Xuất xứ một câu ca

- Hẳn bạn đã từng nghe “Chè Thái, Gái Tuyên” như một câu ca - dù chẳng có thanh âm nhiều nhặn gì. Bởi từ lâu, trong tâm khảm mỗi người, xứ Tuyên đã là quê hương của những người đẹp, hay nói đúng hơn xứ Tuyên là xứ sở của những nhan sắc hơn người.

Miền nhan sắc

An Phủ Trần Quang thời Lê từng viết về xứ Tuyên “Đây là xứ sơn kỳ thủy tú, con người tươi đẹp, ruộng nhiều lúa chín, đất nở đầy hoa, chim kêu vượn hót, thuốc quý tiềm tàng, sơn hào vô tận nhờ khí hạo nhiên…”. Ngôi Đền Ông ở Hàm Yên có hẳn đôi câu đối: Sơn kỳ thủy tú chi linh xứ - Tài tử giai nhân tại hạo nhiên. Nghĩa là: Núi sông tươi đẹp ở đất thiêng - Trai tài gái sắc bởi thiên nhiên. Có thể coi đây chính là trong những “văn bia” minh chứng Tuyên Quang là một miền nhan sắc.

Các triều đại phong kiến đều coi Tuyên Quang là vùng phên dậu ở phía Bắc, nên dùng kế sách gả công chúa, quận chúa cho các tù trưởng, tộc trưởng để tạo dựng niềm tin, lòng trung thành nhằm giữ chắc phên dậu nơi biên ải.

MC Vũ Thu Hoài của kênh 14.

Tại xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa), chùa Bảo Ninh Sùng Phúc có bài văn bia khắc bằng chữ Hán trên tấm bia đá đã được công nhận là Quốc bảo có ghi tên công chúa Khâm Thánh đời nhà Lý. Vị công chúa này được gả cho tù trưởng Hà Hưng Tông, một người có công bảo vệ giang sơn, trấn giữ biên ải chống giặc ngoại xâm.

Năm xưa, triều đình vua Trần Thái Tông cử hoàng tử thứ sáu văn võ song toàn, thông thạo ngôn ngữ và tập quán các dân tộc - Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật đến đất Tuyên làm quan trấn ải. Tương truyền vị vương này khi mới chào đời đã có bốn chữ “Chiêu Văn đồng tử” trên cánh tay. Vua liền đặt hiệu là Chiêu Văn, tức là  “đón, gọi cái đẹp”. Miền đất sơn kỳ thủy tú, lại do một thân vương mang hiệu “đón, gọi cái đẹp” trấn ải - như một sự tương hợp tình cờ mà thú vị làm nên miền đất tài tử, giai nhân.

Còn nhiều điều thú vị về miền nhan sắc xứ Tuyên mà không phải ai cũng đã tỏ. Chỉ riêng việc kể về hai con suối mang tên “Ôn tuyền” và “Thanh tuyền” cũng đã đủ thú vị. Ôn tuyền chính là suối nước nóng Mỹ Lâm đã nức tiếng gần xa về hàm lượng khoáng chất và khả năng chữa bệnh ngoài da, xương khớp mãn tính.

Còn Thanh tuyền ở ngay trong lòng thành phố Tuyên Quang. Tương truyền nước suối Thanh tuyền có khả năng chữa khỏi bụng báng (xơ gan cổ chướng), thiếu nữ tắm gội sẽ đẹp da, mượt tóc, trừ chấy rận. Nghe nói, các thầy thuốc thời Pháp thuộc còn lấy nước suối Thanh tuyền làm nước cất tiêm cho binh sỹ. Tiếc rằng vật chuyển sao dời, thời gian và công cuộc đô thị hóa khiến suối Thanh Tuyền không còn nữa. Nhưng những thế hệ thiếu nữ Tuyên Quang da trắng tóc dài, eo thon môi đỏ vẫn lần lượt ra đời, viết tiếp danh thơm về một miền nhan sắc.

Thảo Nary Hương Thảo từng ẵm giải Gương mặt khả ái cuộc thi Hoa khôi Đại học Văn hóa Hà Nội 2016,
hiện là Streamer có hàng chục nghìn người theo dõi trên mạng xã hội.

Chè Thái, gái Tuyên hay là…?

Câu ca “Chè Thái, Gái Tuyên” đã được rất nhiều người biết. Nhưng có một câu ca khác chắc không nhiều người biết: “Trâu Yên Bái, Gái Tuyên Quang”. Thoạt nghe, sẽ tưởng đó là lời chế giễu: ai lại đem ví nhan sắc kiều diễm của người con gái với con trâu vốn thô kệch cục mịch bao giờ. Thực ra, không phải thế.

Người Thái Yên Bái có câu: “Tô quai pên tai hương” (Con trâu là cái nền nhà) để chỉ vai trò quan trọng của con trâu trong đời sống hằng ngày. Trong đời sống tâm linh, trâu là lễ vật cúng tế. Ở  huyện Văn Chấn (Yên Bái) có Rừng Hồn Trâu là hóa thân của những con trâu trong các tang lễ của khắp vùng Tây Bắc. Mỗi dịp Lễ hội bên “Rừng hồn trâu”, người Thái thổi khèn, cuồng nhiệt theo các điệu xòe và hát đối đáp bằng các điệu khắp tình tứ, ca ngợi tình yêu, ca tụng công lao khai khẩn ruộng đồng. Hàng năm dân bản làm lễ thắp hương với mong muốn hồn trâu phù trợ cho mùa màng tốt tươi, con người mạnh khỏe. Hàng ngày, ai có việc, thành tâm thắp hương cầu khấn hồn trâu phù giúp, không cần lễ vật gì. Như vậy đủ thấy Trâu Yên Bái có vai trò quan trọng thế nào.

Cô gái người Tuyên Quang Hứa Như Quỳnh hiện đang là sinh viên ngành Báo chí,
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội không xa lạ đối với giới trẻ trên mạng xã hội bởi vẻ đẹp thanh tú, cuốn hút.

Lại nghe nói, vùng Cát Lem - nơi giáp ranh Yên Bái với Tuyên Quang xưa có một chợ phiên đông đúc. Người ta đổ về chợ để tìm mua trâu Yên Bái về làm đầu cơ nghiệp, vì từ những năm 60, tỉnh Yên Bái đã nhập giống trâu Mu-ra của Ấn Độ là giống trâu cho sản lượng thịt và sữa cao. Nhưng người người thích tìm đến chợ này còn để ngắm những cô gái sắc nước hương trời bán hàng xén hàng xáo - chính là các chị các cô từ Tuyên Quang đến. Nên có câu Trâu Yên Bái, Gái Tuyên Quang là thế.

Ngôn ngữ tiếng Việt có lối nói sóng đôi như một biện pháp tu từ cú pháp để làm nổi bật tính chất, rõ nghĩa hoặc bổ sung ý nghĩa cho nhau. Ví như “Trai anh hùng, gái thuyền quyên”, “trai tài, gái sắc”, “Thanh mai trúc mã”... Nên dù là “Chè Thái, Gái Tuyên”, hay “Trâu Yên Bái, Gái Tuyên Quang” thì cũng chính là cách nói như thế để làm nổi bật vẻ đẹp hơn người, nét tinh tế, đằm thắm, thanh cao đáng tự hào của người con gái xứ Tuyên.

Ngọc Mai

Tin cùng chuyên mục