Tôi có người bạn thân chuyển vào sinh sống ở Bình Dương ngót chục năm nay. Dịch bệnh khiến những cuộc điện thoại của chúng tôi nhiều hơn. Những khó khăn nơi tâm dịch qua lời kể của bạn khó ngòi bút nào tả xiết. Nào những đứa trẻ đang có cuộc sống đủ đầy bỗng chốc trở thành trẻ mồ côi, nào những hũ tro cốt không người nhận, nào những cái chết trong cô đơn... Để mình không phải là một trong số những nạn nhân xấu số ấy, bạn tôi thực hiện đúng phương châm: Ai ở đâu ở yên đấy. Lần nào nhận được quà thiện nguyện, bạn cũng gọi điện cho tôi với niềm vui khôn xiết.
Lần gọi này, giọng bạn xúc động hơn. Tôi nín thở lắng nghe trong tâm thế sẵn sàng chờ đợi điều tồi tệ nhất xảy ra. Nhưng cuối cùng bạn nói: “Mình nhận được quà của Tuyên Quang gửi rồi. Có gạo, có rau và cả tiền hỗ trợ nữa. Mình nhớ quê hương quá. Nhất định mình sẽ trở về”. Thì ra sự xúc động ấy đến từ niềm vui, niềm hạnh phúc khi nhận được yêu thương từ quê nhà. Đó là nguồn động viên vô giá để bạn và những người xa quê đang ở tâm dịch không rơi vào tuyệt vọng.
Càng trong gian khó, truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái lại càng được phát huy. Bởi thế mới có hàng trăm tấn nông sản (gạo, miến, củ quả…) và gần chục tỷ đồng tỉnh Tuyên Quang ủng hộ nhân dân TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, trong đó có cả người lao động của tỉnh Tuyên Quang đang sinh sống, làm việc ở nơi này. Đó còn là hình ảnh những y, bác sỹ phải kìm nén cảm xúc gửi con thơ cho người nhà chăm sóc để hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch… Con số biết nói này là minh chứng sinh động về tình cảm người dân Tuyên Quang hướng về đồng bào miền Nam, vì miền Nam ruột thịt và minh chứng cho hiệu quả của hoạt động từ thiện.
Rõ ràng, những hoạt động xuất phát từ trái tim sẽ chạm tới trái tim. Trong chuyến công tác vùng cao tôi khá bất ngờ với cách làm thiện nguyện của một số cán bộ xã. Có cán bộ kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ làm nhà cho 5 hộ nghèo. Nhưng hôm vào nhà mới, hàng xóm đến giúp đỡ làm mâm cơm cúng gia tiên mới hay thùng gạo đã trống rỗng. Đến chỗ người uống nước cũng chỉ là manh chiếu không lành lặn. Vậy là người cho gạo, người mang gà, mớ rau đến, có người ủng hộ cả bộ bàn ghế. Bữa cơm ấm cúng đó khiến chủ nhà cứ day dứt. Và tấm chân tình của bà con chòm xóm chính là động lực giúp hộ này thoát nghèo.
Làm từ thiện, chia sẻ khó khăn với những hoàn cảnh khó khăn trên tinh thần "lá lành đùm lá rách", “lá rách ít đùm là rách nhiều” là truyền thống đẹp của dân tộc. Đó là nguồn năng lượng tươi mới để mỗi hoàn cảnh vượt khó vươn lên. Tuy nhiên, xoay quanh hoạt động này, đâu đó vẫn có những lùm xùm đáng tiếc, mà tâm điểm đang thu hút sự chú ý của dư luận là chuyện làm từ thiện của giới nghệ sỹ. Chưa bao giờ những lời xin lỗi của nghệ sỹ đối với khán giả, những yêu cầu chứng minh sự trong sạch của nghệ sỹ từ khán giả lại xuất hiện nhiều và dữ dội như hiện nay. Buồn thay, khi bị “sao kê chiếu mệnh”, không ít những phát ngôn của văn nghệ sỹ càng khiến dư luận bất bình.
Khán giả chưa bàn đến chuyện ai đúng, ai sai. Họ cũng không phán xét bởi đâu đó họ vẫn hi vọng niềm tin không đặt nhầm chỗ. Vì thế, điều dư luận cần lúc này là sự công khai minh bạch. Đó là đòi hỏi chính đáng.
Tôi có 2 con nhỏ, cháu bé đang học mẫu giáo, cháu lớn học lớp 4. Tháng nào các khoản đóng góp của học sinh cũng được kê khai cẩn thận, có chữ ký của từng phụ huynh dẫu tổng các khoản chưa tới một triệu đồng. Và trong dịp Tết Trung thu vừa rồi, phụ huynh đóng góp dù chỉ một đồng cũng được công khai. Đến việc tiêu số tiền nhỏ bé ấy cũng chi tiết không thiếu một xu. Hay sáng nay, trong nhóm Zalo của tổ dân phố, danh sách số tiền ủng hộ Quỹ vắc xin phòng chống Covid của từng người, từng gia đình cũng được công khai cẩn thận. Ở đó có cả chứng từ nộp tiền để người dân tin tưởng.
Rõ ràng, đã là đóng góp, ủng hộ thì một đồng cũng đáng trân trọng và người ủng hộ có quyền được biết đồng tiền ấy được chuyển đến đâu. Khi có luồng thông tin trái chiều về việc làm từ thiện không minh bạch, thậm chí là trục lợi từ hoạt động này, sẽ dẫn tới những nghi hoặc và xa hơn là đổ vỡ niềm tin từ cộng đồng. Điều đó cũng lý giải sự không hài lòng của cộng đồng khi những chắt chiu tiền bạc của mình gửi cho một ai đó với mục đích cứu người nhưng bị dùng sai mục đích hoặc chậm trễ, nhất là trong thời buổi khó khăn chung thế này.
Bởi thế, người được trao gửi niềm tin để đứng ra làm từ thiện suy cho cùng tâm phải đủ thiện. Đủ thiện để hiểu rằng, mình phải làm nhanh, làm đủ, làm đúng những gì mình đã hứa chuyển đến cho người nghèo khó, đang nguy cấp. Đủ thiện để hiểu rằng, số tiền ấy, món quà ấy đến sớm một ngày có thể thay đổi mọi thứ. Với thiên tai, dịch bệnh cũng thế, đó là vấn đề cực kỳ cấp bách, cái tâm đó thúc chúng ta không thể chờ đợi một ngày.
Vẫn biết vấn đề đặt ra là cần làm từ thiện quy củ hơn, chuyên nghiệp và cần có những điều chỉnh bằng các quy định cụ thể của pháp luật. Nhưng trên hết, cái tâm của mỗi người sẽ điều khiển hành vi làm từ thiện. Đó là gốc, là bản chất của việc làm từ thiện, để hoạt động thiện nguyện trở về đúng chân giá trị của nó.
Gửi phản hồi
In bài viết