Hơn bao giờ hết cùng với tinh thần “phải chiến thắng cho bằng được”, “muôn người như một” đã làm lay động cả triệu triệu trái tim người Việt. Đó là những trái tim cùng chung một khát vọng chiến thắng dịch bệnh. Lời kêu gọi ấy cũng chính là lời hiệu triệu tất cả hãy cùng nhau vượt qua hoạn nạn để đồng sức, đồng lòng cùng Đảng, Nhà nước quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi và khống chế dịch bệnh.
Cảm xúc lắng đọng ấy, khát vọng vì một thế giới bình yên ấy trong mỗi chúng ta cũng trào dâng khi trước đó được theo dõi Lễ khai mạc Thế vận hội mùa hè Olympic Tokyo 2020 trên nền bài hát "Imagine" của Jonh Lennon. Bài hát cất lên trong bối cảnh hàng trăm triệu người phải theo dõi lễ khai mạc từ xa nhưng không làm giảm đi sự xúc động. Điều có ý nghĩa nhất ở sự kiện thể thao lớn nhất thế giới này có lẽ không phải là những tấm huy chương, thành tích thi đấu nữa mà có lẽ là tình đoàn kết con người ở tất cả các quốc gia trên trái đất. Bài hát đã vẽ lên một khát vọng về một thế giới bình yên, vượt qua khó khăn của đại dịch Covid - 19 gây ra.
Khát vọng được sống bình yên, không còn dịch bệnh có lẽ là điều luôn thường trực trong mỗi chúng ta khi mà mỗi ngày mở mạng, đọc báo, xem ti vi, nghe đài, chúng ta đều nhói lòng khi có hàng nghìn ca mắc mới.
Không khỏi xót xa trước hình ảnh hàng nghìn người vượt hàng nghìn cây số bằng xe máy từ TP Hồ Chí Minh về Nam Trung Bộ, Tây Nguyên hay các tỉnh phía Bắc. Những dòng người gần như bỏ chạy khỏi mảnh đất mà họ đã chọn để mưu sinh. Khi dịch bệnh hoành hành, những người lao động từ những miền quê nghèo đến các đô thị phát triển để tìm việc làm, thế nhưng giờ họ cũng không còn việc làm, tiền thuê nhà cũng không thể trả. Họ phải trở về mảnh đất chôn nhau cắt rốn, vì dù sao ở đó dù khó khăn thế nào, họ cũng có thể rau cháo nuôi nhau.
Trên hành trình trở về ấy, họ không đơn độc. Nhiều mô hình, nghĩa cử cao đẹp của các chiến sỹ cảnh sát giao thông, những tình nguyện viên, những tấm lòng hảo tâm đã tỏa sáng. Họ sửa chữa xe, thay dầu, thay săm, lốp xe máy, tham gia đưa đón, hỗ trợ thức ăn, nước uống, làm lán tạm cho người dân trở về quê được nghỉ ngơi. Những tình nguyện viên ấy có cả sinh viên, xe ôm, thợ sửa xe, cắt tóc… Nhưng ở họ đều chung một tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “mình vì mọi người”. Họ âm thầm giúp đỡ, tiếp sức cho những người dân nghèo từ thành thị về quê, chẳng mong được báo đáp hay biết đến tên tuổi.
Và tinh thần “Tổ chức hỗ trợ cung cấp ngay, đủ lương thực, thực phẩm cho tất cả những người lao động nghèo, mất thu nhập không còn dự trữ. Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc” mới đây nhất ngày 31-7 đã được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện ngay trong Công điện hỏa tốc số 1063/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Có thể nói, Đảng, Chỉnh phủ, các cấp, ngành, các địa phương đang căng mình, dốc toàn tâm, toàn sức vào cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, tất cả chỉ vì một mục tiêu lớn nhất là mang lại sự bình an cho người dân.
Thế nhưng bên cạnh những nỗ lực ấy, chúng ta cũng không khỏi phiền lòng trước con số xử phạt hơn 8 tỷ đồng sau 8 ngày thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội đối với gần 700 trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch. Xử phạt là biện pháp cực chẳng đã dù trong bất kỳ trường hợp nào. Nhưng con số này cũng cho chúng ta thấy, không ít người dân vẫn lơ là, chủ quan, thậm chí là chống đối vì cho rằng đó là “nhu cầu thiết yếu”. Và thực tế là chúng ta cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức tự giác chấp hành quy định về phòng, chống dịch đối với người dân.
Hiện thực hóa khát vọng bình yên, chiến thắng dịch bệnh Covid-19 thì tinh thần “Mình vì mọi người, mọi người vì mình” cần được đề cao. Và nén lại những nhu cầu chính đáng của cá nhân nhưng không phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay chính là việc làm cần thiết lúc này, ngay cả với những địa phương chưa thực hiện giãn cách xã hội.
Chúng ta cũng không khỏi lo lắng khi cả nước đang chống dịch thì tin giả, “tin vịt” liên quan đến Covid - 19 gia tăng trên mạng xã hội gây hoang mang dư luận. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, thống kê của Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam nhận được hơn 1,1 nghìn lượt báo cáo tin giả. Sau quá trình xác minh đã công bố, dán nhãn 38 tin giả, tin sau sự thật, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến dịch Covid -19 ở Việt Nam. Những hành động đó thật đáng lên án và xử lý nghiêm vì hành động coi tính mạng, sự nguy nan của cộng đồng chỉ như trò câu like, câu view.
Thực trạng này đặt ra câu hỏi tại sao chúng ta không cùng nhau chia sẻ những hình ảnh lay động tình người, chung tay giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn vì dịch bệnh hay chia sẻ những cách làm hay trong phòng, chống dịch trên mạng xã hội để tạo sự lan tỏa, lay động tình người. Đó cũng là một cách chống dịch qua mạng hiệu quả để mỗi người dù trong hoàn cảnh ngặt nghèo như thế nào cũng vẫn có thể góp sức cùng cả nước chống dịch.
Gần 2 năm qua kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát cũng chính là khoảng thời gian chúng ta sống trong sự chờ đợi được sống bình yên như chúng ta đã từng sống. Hiện thực hóa khát vọng ấy, việc cần làm là ý thức đoàn kết, đồng sức đồng lòng, cùng Đảng, Nhà nước và địa phương thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh. Mỗi người là ngọn lửa nhỏ lan tỏa tình người sẽ thắp lên ngọn lửa khát vọng lớn lao của cả dân tộc chiến thắng bằng được dịch bệnh.
Gửi phản hồi
In bài viết