Theo đề án đặt tên cho đường, phố, công trình công cộng trên địa bàn thị trấn Yên Sơn đang trình
cấp tỉnh phê duyệt, tuyến đường này sẽ mang tên Việt Bắc.
Đảm bảo đúng nguyên tắc, phương thức
Ông Nguyễn Đắc Tiến, Trưởng phòng Văn hóa, thông tin huyện cho biết, các cơ quan, đơn vị của huyện triển khai xây dựng Đề án theo đúng nguyên tắc, phương thức theo quy định. Việc đặt tên đường, phố và công trình công cộng được đảm bảo theo đúng quy định tại Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11-7-2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng; Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20-3-2006 của Bộ Văn hóa -Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 91 của Chính phủ; dữ liệu ngân hàng tên được ban hành tại Quyết định số 77/QĐ-UBND ngày 19/3/2020 của UBND tỉnh. Việc đặt tên đường, phố và công trình công cộng của thị trấn Yên Sơn được căn cứ vào vị trí, cấp độ, tính chất, quy mô của đường để đặt tên cho tương xứng với ý nghĩa, tầm quan trọng của danh nhân, địa danh, di tích, danh thắng, sự kiện lịch sử, phong trào cách mạng đã được chọn.
Theo Đề án, có 4 tuyến đường chính, 11 phố, 2 công trình công cộng được đặt tên. Trong đó, 4 tuyến đường gồm: Tôn Đức Thắng, Việt Bắc, Trần Quốc Tuấn, Thắng Quân. 11 phố gồm: Trương Đình Dần, Hồ Đắc Di, Nguyễn Văn Huyên, Hùng Vương, Nguyễn Lương Bằng, Tứ Quận, Trần Văn Cẩn, Văn Tiến Dũng, Lang Quán, Đặng Văn Ngữ, Nguyễn Công Bình. Một số danh nhân đã gắn bó, sống, lao động tại huyện Yên Sơn như: Trương Đình Dần, Hồ Đắc Di, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Văn Ngữ, Nguyễn Công Bình. 2 công trình công cộng được mang tên: Quảng trường Yên Sơn và Công viên Hòa Bình. Trong đó, tên Quảng trường Yên Sơn được giữ nguyên, không đặt mới.
Trong tháng 5-2021, Đề án đã được hoàn thành. Kết quả có được nhờ các cấp, ngành của huyện đã phát huy dân chủ trong lấy ý kiến đóng góp của người dân vào việc đặt tên đường, phố, công trình công cộng.
Phát huy dân chủ
Ngay từ đầu năm 2021, từ huyện, thị trấn đến tổ dân phố đã tổ chức họp, triển khai lấy ý kiến của nhân dân vào dự thảo Đề án đặt tên đường, phố, công trình công cộng trên địa bàn. Từ đó, người dân hiểu được vai trò, ý nghĩa của Đề án. Trên tinh thần dân chủ, cởi mở, người dân nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong việc đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo.
Ông Hoàng Văn Sứ, Tổ trưởng tổ dân phố Trầm Ân cho biết, theo sự chỉ đạo của cấp trên, thôn lấy ý kiến của người dân vào Đề án đặt tên đường, phố, công trình công cộng trên địa bàn và nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân. Nhiều ý kiến đã được ghi nhận và thực hiện. Ví dụ như người dân cho ý kiến về việc nên giữ, không đặt tên mới cho Quảng trường Yên Sơn. Bởi lẽ, Quảng trường Yên Sơn được khánh thành và đưa vào sử dụng từ năm 2018. Tên gọi này đã trở nên quen thuộc đối với nhân dân các dân tộc huyện bấy lâu nay.
Đồng chí Bàn Văn Hưng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị trấn Yên Sơn cho biết, khi điều chỉnh địa giới hành chính trên cơ sở toàn bộ 29,21 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 22.041 người của xã Thắng Quân và một số thôn thuộc xã Lang Quán, Tứ Quận để thành lập thị trấn Yên Sơn thì tên xã Thắng Quân đến nay không còn nữa. Xuất phát từ ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, Đề án được xây dựng vẫn có tên đường, phố mang tên cũ Thắng Quân, Tứ Quận, Lang Quán nhằm lưu giữ tên gọi đã đi vào tiềm thức của người dân. Đoạn đường từ đường Tôn Đức Thắng (trên Quốc lộ 2), tổ dân phố Minh Phong đến đường Trần Quốc Tuấn, tổ dân phố Làng Chẩu được đặt tên đường Thắng Quân. Phố Tứ Quận để ghi dấu sự kiện 3 thôn Đồng Chằm, 11, Cầu Trôi, xã Tứ Quận; phố Lang Quán để ghi dấu sự kiện 2 thôn 1 và thôn 6, xã Lang Quán sáp nhập vào xã Thắng Quân để thành lập thị trấn Yên Sơn.
Hiện nay, địa bàn thị trấn được mở rộng, điều chỉnh, hình thành một số khu dân cư, khu đô thị mới, với nhiều tuyến đường bộ được quy hoạch mới chưa có tên, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, quản lý hành chính, quản lý xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của thị trấn. Việc đặt tên đường, phố, công trình công cộng ở thị trấn Yên Sơn không đơn thuần để thuận tiện trong công tác quản lý đô thị hoặc trong cách gọi tên và nhận biết địa chỉ giao dịch, tăng thêm sự văn minh của đô thị mà mỗi tên đường, tên phố còn tích hợp nhiều giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống tiêu biểu của các danh nhân hay một vùng đất, một dân tộc.
Gửi phản hồi
In bài viết