“Bức tường lửa” để Youtuber phát triển lành mạnh

- Trên các hội nhóm, diễn đàn về nghề Youtube, nhiều người đánh giá cao về sự phát triển mạnh của những Youtuber miền núi xứ Tuyên. Bằng nỗ lực không ngừng nghỉ, họ đã sáng tạo nội dung để làm ra những sản phẩm video clip tích cực về cuộc sống quê hương, quảng bá đến bạn bè trên thế giới. Tuy nhiên với nguồn thu nhập lý tưởng, một số Youtuber đã bất chấp để tạo những “content bẩn” nhằm câu view, câu like…tạo môi trường độc hại trên không gian mạng.

Những chiêu trò

Sự phát triển của Internet và giá thành Smartphone ngày càng trở nên rẻ hơn, việc sử dụng một chiếc Smartphone để thực hiện những đoạn video, sau đó chia sẻ lên mạng xã hội đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Đặc biệt khi Youtube, trang web chia sẻ video lớn nhất thế giới, trả tiền cho các nhà sáng tạo càng khuyến khích nhiều người trẻ tự xây kênh thực hiện các đoạn video để chia sẻ lên mạng xã hội. Bên cạnh những kênh Youtube chia sẻ kiến thức, trải nghiệm một cách tích cực thì không ít những youtuber thực hiện video “câu view” để mong kiếm tiền một cách nhanh chóng.

Nhiều năm qua, cơ quan chức năng lên tiếng, dư luận phẫn nộ trước hàng loạt video có nội dung như: thử thách bạo lực (ném dao từ tầng cao xuống, nhảy từ cây cao, thử thách làm chó mèo…), chơi khăm thái quá (giả làm người bị nhiễm Covid-19 dọa người đi đường, đổ chất lỏng bẩn lên đầu người khác...). Những Kênh như Bà Tân vlog, Khá bảnh, A Hỷ TV... bị dư luận tẩy chay, cơ quan chức năng xử lý thế nhưng “miếng mồi ngon” từ lợi nhuận thu nhập Youtube vẫn khiến nhiều Youtuber thực hiện.

Nhiều Youtuber thực hiện video quảng bá văn hóa bản địa ra bạn bè thế giới (Trong ảnh: Một Youtuber tại xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình quay video cảnh xuống chợ của bà con người Dao).

Tại tỉnh Tuyên Quang, từ khoảng 5 năm trở lại đây,  Youtuber được cho là một nghề mang lại thu nhập khá. Theo số liệu thống kê chưa chính thức, hiện nay toàn tỉnh có khoảng trên 2.000 Youtuber, tập trung chủ yếu ở các xã thuộc huyện Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Yên Sơn. Nhiều gia đình Youtuber, làng Youtuber ra đời.

Với nguồn thu nhập khủng, nhiều Youtuber mong muốn video của mình nhanh chóng có nhiều lượt xem, lượt like nên đã tìm mọi cách để tạo được sức hút. Bên cạnh nhiều Youtuber tập trung làm content sạch, nội dung, hình ảnh được đầu tư, quảng bá bản sắc văn hóa, ẩm thực con người xứ Tuyên thì nhiều Youtuber lại tạo những video với nội dung phản cảm.

Điển hình như video sai lệch về văn hóa ẩm thực miền núi, ăn uống một cách thô lỗ. Đặc biệt có nhiều kênh YouTube như: C.c.Mechanic, H Camping, H.bushcraft, L.M.N... khá phản cảm “núp bóng” cuộc sống bình yên miền núi, nhân vật đóng vai “Single mom” (mẹ đơn thân) sống một mình, cô gái miền núi tắm suối, cô gái sửa máy nông nghiệp... Điểm họ gây chú ý không phải là những hình ảnh đẹp, nét văn hóa đặc trưng, món ăn ngon… mà chính là những hình ảnh phản cảm, hở hang. Các chủ kênh đều chọn mặc các trang phục rất mỏng, ngắn, hớ hênh... để “câu view”.

Cần tạo “bức tường lửa”

Trước thực trạng trên, thời gian qua, Công an huyện Lâm Bình đã có những văn bản tuyên truyền, khuyến cáo về vấn đề này. Nội dung văn bản nêu rõ: “Thời gian gần đây, người dân trên địa bàn huyện Lâm Bình đang có xu hướng sản xuất các video để đăng tải trên nền tảng Youtube nhằm kiếm tiền tăng thêm thu nhập hàng ngày. Tuy nhiên, hiện nay một số kênh Youtube trên địa bàn huyện đã và đang có dấu hiệu biến tướng, “xây dựng các video bất chấp” để “câu view” với những video có nội dung dâm ô, đồi trụy, cổ xúy vi phạm pháp luật; trái với thuần phong, mỹ tục của đồng bào dân tộc, đạo đức xã hội... Căn cứ Luật An ninh mạng và các quy định hiện hành của pháp luật. Công an huyện Lâm Bình khuyến cáo mọi người dân không đăng tải các video, hình ảnh, bài viết lên mạng xã hội nói chung và nền tảng Youtube nói riêng các nội dung, trong đó có việc đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Trường hợp vi phạm tùy theo tính chất mức độ sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật...”.

Thượng tá Nguyễn Văn Hưng, Trưởng Công an huyện Lâm Bình chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên giám sát, tuyên truyền nhắc nhở để định hướng cho các Youtuber. Trong quá trình thực hiện chúng tôi cũng đã tuyên truyền để định hướng, răn đe một số trường hợp vi phạm”.

Thực hiện Kế hoạch số 156-KH/BTGTW ngày 14/6/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương về Tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay, từ năm 2022 đến nay, Sở Thông tin Truyền thông đã thường xuyên giám sát, phát hiện xử lý nhắc nhở, yêu cầu gỡ các bài đăng đối với các tài khoản mạng xã hội cá nhân vi phạm về thông tin trên mạng. Bao gồm tài khoản Facebook, Tiktok, Youtube... 

Hiện nay, đa số Youtuber ở Tuyên Quang có xu hướng xây dựng kênh view ngoại, nghĩa là video dành cho người nước ngoài xem. Theo lý giải nhiều cơ quan chức năng, việc các kênh kiếm view ngoại, đặt địa chỉ ở bên nước ngoài, thị trường hướng đến là Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Italia... thì không ảnh hưởng đến môi trường mạng xã hội ở Việt Nam nên việc xử lý là rất khó.

Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thì chính những người xem mạng xã hội, từ phía gia đình cần có sự chủ động, chọn lọc để chọn lựa nội dung xem mang lại giá trị cho bản thân, con cái. Mỗi công dân, cá nhân hãy là một “bức tường lửa” để ngăn chặn video độc hại, phản cảm tồn tại trên không gian mạng.

Phóng sự: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục