Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật. (Ảnh: TRẦN HẢI).
Các dự án luật và nghị quyết gồm: Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch; Nghị quyết của Quốc hội về việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, từ đầu tháng đến nay, Chính phủ đã dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng thể chế vì xây dựng, hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược cho nên phải dành thời gian, công sức, trí tuệ cho công tác này.
Chúng ta cần nâng cao nhận thức thể chế là nguồn lực, động lực cho sự phát triển; đầu tư cho thể chế là đầu tư cho sự phát triển; đem lại lợi ích, giá trị gia tăng cao. Thể chế là "điểm nghẽn của điểm nghẽn", nhưng cũng là điểm dễ tháo gỡ nhất, dễ chuyển từ trạng thái khó khăn, vướng mắc sang trạng thái cạnh tranh, vì thể chế là do chúng ta, do yếu tố chủ quan là chính. Đầu tư tốt, làm tốt công tác này thì sẽ có thể chế tốt; nếu đầu tư, làm không tốt thì sẽ khó khăn về thể chế.
Về việc này thì chúng ta đã quán triệt và làm tốt công tác này thời gian qua. Chính phủ giao trực tiếp cho các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan trực thuộc Chính phủ đầu tư cho công việc này, trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng thể chế, tham gia các vấn đề liên quan thể chế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến chỉ đạo phiên họp.
Thủ tướng nêu rõ, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã tổ chức 35 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; từ đầu năm 2025 đến nay, tính cả phiên họp này thì Chính phủ đã tổ chức 4 phiên họp chuyên đề, xem xét, cho ý kiến đối với nhiều dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết; Thường trực Chính phủ thường xuyên họp về công tác này.
Cách làm ngày càng đổi mới về tư duy, cách tiếp cận và phương pháp luận, trong đó đặc biệt quan tâm giảm thủ tục hành chính; tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường kiểm tra, giám sát đầu ra, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Chúng ta quán triệt tư duy mới là không có tập trung nhiều vào cơ quan Trung ương, trong đó có việc Quốc hội chỉ quyết những việc gì thuộc thẩm quyền Quốc hội; những gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ ban hành; những gì thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành thì các bộ, ngành ban hành; những gì thuộc thẩm quyền địa phương thì địa phương ban hành.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu ý kiến tại phiên họp.
Phải “rạch ròi” vấn đề này để không quá tập trung lên Trung ương, dẫn đến các bộ, ngành địa phương lại trông chờ, ỷ lại, ách tắc. Phải đổi mới tư duy để làm, đổi mới tư duy về cách trình, cách thể hiện luật pháp, ví dụ khi trình phải giải thích kỹ những vấn đề gì sửa đổi, lược bỏ, vì sao? Nội dung gì phải hoàn thiện, bổ sung thêm từ thực tiễn, vì sao? Cái gì mà thực tiễn đã vượt qua, thực tiễn có mà luật pháp chưa có, vì sao?
Quang cảnh phiên họp.
Thủ tướng nhấn mạnh cần phải cắt giảm thủ tục hành chính bao nhiêu? Phân cấp, phân quyền từ đâu đến đâu? Từ Quốc hội đến Chính phủ như thế nào, từ Chính phủ xuống Thủ tướng Chính phủ như thế nào? Từ Thủ tướng Chính phủ xuống các bộ, ngành, địa phương như thế nào? Các tờ trình được chuẩn bị tốt thì khi lãnh đạo cấp trên xem xét tờ trình thì dễ xem xét lại, dễ cho ý kiến.
Thủ tướng yêu cầu ngày càng phải kịp thời bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng trong xây dựng thể chế. Bộ trưởng, Trưởng ngành, thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Chính phủ khi ban hành văn bản dưới luật phải cụ thể hoá kịp thời, nhanh chóng, phù hợp, hiệu quả các luật mới ban hành; phải giải thích thêm, cụ thể hoá hơn cho rõ để quá trình thực hiện dễ hơn; Chính phủ phải kịp thời ban hành Nghị định; các bộ, ngành ban hành kịp thời các Thông tư.
Các thành viên Chính phủ, đại biểu tham dự phiên họp.
Thủ tướng nêu rõ, thời gian từ nay đến lúc khai mạc Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khoá XV không còn nhiều, do đó phải tập trung thời gian, trí tuệ, công sức. Kỳ họp này dự quyết trình nhiều văn bản quy phạm pháp luật, do đó Thủ tướng mong các lãnh đạo các bộ, ngành đầu tư công sức, trí tuệ, phát huy kinh nghiệm đã có để tập trung xây dựng các văn bản pháp luật vừa bảo đảm chất lượng, và bảo đảm thời gian trình theo quy định của pháp luật.
Các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo một số bộ, ngành, đại biểu tham dự phiên họp.
Thủ tướng nêu rõ, các cơ quan trình bày ngắn gọn những điểm chính, điểm cần sửa, cần lưu ý trong quá trình xây dựng pháp luật, đặc biệt lưu ý cắt bỏ thủ tục hành chính rườm rà, phân cấp, phân quyền rõ, phải bảo đảm thể chế thông thoáng, không để thể chế trở thành điểm nghẽn, điểm ách tắc do chính chúng ta, “tự trói mình rồi lại phải đi cởi trói”, phải kiên quyết xoá bỏ quan liêu, thủ tục hành chính rườm rà gây phiền phức cho người dân, doanh nghiệp, làm tăng chi phí tuân thủ; phải quán triệt tinh thần “chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản lý thông minh”. Đây là những điểm gắn kết trong quá trình xây dựng pháp luật.
Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang trình bày báo cáo tại phiên họp.
Thủ tướng nêu rõ, công việc thì nhiều, nội dung thì phong phú, tính chất phức tạp, thời gian thì ít, do đó yêu cầu tập trung phát biểu đi thẳng vào trọng tâm. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành ưu tiên, tập trung lực lượng cán bộ chuyên trách có trình độ, tâm huyết để làm công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; tạo điều kiện cơ sở vật chất cần thiết; có chế độ thoả đáng cho đội ngũ làm công tác này.
Thủ tướng hoan nghênh và mong Bộ Tư pháp dành thời gian, công sức, tâm huyết, tinh thần trách nhiệm để thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật.
Gửi phản hồi
In bài viết