Lập Binh ghi dấu chân Bác

- Trong những ngày toàn quốc kháng chiến, thôn Lập Binh, xã Bình Yên (Sơn Dương) được chọn là nơi đặt trụ sở của Văn phòng Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ, cơ quan tham mưu, giúp việc cho Bác Hồ và Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng điều hành Chính phủ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta. Hôm nay về Lập Binh lòng người dân cách mạng vẫn luôn khắc ghi hình ảnh “Cụ Hồ” kính yêu...

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Thủ đô Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc để tiếp tục lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Theo Chỉ thị của Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch phủ được đặt tại thôn Hồng Thái (nay là thôn Cả, xã Tân Trào) với bí danh là Trung đội 555, sau đó đổi tên là Ban Thông tin Tháng Tám và Ban Kiểm lâm 13. Giữa năm 1948, sau khi thay đổi nhiều địa điểm, Văn phòng Chủ tịch phủ được chuyển đến đóng tại khu vực thác Dẫng, bên bờ sông Phó Đáy, thuộc thôn Lập Binh. Ở đây, địa thế hiểm trở, nhân dân có tinh thần yêu nước, hết lòng trung thành với Chính phủ, bảo đảm giữ được bí mật, đồng thời tiện liên lạc với nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và các cơ quan khác của Trung ương Đảng và Chính phủ. Văn phòng Chủ tịch phủ thời gian này được giao nhiệm vụ làm đầu mối để phối hợp với các cơ quan chức năng sắp xếp, bố trí cho các bộ, ban, ngành của Chính phủ và các cơ quan Trung ương về đóng tại một số thôn, bản trong vùng An toàn khu...

 Cô và trò Trường THCS Bình Yên (Sơn Dương) tham quan Di tích lịch sử Văn phòng Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ
tại thôn Lập Binh.

Trong thời gian ở và làm việc tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ đã ra nhiều quyết sách quan trọng, đưa cuộc kháng chiến của dân tộc ta vượt qua những chặng đường gian khổ để đi đến thắng lợi hoàn toàn. Thời kỳ này cũng đánh dấu sự hình thành và phát triển của bộ máy giúp việc gọn nhẹ, đắc lực và hiệu quả cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Hiện nay, Di tích Văn phòng Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ đã được khôi phục theo nguyên mẫu để nhân dân các dân tộc được tìm hiểu hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ trong thời gian ở và làm việc tại đây. Thông qua đó, du khách cũng sẽ phần nào hiểu rõ hơn về nhân cách, lối sống, tâm hồn của lãnh tụ Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị cha già kính yêu của dân tộc.

Những người đã từng chứng kiến khoảng thời gian Bác Hồ ở và làm việc tại thôn Lập Binh, nay đều đã không còn, chỉ còn lại con cháu của họ. Được kể lại những câu chuyện về Bác Hồ, ông Lưu Đại Dương nói, ngày xưa bố ông là Mai Xuân Lập vẫn thường kể cho ông nghe những câu chuyện về Bác Hồ. Bác sống và làm việc tại thôn trong căn nhà lá đơn sơ. Nhà được dựng trên đồi, khuất dưới tán cổ thụ, tại đây Bác đã điều hành các phiên họp của Hội đồng Chính phủ.

Luôn tự hào và phát huy truyền thống cách mạng bà con nhân dân thôn Lập Binh luôn phát huy tinh thần đoàn kết xây dựng quê hương Bình Yên ngày càng giàu đẹp. Đồng chí Lục Văn Chuyển, Trưởng thôn phấn khởi nói, toàn thôn có 186 hộ với 755 nhân khẩu, trên 85% bà con là đồng bào dân tộc Sán Chay. Bằng nội lực của từng hộ gia đình, tỷ lệ nhà ở tạm, dột nát trong thôn đã không còn. Từ đầu năm 2020 đến nay, với nhiều nguồn vốn bà con trong thôn được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất như: Công đoàn Văn phòng Chính phủ đã làm cầu nối kêu gọi vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam tài trợ kinh phí dựng điểm trường tại thôn với tổng trị giá trên 900 triệu đồng; Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam tài trợ xây dựng nhà văn hóa thôn và tuyến đường giao thông thôn tổng vốn 2,5 tỷ đồng... Thôn nhiều năm liền đạt danh hiệu Thôn văn hóa, hơn 95% gia đình đạt danh hiệu Gia đình Văn hóa, không có người mắc các tệ nạn xã hội...

Chứng kiến những đổi thay của thôn Lập Binh hôm nay, chúng tôi cảm nhận rõ sự tiếp nối truyền thống vẻ vang của cấp ủy, chính quyền và nhân dân nơi đây, đang viết tiếp trang sử đầy tự hào của quê hương trong thời kỳ đổi mới.

Bài, ảnh: Minh Thủy

Tin cùng chuyên mục