Cơ duyên
Anh Nông Văn Lành. |
Anh Lành năm nay tuổi đã ngũ tuần. Người Mông ở thôn Khau Phiêng quen gọi anh là thầy, bởi đã 28 năm anh đứng trên bục giảng đào tạo nhiều thế hệ con em xã Khâu Tinh học tập và trưởng thành.
Là người gốc xã Sơn Phú (Na Hang), năm 1998, anh lên nhận công tác tại trường Tiểu học và THCS Khâu Tinh, lập gia đình và an cư đến hôm nay. Anh bồi hồi nhớ lại, ngày ấy đời sống giáo viên vô cùng khó khăn, 2 vợ chồng tích góp mãi đến năm 2004 được một số tiền hơn 10 triệu đồng đầu tư mua gần 1 ha đất của người dân để dựng nhà và trồng ngô để chăn nuôi lợn, gà kiếm thêm thu nhập. Do hai vợ chồng đều là giáo viên, nên gia đình không quá khó khăn trong cuộc sống nhưng đất đai ít muốn khởi nghiệp theo nghĩa “chân ngoài” thật khó.
Năm 2014, trong một lần về quê ở xã Sơn Phú (Na Hang), được ăn thử quả hồng không hạt của một người họ hàng mới trồng được vài năm, vị ngon, giòn và độc đáo là “không có hạt” khiến anh tò mò và thích thú. Được tư vấn về cách trồng, khâu chăm sóc “khá nhàn” so với các loài cây khác, không chiếm nhiều diện tích đất, anh chính thức “say” loài cây này, được tặng 10 cây giống về trồng thử, anh nâng niu, chăm sóc như “báu vật”.
Anh Lành nhớ lại, ngày đầu trồng đúng dịp sau Tết Nguyên đán, do chưa có kinh nghiệm, hồng đang phát triển tốt gặp gió tháng 3, cây gãy, đổ và chết còn lại đúng 4 cây. Nhưng anh vẫn kiên trì chăm sóc đến năm 2018, cây cho bói lứa quả đầu tiên, anh mang hồng cho hàng xóm ăn thử ai cũng bất ngờ, tấm tắc khen ngon một thứ quả mới lần đầu xuất hiện ở Khâu Tinh.
Thấy được hiệu quả và tiềm năng phát triển kinh tế, đầu năm 2018, anh Lành đầu tư gần 40 triệu đồng cải tạo toàn bộ diện tích 6.000 m2 đất trồng ngô của gia đình sang trồng hồng không hạt trước sự ngỡ ngàng của bà con thôn Khau Phiêng. Anh kể, anh mua 50 cây hồng giống LT1 của thương lái ở huyện Lục Yên (Yên Bái) và hơn 400 cây giống hồng không hạt quả nhỏ của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Na Hang để trồng.
Anh Nông Văn Lành làm cỏ vườn hồng.
Lúc đầu đưa vào trồng đại trà anh gặp thất bại. Nhớ nhất là câu chuyện hồng non bị gãy đổ, bị sâu đục thân rồi bệnh thán thư… anh bảo, nhiều đêm mất ngủ để mò mẫm tìm cách xử lý sâu, bệnh bằng thủ công, nhưng duy có bệnh thán thư thì anh hao hụt mất khá nhiều cây giống do bệnh nan y. Đi học tập kinh nghiệm tại xã Bình Phú (Chiêm Hóa) anh được chỉ cách dùng nước vôi phun rửa vườn 6 tháng 1 lần, do cách làm đúng, cũng từ đó thán thư dần được đẩy lùi, vườn hồng bắt đầu vào chu kỳ phát triển theo đúng ý người trồng.
Tự học, tự làm
Anh Lành chia sẻ, đến thời điểm này, anh bén duyên với cây hồng không hạt được chừng 10 năm, nhưng anh tự hào là người làm thành công, bởi sự kiên trì, mọi việc chăm sóc, cải tạo vườn đều do anh tự học, tự làm và mang lại hiệu quả. Trong góc nhà ngoài những chồng sách, giáo án phục vụ việc dạy học, chúng tôi thấy la liệt các hộp để dao, để kìm và rất nhiều ni lông, dây thít… Anh Lành cười nói, đây là dụng cụ để ghép các mắt hồng, anh mày mò, tự học qua Youtube và đến giờ có thể ghép sống tỷ lệ đến 90%.
Là người vốn cẩn thận, dưới các gốc hồng anh đều gắn bảng số để tiện theo dõi chu kỳ sinh trưởng. Theo anh, chăm sóc hồng thực sự dễ, chỉ cần nắm vững khung thời vụ là sẽ thành công. Nếu chăm sóc tốt, mỗi cây hồng cho thu khoảng 80 kg quả, ước đạt 1,5 triệu đồng, đơn cử như năm 2023, gia đình anh Lành thu lãi gần 200 triệu đồng từ bán hồng.
Hồng không hạt ở Khâu Tinh được đánh giá là ngọt, ngon hơn nơi khác.
Năm 2023, anh có quyết định khá “táo bạo” tự tay cải tạo vườn bằng tận dụng gốc hồng quả nhỏ, đốn hạ và ghép mắt hồng quả to LT1 để cải tạo giống. Anh cho biết, từ tháng 6 âm lịch đến nay, anh cải tạo được 3/4 vườn, hứa hẹn hết tháng 9 âm lịch sẽ hoàn thành quá trình cải tạo giống. Anh giải thích, giống hồng LT1 có khối lượng nặng hơn, trung bình từ 10 - 12 quả/kg, chín đúng dịp tháng 8 âm lịch, được ưa chuộng nên đầu ra cũng ổn định hơn.
Trưởng thôn Khau Phiêng, Phùng Văn Vàng năm nay cũng “bén duyên” với cây hồng không hạt, được anh Lành tư vấn về cách trồng, chăm sóc, anh Vàng tỏ ra khá “tâm huyết” giống cây trồng mới. Anh Vàng chia sẻ, lúc đầu thấy anh Lành trồng cây mới cũng khá hoài nghi, nhưng sau vụ quả năm 2022 và 2023 thì anh đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của mình. Đến nay gia đình anh cũng có gần 100 gốc hồng, anh Vàng quả quyết, có người dìu dắt chắc chắn sẽ thành công.
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã cho biết, thật sự không nghĩ cây hồng không hạt lại bén duyên hiệu quả tại Khâu Tinh đến như vậy. Trước đây, xã đã có người trồng thử cam, chanh, bưởi nhưng đều không mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Hiện toàn xã Khâu Tinh có 19,3 ha cây ăn quả, đây là con số vô cùng nhỏ so với tiềm năng đất đai của xã, tương lai cây hồng không hạt được khuyến khích trồng mở rộng, giúp người dân có thêm “cần câu” để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Được hỏi về mơ ước của anh Lành trong thời gian tới, anh mong nhiều hộ dân trong xã cùng trồng và tương lai sẽ có sự liên kết với nhau để cùng tiêu thụ sản phẩm. Là người đi trước, anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc, nếu mọi chuyện thành công cây hồng sớm thành một sản phẩm đặc sản mới của xã trong tương lai.
Gửi phản hồi
In bài viết