Năm 2023, những thành tựu trong xây dựng, phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội mang nhiều dấu ấn, lan tỏa tới nhiều địa phương về cách làm, mô hình hay, hiệu quả.
Những “gam màu” sáng
Trong bức tranh tổng thể với gam màu tươi sáng về phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô, du lịch văn hóa tạo sức bật khi trong năm 2023, nhiều sản phẩm du lịch gắn với văn hóa được ra mắt. Điển hình, Hà Nội xây dựng chuỗi sản phẩm khai thác giá trị các di tích, di sản, làng nghề truyền thống; công bố 15 sản phẩm du lịch đêm - trở thành địa phương đi đầu trong phát triển du lịch đêm; xây dựng sản phẩm du lịch golf để thu hút dòng khách cao cấp chi tiêu cao, lưu trú dài ngày tại Hà Nội…
Cuối tháng 12-2023, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức đoàn khảo sát hơn 60 doanh nghiệp lữ hành, phần đông là lữ hành Inbound (đón khách quốc tế), thực hiện xây dựng 2 tuyến du lịch mới có tên “Khám phá con đường di sản Nam Thăng Long”, gồm: Trung tâm Hà Nội - Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên và tuyến trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức. Trưởng phòng Quy hoạch phát triển tài nguyên du lịch (Sở Du lịch Hà Nội) Phan Huy Cường cho biết, đây là hai tuyến du lịch kết nối nhiều điểm ở ngoại thành, nhằm xây dựng sản phẩm mới cho du lịch Hà Nội trong năm 2024, góp phần thu hút du khách lưu trú và chi tiêu nhiều hơn khi đến Hà Nội.
Theo Công ty Lữ hành Authentik Travel- chuyên khai thác thị trường khách Pháp, khách châu Âu, du khách từ Pháp rất thích trải nghiệm văn hóa tại Hà Nội. Bên cạnh các điểm đến truyền thống, nhiều địa chỉ du lịch mới ở ngoại thành Hà Nội đang được người nước ngoài tìm kiếm như: Làng tăm hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa), làng dệt tơ tằm, tơ sen Phùng Xá (Mỹ Đức)... Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho biết, nhiều đoàn khách quốc tế có xu hướng lưu trú tại Hà Nội 3-5 ngày, thậm chí có những đoàn khách lưu trú 7 ngày. Thực tế này thể hiện bằng doanh thu khi tổng thu từ khách du lịch năm 2023 ước đạt 87,65 nghìn tỷ đồng, tăng 45,5% so với năm 2022.
Cùng với điểm sáng của ngành Du lịch, lĩnh vực thiết kế sáng tạo của Hà Nội tạo dấu ấn đậm nét với thành công lớn của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023. Sau 3 năm tổ chức, lễ hội năm 2023 diễn ra với quy mô lớn ở nhiều địa điểm, huy động nhiều loại hình sáng tạo như: Thiết kế, thời trang, biểu diễn nghệ thuật, âm nhạc… Điều đáng nói, lễ hội đã “đánh thức” những di sản công nghiệp có tuổi thọ 100 năm tưởng như "ngủ quên" thành địa điểm văn hóa hấp dẫn: Nhà máy xe lửa Gia Lâm, tháp nước Hàng Đậu. Sau 12 ngày tổ chức, lễ hội thu hút 200.000 lượt người tham dự, đông nhất đối với một lễ hội văn hóa tại Hà Nội kể từ sau dịch Covid-19.
Năm 2023 đánh dấu hoạt động hiệu quả, sôi động của các lễ hội văn hóa, âm nhạc, du lịch như: Lễ hội Áo dài, lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa, Born Pink World Tour, lễ hội Thu Hà Nội…, góp phần lan tỏa hình ảnh Thủ đô năng động, sáng tạo, an toàn, mến khách và còn cho thấy tiềm năng lớn để Hà Nội trở thành trung tâm biểu diễn nghệ thuật của cả nước, có sức hút lớn....
Đánh giá về hiệu ứng của các sự kiện, hoạt động diễn ra tại Hà Nội trong năm 2023, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU (ngày 22-2-2022) của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, UBND thành phố đã quyết liệt chỉ đạo, tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển văn hóa, du lịch. Trong năm 2023, Hà Nội đã tổ chức hơn 2.000 sự kiện, hoạt động, đón khoảng 24 triệu lượt khách du lịch, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP của Thủ đô. Hà Nội đang tiến tới đạt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm công nghiệp văn hóa hàng đầu của cả nước.
Những dự tính trong tương lai
Với việc Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước có một nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa. Điều này cho thấy quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị thành phố nhằm tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa, cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, bảo đảm phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao.
Nghị quyết xây dựng mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; đến năm 2030, Hà Nội nằm trong nhóm các thành phố có ngành công nghiệp văn hóa phát triển hàng đầu, có thương hiệu, sản phẩm uy tín, khả năng cạnh tranh cao với các thành phố trong khu vực Đông Nam Á; phấn đấu doanh thu từ các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 8-10% GRDP của Thủ đô.
Hiện nay, công nghiệp văn hóa được Chính phủ xác định bao gồm 12 lĩnh vực: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật - nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa. Nhìn lại những hoạt động, sự kiện trong năm qua, có thể nhận thấy rõ những nỗ lực, cố gắng của các ngành, lĩnh vực để phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô rộng khắp, hiệu quả, bền vững.
Quá trình phát triển công nghiệp văn hóa là cả chặng đường dài. Để thành công, cần có sự quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị và sự vào cuộc, đồng lòng của người dân. Những dấu ấn đạt được trong năm 2023 ở nhiều lĩnh vực được kỳ vọng sẽ là “đòn bẩy” để công nghiệp văn hóa của Thủ đô phát triển hiệu quả, sáng tạo hơn trong năm 2024, từ đó góp phần hiện thực hóa chiến lược mà Nghị quyết số 09-NQ/TU đề ra.
Gửi phản hồi
In bài viết