Niềm tin là sự sống

- Ung thư là căn bệnh hiểm nghèo. Dẫu biết rằng, bị căn bệnh này là đối mặt với cái chết, song cơ hội vẫn mở ra đối với những ai vững tin trong cuộc sống và một điều quan trọng là mỗi bệnh nhân cần giữ cho mình một tinh thần lạc quan và niềm tin vào khoa học…

Rơi xuống vực sâu

Nhớ lại cách đây 14 năm khi nhận được kết quả sau một lần đi kiểm tra sức khỏe, hai vợ chồng ông N.V.T, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang), “khóc như mưa” khi nghe bác sĩ trả kết quả ông bị ung thư đại tràng. Đầu óc rối loạn, chân ông không bước nổi, ông như “chết lặng”. Sau một hồi trấn an, vợ ông an ủi rồi dìu ông ra xe về lại quê nhà. Những ngày sau đó vô cùng khủng khiếp đối với ông, dù vợ và các con luôn ở bên cạnh động viên. “Đau đớn lắm! Cả đời vất vả, đến lúc con cái trưởng thành bắt đầu nhàn đi một tí, rồi lại cứ nghĩ mình sắp chết, bỏ lại vợ con, khiến tôi không cầm được nước mắt...” - ông T. nhớ lại.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thăm hỏi động viên bệnh nhân mắc ung thư điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang.

Hơn 2 năm trước, những cơn đau nửa đầu bên phải khiến anh H.V.T, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) ăn ngủ không yên. Anh uống thuốc giảm đau nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Thấy vậy, gia đình đã đưa anh đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để khám. Sau khi khám, làm các xét nghiệm và chụp cộng hưởng từ (chụp MRI) để tìm ra bệnh. Chừng gần 3 giờ đồng hồ sau, anh nhận được kết quả nghi ngờ anh bị ung thư vòm họng. Sau đó bác sĩ chỉ định cho anh đi làm nội soi, bác sĩ cho biết “khả năng ung thư” vòm họng khá cao và động viên anh lạc quan và làm thêm sinh thiết tế bào ung thư.

Hơn tuần sau, vợ chồng anh như rụng rời chân tay khi nhận được kết quả anh bị bệnh ung thư, khối u nằm trong vòm họng. “Tôi thực sự choáng váng, tưởng như rơi xuống đáy vực sâu. Cảm giác đớn đau tột cùng. Hình ảnh những người thân yêu lần lượt trôi qua trong tâm trí. Lúc này vợ tôi đã dìu tôi, gắng gượng động viên: “Đừng bi quan anh nhé! Các bác sĩ bảo việc điều trị có khả quan, anh sẽ khỏi bệnh” - anh H.V.T. chia sẻ.

Ung thư không phải là kết thúc

14 năm đối diện với bệnh ung thư trực tràng, ông N.V.T, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) trải qua 2 lần thập tử nhất sinh tưởng chừng như không qua khỏi. Nhưng chính sự lạc quan đã giúp ông bình tĩnh tiếp nhận trị liệu và chiến thắng bệnh tật. “Giờ đây, tôi đã trở lại chăm sóc gia đình, được làm việc mình thích, được thực hiện những điều còn dang dở”. Ông T. chia sẻ: Trong cuộc đời mỗi người, sức khỏe, nghị lực và niềm tin là điều không thể thiếu. Bệnh tật là điều con người không thể lựa chọn. Bởi vậy, thay vì từ chối, hãy chấp nhận, giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan, tuân thủ phác đồ điều trị và hướng dẫn của bác sĩ.

Một ca phẫu thuật cắt u đại tràng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Hơn 2 năm điều trị ung thư đến nay anh H.V.T, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) sức khỏe đã ổn định hơn. Anh T. chia sẻ: “2 năm kiên trì tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, liệu pháp hóa xạ trị đã vắt kiệt sức lực của tôi. Như bao bệnh nhân ung thư khác hóa xạ trị là một “cửa ải” vô cùng khó khăn. Không chỉ là những cơn đau bất tận về thể xác mà hóa chất còn tra tấn bệnh nhân cả mặt tinh thần. Suốt cả tháng trời mất ngủ triền miên, đêm đến không thể chợp mắt dù cơ thể đã mệt mỏi rã rời. Phải căng mình chịu đựng những tác dụng phụ từ hóa chất, mệt mỏi và buồn nôn, tôi gần như không ăn uống gì được, cân nặng lúc đầu 68 kg chỉ còn 48 kg, không khác gì một bộ da bọc xương. Đã có lúc tôi từng giả vờ vui cười để che đậy, đè nén những nỗi đau, những lúc muốn bật khóc nức nở nhưng tôi lại cười, rồi có lúc muốn ai đó ôm mình vào lòng khi tôi muốn gục ngã tôi lại cố tỏ ra mạnh mẽ. Tất cả những điều tôi làm chỉ vì lo sợ người thân đau lòng. Thậm trí có những lúc tôi muốn buông bỏ, chấp nhận và không điều trị nữa. Với sự động viên của gia đình, người thân và đặc biệt là sự động viên, chăm sóc chu đáo của bác sĩ đã giúp tôi quyết tâm điều trị. Tôi rất mừng vì sau hơn 2 năm điều trị đến nay sức khỏe của tôi cũng đang hồi phục rất tốt”.

Tạo môi trường thân thiện

- Bác cài cúc áo vào, chiều nay được ra viện rồi ạ - Bác sĩ Kiều Thị Diễm Thu, khoa Hô hấp, Tim mạch, Tâm thần kinh và Ung bướu, Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa vừa cẩn thận chỉnh lại quần áo cho bệnh nhân N.B.N, vừa ân cần nói.

- Bác tự làm được, vẫn còn khỏe mà - Ông N. tươi cười, ngồi thẳng lưng để bác sĩ Thu giúp đỡ.

Phòng bệnh nơi ông N. nằm điều trị có 3 bệnh nhân, tất cả đều bị ung thư giai đoạn IV song được các y, bác sĩ ở đây chăm sóc chu đáo nên mọi người luôn có cảm giác gần gũi, thoải mái. Ông N.B.N, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) chia sẻ, cách đây 3 năm khi ông phát hiện mình bị ung thư đại tràng, ông được con cháu đưa về Bệnh viện K Tân Triều (Hà Nội) chữa trị. Tuy nhiên, lúc đó gặp đại dịch Covid-19 nên ông chuyển về Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa để điều trị. Cứ nghĩ sẽ điều trị tạm thời tại đây rồi trở lại Bệnh viện K Tân Triều song nhận thấy sức khỏe tiến triển tốt nên từ đó đến nay, ông đã quyết định không chuyển viện nữa. Ông N. tâm sự: “Các y, bác sĩ ở đây rất chu đáo, tận tình với người bệnh, giúp chúng tôi yên tâm điều trị. Chúng tôi luôn coi các y, bác sĩ như người thân trong nhà”.

Điều dưỡng khoa Hô hấp, Tim mạch, Tâm thần kinh và Ung bướu chăm sóc bệnh nhân ung thư đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hoá.

Cùng bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đi thăm các phòng bệnh, tôi bất ngờ thấy nhiều bệnh nhân gọi tên bác sĩ Sơn với tình cảm thân thiết gần gũi. Vừa thấy bác sĩ đến thăm, bệnh nhân H.M.Q, huyện Na Hang, nằm ở giường phía trong cố xoay người ngồi dậy. Đây là trường hợp được chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn IV. Thấu hiểu được tâm lý bệnh nhân, bác sĩ Sơn nhẹ nhàng động viên, hỏi thăm về tình trạng sức khỏe; đồng thời căn dặn các y, bác sĩ điều trị theo đúng phác đồ đã định. Nghe thấy vậy, bệnh nhân Q. khẽ nở nụ cười, gương mặt tươi tỉnh lại. Bệnh nhân Q. vừa nhập viện được nửa tháng. Hiện sức khỏe của bệnh nhân đang được hồi phục dần, tuy nhiên vẫn cần tập trung điều trị tích cực.

Là bác sĩ đầu tiên của tỉnh được đào tạo chuyên ngành ung thư, gắn bó với bệnh nhân ung thư từ những ngày thành lập khoa (12 năm), bác sĩ Sơn luôn thấu hiểu những nỗi niềm, suy nghĩ của người đang mắc phải căn bệnh quái ác này. Không giống những bệnh nhân khác, bệnh nhân ung thư thường có tâm lý bi quan, lo lắng. Đã có không ít trường hợp nghĩ quẩn, tìm đến cái chết. Bởi vậy, bên cạnh việc có phác đồ điều trị tốt thì sự động viên, chăm sóc chu đáo, ân cần của các y, bác sĩ đối với họ là hết sức quan trọng.

Ung thư là căn bệnh nan y cần chữa trị trong thời gian dài. Thế giới và Việt Nam đã áp dụng những phác đồ điều trị, những loại thuốc chữa trị ung thư hiệu quả. Người bệnh có thể lui bệnh, duy trì sức khỏe ổn định, nhưng phụ thuộc rất nhiều vào việc họ học các kỹ năng quản lý và hiểu không chỉ căn bệnh, mà cả cơ thể và tâm lý của bản thân mình.

Minh Hoa

Tin cùng chuyên mục