Dấu ấn tuổi trẻ Ba sẵn sàng

- Trong 8 năm chống Mỹ cứu nước (1965 - 1972), có 70.000 lượt thanh niên Tuyên Quang tham gia phong trào “Ba sẵn sàng”, đóng góp hơn 1,2 triệu ngày công, hơn 3.000 đoàn viên vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng… Những con số ấy không chỉ là thống kê, đó là minh chứng sống động cho một thế hệ trẻ Tuyên Quang anh dũng, kiên cường góp phần cùng quân dân cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ năm 1964, trước tình hình đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam, mở rộng chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, hưởng ứng lời kêu gọi thiêng liêng của Bác Hồ, của Đảng, của Đoàn, đông đảo nam nữ thanh niên Tuyên Quang đã hòa mình vào phong trào “Ba sẵn sàng” - một phong trào hành động cách mạng lớn của tuổi trẻ cả nước. Với tinh thần sắt son: “Sẵn sàng chiến đấu và gia nhập lực lượng vũ trang. Sẵn sàng học tập và lao động xây dựng cuộc sống mới. Sẵn sàng đi tới nơi nào mà Tổ quốc cần đến”.

Thanh niên các dân tộc ở Tuyên Quang hăng hái tòng quân chi viện tiền tuyến (1967). 

Phong trào “Ba sẵn sàng” nhanh chóng lan tỏa sâu rộng trong thanh niên toàn tỉnh. Khắp các mặt trận hậu phương và tiền tuyến, đoàn viên, thanh niên của tỉnh đều để lại dấu ấn. Trong 4 năm (1965 - 1968) trên 1,2 triệu ngày công lao động đã được huy động từ lực lượng đoàn viên, thanh niên, góp phần xây dựng trận địa, phục vụ chiến đấu, làm đường chiến lược, đào hầm trú ẩn, tổ chức sản xuất đảm bảo hậu cần.

Bà Lương Thị Ninh, nguyên Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong huyện Na Hang nhớ lại: “Năm 1966 ở làng, xã tôi rộn ràng trong phong trào “Ba sẵn sàng”, lúc bấy giờ tôi mới 17 tuổi là Đoàn viên xã Nhân Lý (Chiêm Hóa). Tôi cùng mọi người trong Chi đoàn làm đường mở lối cho xe cơ giới tại địa phương. Rồi theo lời kêu gọi thiêng liêng của Bác Hồ gửi tới thanh niên cả nước, tôi tham gia thanh niên xung phong ở đơn vị N13 P38 thuộc Ty Giao thông quản lý. Trong chiến tranh, mục tiêu đánh phá của đế quốc Mỹ luôn là các bến phà, cầu cảng, chúng tôi có nhiệm vụ làm đường tránh bến phà Bợ, rồi sau đó làm đường vào mỏ than Linh Đức, làm đường lên Chiêm Hóa, đường khu ATK… Ngày đó việc cuốc ta luy, đục hố để nổ mìn đều làm thuần túy bằng các dụng cụ lao động thủ công như xà beng, cuốc xẻng. Ăn uống kham khổ, độn sắn, độn ngô nhưng nhiệt huyết, trong lòng vẫn giữ một niềm tin tuổi trẻ mình đang sống cho điều lớn lao hơn bản thân là cho độc lập, cho hòa bình”.

Với những đóng góp to lớn, bền bỉ và giàu tinh thần cách mạng của tuổi trẻ Tuyên Quang, các tổ chức đoàn thể như Đoàn thanh niên huyện Yên Sơn, Đội thanh niên xung phong N61 đã vinh dự được Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Nhiều cơ sở đoàn được nhận cờ thi đua Nguyễn Văn Trỗi - biểu tượng cao nhất cho tinh thần dấn thân, dũng cảm của tuổi trẻ kháng chiến.

Không chỉ có ý nghĩa to lớn trong thời chiến, hôm nay, tuổi trẻ Tuyên Quang tiếp tục viết tiếp hành trình “Ba sẵn sàng” bằng những công trình, phần việc cụ thể, thiết thực và đầy trách nhiệm xã hội. Từ “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”, đến “Chương trình tiếp sức mùa thi”, “Công trình thắp sáng đường quê”, rồi những hoạt động nhân đạo, từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, hiến máu tình nguyện, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới… đâu đâu cũng thấy màu áo xanh tình nguyện, ánh lên niềm tin, lòng nhiệt huyết và khát vọng cống hiến. Họ không ngại khó, không ngại khổ, luôn sẵn sàng trước những nhiệm vụ mới, thử thách mới - đúng như phương châm bất hủ: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”.

Mai Dung

Tin cùng chuyên mục