Dấu lặng từ những cuộc hồi hương

- Những cuộc hồi hương đang bắt đầu đổ về khu vực phía Bắc, trong đó có Tuyên Quang. Công dân trở về từ các tỉnh phía Nam và được cộng đồng giang rộng vòng tay chào đón. Những suất ăn miễn phí, xăng xe, nhu yếu phẩm… thiết yếu được các tổ chức chính trị, xã hội, các mạnh thường quân hỗ trợ kịp thời.

Tỉnh cũng vừa có kế hoạch đón công dân từ các tỉnh miền Nam có nhu cầu trở về địa phương. Trong đó, những công dân trở về đợt này sẽ được miễn tiền vé tàu, tiền xe ô tô đưa đón về địa phương. Những cuộc hồi hương, nhờ thế, bớt cô đơn hơn.

Nhưng, cuộc hồi hương này, đặt ra cho chúng ta nhiều dấu hỏi. Họ - đa phần là nông dân – đều là những lao động bậc thấp. Những thân phận người trên những chiếc xe máy “trôi” hàng nghìn km, gần như đã chạy qua cả chiều dài đất nước, cũng chỉ để làm công nhân, lĩnh những tháng lương 5-7 triệu đồng. Tỉnh cũng có hàng chục nhà máy ở các khu, cụm công nghiệp, mức lương công nhân các nhà máy trả cũng tương đương, tại sao, số lượng người “vượt biên” ra khỏi tỉnh vẫn nhiều đến thế? Phải chăng đấy mới là miền đất hứa, để họ có cơ hội thay đổi cuộc đời?

Tôi có cô em họ vào Bình Dương làm công nhân từ gần chục năm trước, khi các nhà máy, doanh nghiệp căng pa-no, tờ rơi tìm kiếm lao động khắp các thôn, bản vùng cao. Trụ lại ở Bình Dương, rồi lấy chồng, sinh con, nhưng vài năm, mới thấy mấy mẹ con về quê một lần – khi nhà có việc. Em bảo, buồn nhất là những ngày lễ Tết, trong khi mọi người đoàn viên, thì gia đình mình chăm chút nhau ở phòng trọ. Là bởi, mức lương ấy, cộng với từng đấy con người trong một gia đình, đủ ăn đã là tốt, chứ không nói đến dành dụm. Mỗi một chuyến về quê, cũng phải ngót nghét cả chục triệu đồng. Em đành nén nỗi nhớ quê nhà, ở lại mưu sinh.

Tuyên Quang được đánh giá là mảnh đất có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp hàng hóa. Những vùng chuyên canh rộng lớn đã hình thành. Thế nhưng, qua khảo sát của ngành nông nghiệp, một số vùng sản xuất đang thiếu lực lượng lao động trầm trọng, nhất là những nghề đòi hỏi nhiều lao động như vùng nguyên liệu mía, vùng nguyên liệu gỗ. Một số xã giáp với Vĩnh Phúc, nhiều thửa ruộng đã bỏ cấy vài vụ do lao động đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp ở tỉnh bạn khá nhiều. Mức thu nhập ổn định, trong khi thu nhập từ ruộng đồng bấp bênh, lại không cao, khiến nhiều gia đình, đặc biệt là gia đình trẻ, cả hai vợ chồng đều đi làm công nhân.

Các doanh nghiệp cũng có nhiều cách để thu hút người lao động. Doanh nghiệp bố trí xe đưa đón, “sáng đón tận nhà, chiều trả tận ngõ”. Thành ra, những nông dân dần cởi bỏ chiếc áo nâu mà khoác lên mình những chiếc áo đồng phục công ty. Không phủ nhận, mức thu nhập đều đặn từ công việc ấy đã giúp nhiều gia đình nâng cao thu nhập, thay đổi cuộc sống; nhiều xã hoàn thành tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới. Thế nhưng, cũng không phải không có dấu lặng, khi ly hương, đồng nghĩa với cả ly nông. Những mảnh đất bờ xôi ruộng mật có nguy cơ bỏ hoang, không người cấy hái. Và nhãn tiền nhất, một trong nhiều lý do chính khiến diện tích mía nguyên liệu của cả tỉnh giảm rất nhanh trong vài năm gần đây, là do thiếu lao động nông nghiệp.

Lời giải để nông dân, nhất là khu vực nông thôn có thể ổn định cuộc sống mà không cần phải tha hương cần phải có thời gian dài và có chiến lược cụ thể. Trong đó, chính quyền cần thu hút mạnh mẽ hơn nữa các doanh nghiệp - nhất là các doanh nghiệp về nông nghiệp - đầu tư về địa phương nhằm giải quyết lượng lao động rất dồi dào ở khu vực nông thôn. Mối liên kết nhiều nhà (nhà nông – nhà nước – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp – nhà băng) cần chặt chẽ hơn, để các chuỗi liên kết được hình thành bền chặt. Tránh những điệp khúc “giải cứu”, “được mùa mất giá, mất mùa được giá” để nông dân thêm lý do không mặn mà với ruộng vườn.

Các giải pháp thu hút đầu tư của tỉnh cũng đã bắt đầu thu được trái ngọt. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, sau một thời gian ngắn, đã mở rộng quy mô sản xuất, thu hút thêm hàng nghìn lao động địa phương. Vừa rồi, cô em họ tôi về quê chịu tang mẹ từ trước khi đợt dịch bùng phát tại các tỉnh miền Nam và “mắc kẹt” lại tỉnh, đã tìm được việc làm tại các nhà máy ngay gần nhà. Đến giờ, em không có ý định trở lại “miền đất hứa” nữa. Em bảo, chờ mấy hôm dịch được kiểm soát, em động viên chồng bắt tàu ra đoàn tụ và tìm việc làm ở quê luôn. Ở quê, nếu chẳng may dịch giã xảy ra, vẫn còn có ruộng đồng để tăng gia sản xuất. Chứ ở nơi xa xứ, thời điểm dịch giã, vợ chồng con cái chỉ biết nằm trong phòng trọ… chờ đợi.

Những cuộc hồi hương, hi vọng sẽ không phải là hành trình tạm bợ, để nối dài thêm những chuyến đi xa. Dịch bệnh chưa có hồi kết, quê hương, dẫu còn nghèo, nhưng vẫn luôn là “chùm khế ngọt” đón những người con xa xứ trở về!

Hải Lâm

Tin cùng chuyên mục