Nhiều công trình thanh niên ý nghĩa
Mặt trời còn chưa ló rạng, hơn 50 thanh niên tình nguyện trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cùng thanh niên Đoàn xã Côn Lôn, xã Đà Vị (Na Hang) với đầy đủ dụng cụ như cuốc, xẻng, xe rùa... đã hăm hở cùng đoàn viên, thanh niên, Nhân dân xây dựng công trình thanh niên "Sân chơi thiếu nhi" tại thôn Nà Thưa (xã Côn Lôn). Những bạn trẻ vốn chưa quen với công việc nặng nhọc, khuân vác nhưng làm việc rất hăng say, đặc biệt là các bạn nữ, không kém nam giới.
Một nhóm sinh viên khác tại xã Đà Vị dùng những chiếc xe rùa chở cát, sỏi, xi măng, quay trộn bê tông nhịp nhàng. Khi có bê tông bơm vào, các tình nguyện viên thay nhau cào bê tông ra để làm phẳng sân, sửa chữa lớp học điểm trường thôn Bản Tâng.
Đoàn thanh niên tình nguyện Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội trao tặng “Sân chơi cho em” tại thôn Nà Thưa (xã Côn Lôn).
Điểm trường Tiểu học thôn Bản Tâng có khoảng 42 học sinh lớp ghép 1 - 5 tuổi. Do số trẻ đông nên chưa đáp ứng được nhu cầu ăn, nghỉ, học tập và vui chơi. Cô giáo Dương Thị Kiều Trang, giáo viên điểm trường thôn Bản Tâng xúc động chia sẻ: “Mặc dù thanh niên tình nguyện đến từ nhiều nơi, không phải là người địa phương, nhưng ai nấy rất nhiệt tình với công việc. Các bạn trẻ đã không quản ngại khó khăn, vất vả giúp trường sửa chữa lớp học và đổ bê tông sân chơi. Chúng tôi rất vui mừng và cảm kích. Công trình hoàn thành đáp ứng tốt hơn nhu cầu dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương”.
Đóng quân ở vùng cao Na Hang từ ngày 5 đến ngày 13-8, không chỉ giúp Nhân dân làm sân chơi thiếu nhi, sửa chữa lớp học, đoàn sinh viên tình nguyện Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội còn tham gia xây dựng 1 công trình thắp sáng đường quê; dạy Tiếng Anh, tin học, tổ chức rung chuông vàng, hoạt động văn nghệ, thể thao cho thiếu nhi; trao tặng 50 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó; trao tặng 1.000 vật phẩm phòng chống muỗi, phòng chống sốt xuất huyết; trao tặng công trình tủ sách cho em tại trường TH&THCS Côn Lôn…
Trong câu chuyện kể về những ngày tham gia chiến dịch mùa hè xanh tại Tuyên Quang, anh Trương Công Tuấn, Bí thư Đoàn Thanh niên Đại học Bách khoa Hà Nội không giấu được niềm tự hào về những thành quả mà sinh viên nhà trường đã tạo ra trong 7 ngày tình nguyện tại huyện Yên Sơn.
Ngay sau lễ phát động Chiến dịch sinh viên tình nguyện hè - mùa hè xanh, hơn 460 tình nguyện viên gồm cán bộ, giảng viên và sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội hồ hởi lên xe, mang theo cả bầu nhiệt huyết và tinh thần hăng hái của tuổi trẻ tiến về 6 xã khó khăn Chân Sơn, Chiêu Yên, Lực Hành, Quý Quân, Lang Quán, Hùng Lợi (Yên Sơn).
Với khẩu hiệu “Vận động vì dân - Không ngại mỏi chân”, đoàn chia làm nhiều đội nhỏ như: chủ lực, dân vận, hậu cần... phụ trách những phần việc khác nhau. Những ngày sau đó, tình nguyện viên bắt tay vào nhiệm vụ đầu tiên là xây dựng điểm check - in tại Homestay Đoàn Lâm; vẽ bích họa tại trường Mầm non Chân Sơn và Mầm non Lực Hành.
Tiếp đó, tình nguyện viên tổ chức xây dựng 4 km tuyến đường thắp sáng đường quê tại xã Hùng Lợi, Quý Quân và Lang Quán. Sinh viên tình nguyện còn trao tặng 2 tủ sách STEM cho trường THCS Chân Sơn và Tiểu học Chiêu Yên.
Trong khi đó, đội dân vận lặn lội gõ cửa từng nhà, vận động phụ huynh cho con em đến các lớp học tiếng Anh do sinh viên nhà trường tổ chức. Tình nguyện viên cũng đã tổ chức 17 buổi học STEM với các chủ đề: kỹ năng sống, khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học… cho các em thiếu nhi Yên Sơn.
“Mùa hè xanh chỉ diễn ra trong 7 ngày nhưng với tinh thần đoàn kết, xung kích vì cộng đồng, tuổi trẻ Đại học Bách khoa Hà Nội đã hoàn thành nhiều công trình, phần việc an sinh ý nghĩa, được chính quyền địa phương đánh giá cao. Đây chính là minh chứng rõ ràng nhất rằng chúng tôi đã có những ngày hè không hề vô nghĩa” - anh Trương Công Tuấn nhấn mạnh.
Nối dài hành trình tình nguyện
Năm nay, mùa hè xanh Tuyên Quang đã có gần 2.000 sinh viên tình nguyện khắp cả nước hòa mình vào những hoạt động tình nguyện ý nghĩa.
Tham gia tình nguyện, các bạn trẻ không chỉ được rèn luyện kỹ năng sống, mà còn có cơ hội khám phá bản thân. Sinh viên Tô Minh Quang, Đại học Bách khoa Hà Nội bộc bạch: Nhờ có mùa hè xanh, lần đầu tiên em biết đến việc đào hố, trồng cây, đẩy xe rùa, trộn bê-tông làm đường. Sau 7 ngày tham gia mùa hè xanh, hầu hết thành viên của nhóm ngày càng chững chạc, trưởng thành. Từ những sinh viên chưa từng đụng tay vào việc bếp núc, cuốc xẻng nay trở nên thành thạo, thuần thục trong việc nhóm lửa, cuốc đất, trồng cây, khuân đá, trộn bê-tông,… Những ngày cùng ăn, cùng ở với người dân, các thành viên hiểu rõ thêm về điều kiện, hoàn cảnh sống của người dân miền núi, thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn của người dân và trẻ em nơi đây, để từ đó nguyện tiếp tục mang sức trẻ, nhiệt huyết thanh niên đi cống hiến, xây dựng, cải thiện những vùng đất còn nhiều gian khó.
Tình nguyện viên xây dựng điểm check - in Homestay tại xã Chân Sơn (Yên Sơn).
Chị Dương Minh Nguyệt, Bí thư Tỉnh đoàn chia sẻ, một trong những điểm mới của mùa hè xanh năm 2024 là thực hiện hiệu quả chủ trương 3 liên kết là liên kết lực lượng giữa ĐVTN địa phương với sinh viên tình nguyện; liên kết địa bàn giữa các vùng, miền, địa phương; liên kết cộng đồng giữa tổ chức Đoàn với các câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm, tổ chức, cá nhân.
Đặc biệt, mùa hè xanh năm nay gắn với chiến dịch thanh niên tình nguyện, đã thu hút được gần 50 đội tình nguyện, của hơn 20 trường đại học tham gia tình nguyện tại 7/7 huyện, thành phố. Gắn với chuyên ngành của từng trường, sinh viên các trường đại học đã thực hiện các công trình, phần việc ý nghĩa, phù hợp với nhu cầu thực tế ở địa phương, tạo dấu ấn xã hội tích cực, với tổng giá trị phúc lợi trên 5 tỷ đồng. Qua nỗ lực của các lực lượng tình nguyện, chiến dịch mang lại nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, sáng tạo, gắn với nhu cầu thực tế các địa phương.
Mùa hè xanh Tuyên Quang đã đi qua được hơn nửa chặng đường, nhưng những dư âm của nó vẫn còn đọng lại trong lòng mỗi người. Những chiến sĩ áo xanh đã gieo những hạt giống yêu thương, để rồi chúng sẽ đơm hoa kết trái, mang lại một mùa hè thật ý nghĩa.
Gửi phản hồi
In bài viết