Hãy trung thực với chính mình

Trong quy định mới đây, tất cả cán bộ công chức, những người có chức vụ đều phải kê khai tài sản cá nhân. Những tài sản mà họ sở hữu có giá trị như nhà cửa, đất đai, vàng bạc, ô tô, cổ phiếu… Tất tần tật những thứ gì có giá trị trên 50 triệu đồng.

Việc kê khai là cần thiết. Chỉ có việc kiểm soát số tài sản mới giúp công cuộc chống tham nhũng có hiệu quả và có thể làm căn cứ thu hồi lại tài sản cho nhà nước nếu phát hiện có sự tham nhũng trong quá trình thực thi công vụ.

Công việc này cũng đã khiến cho một số người có chức có quyền và đang sở hữu khối tài sản khổng lồ mất ăn mất ngủ.Họ suy nghĩ về nguồn gốc số tài sản hiện có mà cân nhắc việc kê khai hay không kê khai.

Đối với tôi, việc kê khai ấy thật nhẹ nhàng.

Nhìn lại suốt quãng thời gian làm việc, nhìn vào bảng kê khai hóa ra mình chẳng có tài sản vật chất nào thực sự đáng giá. Đây nhé: Ngôi nhà là của bố mẹ chồng, sổ đỏ còn mang tên ông bà. Bây giờ nếu có muốn thế chấp vay tiền cho con đi học nước ngoài thì cũng không thể làm được thủ tục với ngân hàng vì mình đâu phải chính chủ. Xe máy thì tàng tàng chưa đáng giá 50 triệu đồng… Ngồi bóp trán suy nghĩ bỗng nhớ ra tài sản đáng giá nhất là hai đứa con thì lại không nằm trong mục kê khai. À còn nữa, là những cuốn sách đã xuất bản, những công trình trí tuệ. Nếu ở nước ngoài thì tiền bản quyền cũng là một khoản thu nhập đáng kể khi về hưu. Nhưng mà ở ta thì họ vô tư copy, sách in rồi thì chỉ đem tặng. Mà tri thức có giá bao nhiêu ai mà định giá được. Mình nghĩ là sách mình quý thế, nhưng sách đâu có nằm trong mục kê khai…

Ngẫm mình rồi lại ngẫm đến người.

Đợt trước, trong buổi báo cáo công khai tài sản, một đồng nghiệp trẻ kê khai đến mấy trang giấy A4. Một danh sách dài những quyền sở hữu nhà, đất. Chóng cả mặt khi người ta đọc tên đất, số sổ đỏ, sổ hồng. Kê khai lần đầu, lại sắp bổ nhiệm, vì thế đồng nghiệp khai rất đầy đủ. Nhẩm tính đến gần chục cái sổ đỏ, mà đất đai toàn những khu đắt tiền. Rồi ô tô, rồi cổ phiếu…

Có người suýt xoa: trẻ mà giỏi thế. Phấn đấu học hàm, học vị, nhiều nhà đất,  đi nước ngoài…

Cũng có người tỏ ra nghi ngờ và đặt câu hỏi: Kiếm tiền thế thì không biết thời gian đâu mà làm khoa học? Nuôi dạy con cái khi nào nhỉ?

Nhưng cũng cần công bằng.

Người ta giỏi giang, kinh doanh, buôn bán, cha mẹ người ta giàu có, thừa kế… Miễn là làm sao cái sự giàu có ấy là chính đáng. Đừng nên ghen tỵ và đố kỵ.

Chỉ có những kẻ làm ăn khuất tất thì mới lo lắng vì kê khai tài sản. Có những người đã phải sang tên nhờ người nhà đứng cho vài cái sổ đỏ nhà đất. Bởi vì, nếu truy nguồn gốc thì nhà đất đó không thể lý giải được vì sao cũng là công chức nhà nước mà họ lại có thể giàu lên nhanh chóng như vậy.

Mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong bài phát biểu tại Phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021- 2026 đã chỉ đạo: "Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ, nhất là việc quản lý, nhận xét, đánh giá cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, thật sự "cần, kiệm, liêm, chính", "chí công vô tư", thật sự tâm huyết vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy chính phủ và chính quyền các cấp. Đừng "nhìn gà hóa cuốc", "đừng thấy đỏ tưởng là chín", đừng bị cám dỗ bởi những lợi ích xấu xa, những việc làm vô liêm sỉ". Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu; Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”.

Những kẻ bán rẻ danh dự để có tiền bạc, tài sản bất chính cần phải bị lôi ra ánh sáng.

Trong Luật Phòng chống tham nhũng và Luật hình sự có tội rửa tiền - những đồng tiền bẩn được hợp pháp hóa bằng những cách này cách khác để trở thành tiền sạch.

Tại Hội nghị toàn quốc ngành nội chính mới đây, Tổng Bí thư tiếp tục căn dặn cán bộ công chức ngành nội chính: “phải liêm, phải sạch, biết gương mẫu giữ mình, trọng liêm sỉ, không chịu bất cứ sức ép không trong sáng nào, bất cứ sự cám dỗ, mua chuộc nào…

Phải có đôi chân vững chắc và bàn tay sạch để đứng vững, đứng thẳng và khước từ mọi cám dỗ tầm thường, giữ danh dự của người cán bộ nội chính".

Thiết nghĩ, đó cũng là yêu cầu chung của cán bộ công chức, nhất là người có chức vụ.

Tôi có một người bạn phấn đấu mãi mới mua được cái ô tô. Anh ta đem xe về quê đưa mẹ đi ăn cỗ nhưng bà cụ nhất định không chịu lên xe. Bà bảo: “Mày làm nhà nước, công chức sống bằng lương làm sao có tiền mua được xe những mấy tỉ bạc? Mày phải nói xe này mua bằng tiền sạch hay tiền bẩn thì mẹ mới dám ngồi lên con ạ.”

Cực chẳng đã, anh phải giải trình bằng chứng từ thu nhập cho bà cụ thấy rõ. Lúc đó bà mới yên lòng ngồi lên xe, trong lòng rất vui và hãnh diện về con mình.

Sự nghiệp đổi mới của Đảng đã khích lệ đảng viên làm giàu. Không ai cấm người dân làm giàu. Tuy nhiên, giàu chính đáng mới là cái giàu bền vững.

Khi mẹ bạn bước chân lên ô tô của bạn, ngủ trong ngôi nhà của bạn được xây lên bằng mồ hôi nước mắt và sức lao động chính đáng,chắc rằng giấc ngủ của bà sẽ rất ngon. Khi chủ nhân mua chiếc xe ấy, ngôi nhà ấy bằng những đồng tiền sạch, họ luôn cảm thấy an tâm, an toàn với tài sản.

Và ngược lại.

Xét cho cùng, trong bản kê khai tài sản của mỗi người đều đã có sự tự giải trình với lương tâm của chính mình rồi. Còn nếu đánh đổi lương tâm và danh dự lấy những khối tài sản bất chính rồi kê khai gian dối, thì ngay cả mẹ bạn cũng không thể chấp nhận điều đó.

Chúng ta đang trong đợt sinh hoạt “tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa” theo Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Nên việc kê khai tài sản chính là một trong những nội dung tự soi, để trung thực với cơ quan, tổ chức; trung thực với Đảng; và hơn hết là trung thực với chính bản thân mình.

PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng

Tin cùng chuyên mục