Các nhà thầu thi công các hạng mục tại dự án cao tốc Mai Sơn-quốc lộ 45 thuộc Dự án đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông. (Ảnh ĐỖ QUÂN)
Tổng vốn đầu tư công được bố trí cho các công trình, dự án năm nay lên đến hơn 711 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 130 nghìn tỷ đồng so năm 2022 và tăng 250 nghìn tỷ đồng so năm 2021, tạo áp lực rất lớn cho công tác giải ngân.
Không để chậm trễ hơn
Tại Công điện số 95/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (Chương trình), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu 2 bộ, 12 địa phương khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án thuộc Chương trình đã được thông báo danh mục và mức vốn.
Nội dung quan trọng khác là rà soát, hoàn thiện dự kiến phương án phân bổ, thủ tục đầu tư các dự án đối với số vốn còn lại chưa phân bổ, chưa giao chi tiết của kế hoạch đầu tư công trung hạn. Nhiệm vụ này có 17 bộ và 19 địa phương thuộc diện phải rà soát, báo cáo. Thời hạn để gửi dự kiến phương án phân bổ đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính là trong ngày 6/3/2023 theo đúng quy định, không để chậm trễ hơn nữa vì phải tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đã quyết nghị gói tài chính tiền tệ quy mô gần 350 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19, thời gian thực hiện trong hai năm 2022-2023.
Trong đó, riêng gói tài chính chi đầu tư phát triển lên đến 176 nghìn tỷ đồng đã thực hiện giải ngân một phần, hiện vẫn còn 14.151 tỷ đồng chưa được Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo quy định, sau ngày 31/3/2023 sẽ dừng phân bổ vốn từ Chương trình này, các dự án không kịp giao kế hoạch sẽ không được tiếp tục thực hiện, và như vậy sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Đối với nhiệm vụ đầu tư công năm 2023, tính đến ngày 1/3/2023, vẫn còn gần 105 nghìn tỷ đồng trong tổng số hơn 711 nghìn tỷ đồng chưa được các bộ, ngành, địa phương phân bổ chi tiết chi danh mục nhiệm vụ, dự án, bằng 14,8% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Nguyên nhân chậm phân bổ hết vốn do một số dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, quá thời gian bố trí vốn…
Bên cạnh đó, nhiều dự án sử dụng ngân sách địa phương dự kiến khởi công trong năm 2023 vẫn chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng… “Những nguyên nhân này minh chứng cho công tác chuẩn bị đầu tư và công tác chuẩn bị giao kế hoạch hằng năm của các bộ, ngành, địa phương còn thiếu chủ động và chậm trễ”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Phấn đấu giải ngân ít nhất 95%
Năm 2023, Chính phủ xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, ba chương trình mục tiêu quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, các địa phương.
Từ đó góp phần tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng giao thông, giáo dục, văn hóa, y tế, xã hội và giải quyết việc làm cho người lao động, tăng cường kết nối vùng, tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Khối lượng giải ngân của năm 2023 rất lớn, tạo nhiều sức ép cho công tác thực hiện đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải có giải pháp phù hợp ngay từ ngày đầu, tháng đầu mới có thể phấn đấu giải ngân ít nhất 95% vốn kế hoạch cả năm.
Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất Chính phủ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tập trung vào việc khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 được giao, bố trí đủ vốn theo tiến độ thực hiện cho dự án quan trọng quốc gia, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội. Thực hiện điều hòa linh hoạt vốn giữa chương trình và kế hoạch đầu tư công trung hạn, bảo đảm giải ngân toàn bộ số vốn của chương trình trong năm 2023.
Theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, kịp thời nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp điều hành giá và chính sách thuế, phí góp phần giảm chi phí cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Áp dụng các hình thức đấu thầu phù hợp với tính chất dự án, đúng quy định pháp luật, lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực thi công, lựa chọn hình thức hợp đồng phù hợp theo quy định, tránh để tình trạng các nhà thầu có tâm lý chờ điều chỉnh giá đối với hợp đồng trọn gói thi công. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công…
Chỉ ra các bài học kinh nghiệm từ nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhắc đến hoạt động hiệu quả của sáu tổ công tác do Thủ tướng thành lập để đôn đốc các bộ, ngành, tháo gỡ các khó khăn. Tiếp đến là làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư để khi có vốn giao thì giải ngân được ngay và tập trung giải quyết các khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng.
Đây là những vấn đề cần tiếp tục làm tốt trong năm 2023, bên cạnh đó cần quan tâm giải quyết những khó khăn về nguyên vật liệu san lấp mặt bằng cho các công trình đường cao tốc bắc-nam và những vướng mắc về giá vật liệu xây dựng... “Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, cả nước sẽ nỗ lực để cố gắng giải ngân cao nhất số vốn 711 nghìn tỷ đồng. Chúng tôi tin tưởng sẽ làm được, đây là nỗ lực rất lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế và hỗ trợ các ngành kinh tế khác”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nói.
Theo TS Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, động lực tăng trưởng được kỳ vọng nhất của năm nay là đầu tư công. Vì quy mô vốn ngân sách nhà nước năm nay có quy mô lớn nhất, nhiều dự án quan trọng đã cơ bản hoàn thành khâu thủ tục và được phân bổ vốn, hiện chỉ còn tập trung vào khâu thực hiện nên có thể hy vọng tốc độ giải ngân sẽ tích cực hơn các năm trước.
Gửi phản hồi
In bài viết