Nghĩ từ câu chuyện Hòn đá thề

- Cách đây tròn 76 năm, tại Tân Trào, Sơn Dương, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp, quyết định chớp thời cơ Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, Hội nghị đã cử ra Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Tiếp đó, ngày 16 và 17/8/1945 Quốc dân đại hội Tân Trào (như một Hội nghị Diên hồng của đất nước) đã họp. Quốc dân Đại hội Tân Trào tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng và mười chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh…

Đã có rất nhiều mục tiêu được đề ra khi đó, nhưng thực hiện được nó trong bối cảnh lúc ấy thật là cả một thử thách lớn. Là người đứng đầu và chịu trách nhiệm cho sự thành bại của cuộc Cách mạng Tháng Tám, Bác Hồ đã trăn trở. Để thể hiện quyết tâm lãnh đạo Cách mạng giành thắng lợi, Bác đã thề trước quốc dân đồng bào. Lời thề kiên quyết lãnh đạo nhân dân chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc, cho nhân dân. Lời thề Cách mạng đã thành hiện thực thôi thúc nhân dân vùng lên  đánh đổ chính quyền thực dân phong kiến, đánh đuổi giặc ngoại xâm để rồi ngày 2/9/1945, trước Quảng trường Ba Đình lịch sử, Hồ Chủ tịch đã trịnh trọng tuyên bố với quốc dân đồng bào, với toàn thể thế giới khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Hòn đá thề trước cửa định Tân Trào chính là một trong những chứng tích ghi dấu lời thề cách mạng. Bác Hồ đã dẫn dắt toàn dân thực hiện thành công lời thể đó. Hòn đá bé nhỏ mà ý nghĩa thì vô cùng lớn lao...

Tân Trào bây giờ là Di tích quốc gia đặc biệt. Hòn đá này là một phần không thể tách rời, mang tính biểu tượng trong khu di tích. Mỗi lần đến đây, đứng bên hòn đá thề thiêng liêng, chúng ta vẫn tưởng như đâu đó còn vang lên những lời thể độc lập.  Hòn đá vô tri khiến chúng ta không thể không có những suy tư liên tưởng về những bài học ý nghĩa mà về lời thề trong cuộc sống hôm nay. Thề và giữ lời thề, thực hiện lời thề đâu còn là chuyện xa lạ. Việc này đã và đang trở thành những câu chuyện, những bài học trong cuộc sống của mỗi chúng ta hôm nay.

Ảnh: Nguyễn Ngọc.

Là một bí thư chi bộ, nhiều năm qua, chi bộ tôi đã kết nạp rất nhiều các đồng chí đảng viên mới vào Đảng. Một trong những thủ tục quan trọng của lễ kết nạp là đảng viên mới cần phải đọc lời thề trước cờ Tổ quốc, cờ Đảng và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những thủ tục này lặp đi lặp lại nhiều lần với nhiều đảng viên trẻ. Có một điều đáng mừng là tất cả các đảng viên trẻ đều thuộc những lời thề đó và khi giơ nắm tay thề, họ thể hiện rõ một quyết tâm sắt đá cho con đường đã chọn. Cũng có một vài lần, vài bạn đảng viên trẻ là sinh viên trẻ đã hơi ngập ngừng, ấp úng sử dụng sự trợ giúp khi phải liếc nhìn vào tờ giấy ghi những lời thề đó.

Tan buổi lễ, tôi đã gặp họ và có ý nhắc nhở. Họ phân trần rằng: Có lẽ là buổi lễ thiêng liêng trang trọng quá đã khiến chúng em hồi hộp nên tự nhiên quên mất. Thậm chí có bạn đã không ngại ngần mà thẳng thắn nói thật suy nghĩ của mình: rằng đó chỉ là một thủ tục và thấy nó cũng có vẻ hình thức. Tôi chợt hiểu, thì ra không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa của nghi lễ và giá trị của những lời thề đó.

Thế là chúng tôi đã có một buổi trao đổi xung quanh câu chuyện những lời thề đảng viên. Tôi đã kể cho các đảng viên trẻ nghe một câu chuyện về thủ tục khi một người Việt Nam hiện đang sinh sống ở Mỹ muốn trở thành một công dân của nước Mỹ. Để được nhập quốc tịch và để được cấp thẻ cư trú và được công nhận là công dân Mỹ, họ cũng phải thực hiện một nghi lễ trang trọng. Nghi lễ đó là phải đọc thuộc lời thề trước quốc kỳ và trước đại diện chính quyền địa phương nơi cư trú. Chị bạn của tôi kể rằng: Chị đã bị đánh trượt tới 3 lần do vốn tiếng Anh của chị hơi kém khiến chị đã ấp úng khi tuyên thề. Nhưng rồi sau lần thứ ba, có một người làm công tác xã hội đã đến tận nhà và hỏi chị rằng: Bạn có thực sự hiểu những lời thề đó không? Và điều quan trọng là bạn có thực sự muốn thực hiện những điều bạn thề? Nếu bạn hiểu và thực sự muốn thực hiện thì bạn có thể nói bằng tiếng Việt, tức là tiếng mẹ đẻ của bạn. Chị đã rất ngạc nhiên. Người đó giải thích: Khi bạn hiểu và thực hiện thì tức là bạn đã thề với chính bạn. Hội đồng chỉ là người chứng giám cho bạn mà thôi…

Từ câu chuyện đó, tôi đã chia sẻ suy nghĩ với các bạn đảng viên trẻ rằng: Có những nghi lễ tưởng rằng chỉ là hình thức nhưng nó lại mang yếu tố quyết định cho thái độ, hành vi và cho chí hướng của mỗi con người trong tương lai  cho dù bạn là ai, cho dù bạn chỉ làm một công dân bình thường như hang tram triệu người khác hay bạn đứng trong một tổ chức của những người ưu tú…

Như vậy, điều quan trọng là bạn không chỉ thuộc lòng những lời thề đảng viên đó mà còn phải nhớ và phải thực hiện nó suốt cả cuộc đời mình, một khi bạn đã hiểu và quyết tâm đi theo con đường mà mình đã chọn. Nếu bạn làm được như thế thì cũng có thể châm trước nếu hôm nay còn chưa thật thuộc lòng những lời thề đó. Tôi cho các bạn trẻ xem bức ảnh Hòn đá thề ở khu di tích lịch sử Tân Trào và kể câu chuyện Bác Hồ đã thề và thực hiện lời thề đó như thế nào.

Thực tế thì hiện nay, ở đâu đó vẫn có những người thuộc lòng những lời thề, nhưng khi có những lợi ích khác họ sẽ sẵn sàng quên đi lời thề đó. Những năm qua, trong công cuộc đổi mới, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng do Đảng phát động, đã có một số người nắm giữ trách nhiệm quản lý tài sản của Đảng và Nhà nước đã tham ô, tham nhũng hay đã thay đổi lối sống, xa rời nhân dân…. Những điều đó Đảng biết, nhân dân biết và pháp luật đã không bỏ qua khi mà họ đã làm trái với lời thể năm nào, họ đã xa rời nhân dân, vi phạm các nguyên tắc, vi phạm những điều Đảng viên không được làm. Những người đó, ngoài miệng thì hô to khẩu hiệu “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức phong cách Hồ Chí Minh” nhưng thực chất thì họ đã quên hết những gì mà họ từng thề với Đảng, với Bác…Họ đã phản bội lại chính những lời thề đảng viên. May mà số người như họ không phải là nhiều.

Vào những ngày Tháng Tám lịch sử này, kể lại câu chuyện Hòn đá thề cũng là để nhớ lại một bài học sâu sắc. Bác Hồ đã dạy chúng ta hãy biết gìn giữ và quyết tâm thực hiện những lời thề.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh

Tin cùng chuyên mục