cảnh nhiều biến động hiện nay.
Ông Nguyễn Hữu Thập
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang
Cầu nối hỗ trợ doanh nghiệp
Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đang đối mặt với nhiều khó khăn, lớn nhất là các vướng mắc về thể chế và thủ tục hành chính. Các văn bản pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, gây lúng túng trong áp dụng. Trong bối cảnh Mỹ áp thuế với một số mặt hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực như dệt may, đồ gỗ đang chịu sức ép rất lớn. Nếu không có giải pháp đàm phán hoặc hỗ trợ kịp thời, sản lượng và thị phần xuất khẩu sẽ sụt giảm.
Là Chủ tịch Hiệp hội, tôi luôn nỗ lực làm cầu nối giữa doanh nghiệp và chính quyền, tích cực kiến nghị tháo gỡ các nút thắt chính sách. Nhưng để doanh nghiệp chuyển hướng, mở rộng ngành nghề hay thị trường, điều cốt lõi vẫn là cần thể chế minh bạch, thủ tục thông thoáng và chính sách hỗ trợ thực chất từ Trung ương đến địa phương để các doanh nghiệp khi gặp khó khăn về xuất khẩu thì có thể có hướng chuyển hướng kinh doanh, thị trường nhanh hơn.
Ông Lê Quang Chuyền
Giám đốc Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm
Chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường
Hằng năm, Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm xuất khẩu hơn 500 tấn chè qua thị trường Mỹ, thị trường các nước khác là hơn 1.500 tấn. Hiện nay, phía Mỹ đã gia hạn 90 ngày và tạm thời áp dụng mức thuế 10%, do vậy trong vòng 90 ngày doanh nghiệp đang nỗ lực hoàn thành các đơn hàng từ phía đối tác còn việc ký hợp đồng dài hạn thì khách hàng đang rất phân vân. Việc chính sách thuế chưa rõ ràng và theo công bố chính sách thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, với mức thuế có thể lên tới 46%, các doanh nghiệp phải tìm giải pháp khác, cơ hội khác là mở rộng thị trường xuất khẩu.
Cùng với việc mở rộng thị trường tiêu thụ thì Công ty luôn quan tâm, đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại, quy trình kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt ở mọi khâu. Đồng thời xây dựng một mạng lưới các nhà cung cấp nguyên liệu uy tín, có khả năng đáp ứng nhanh chóng các yêu cầu về số lượng và chất lượng.
Ông Lê Thái Hà
Giám đốc Ngân hàng HD Bank Chi nhánh Tuyên Quang
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng quy mô trên thị trường quốc tế, Ngân hàng TMCP phát triển TP. Hồ Chí Minh (HD Bank) Chi nhánh Tuyên Quang chủ động cung cấp giải pháp hỗ trợ về lãi suất cho vay cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Hiện nay, tổng dư nợ doanh nghiệp tại chi nhánh là hơn 1.000 tỷ đồng với hơn 60 doanh nghiệp vay vốn.
Để đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, Ngân hàng HD Bank đã cung cấp giải pháp hỗ trợ về lãi suất cho vay dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bên cạnh lãi suất hấp dẫn, doanh nghiệp sẽ được hướng dẫn chi tiết thủ tục vay, thời gian giải ngân nhanh chóng. Qua đó nhằm mang đến giải pháp tài chính vượt trội, tiếp sức cho các doanh nghiệp trên con đường hội nhập thị trường quốc tế.
Gửi phản hồi
In bài viết