Tỷ lệ tiêm phòng dại thấp
Hàng năm, cơ quan thú y tổ chức tiêm phòng dại đợt chính vào vụ hè- thu và thu-đông, ngoài ra hàng tháng tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn chó, mèo vào tháng 5. Tính đến hết tháng 4, tỷ lệ chó, mèo được tiêm phòng bệnh dại mới chỉ đạt 33,3%. Đây là điều hết sức nguy hiểm, nhất là đang vào mùa bùng phát bệnh dại trên đàn chó, mèo.
Với đặc thù là vùng núi, diễn biến khí hậu phức tạp, tập quán nuôi chó, mèo của người dân theo kiểu tự phát, thả rông, vì vậy khi đến nhiều khu dân cư trên địa bàn tỉnh, nhất là ở những thôn, bản không khó bắt gặp hình ảnh chó được thả rông ngoài đường không đeo rọ mõm, điều này dẫn đến nguy cơ vật nuôi bị nhiễm vi rút bệnh dại và phát tán, lây lan ra môi trường xung quanh rất cao.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), trong 5 tháng đầu năm có 1.591 người đến các cơ sở y tế tiêm phòng dại do bị chó, mèo cắn. Bà Chu Thị Hà, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) cho biết, vừa qua, bà bị chó nhà hàng xóm cắn. Để phòng ngừa, bà đã rửa vết cắn bằng xà phòng và đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Qua theo dõi nhiều ngày con chó không có biểu hiện của bệnh dại nên bà tạm yên tâm.
Chó vẫn được người dân thả rông tiềm ẩn nguy cơ phát sinh bệnh dại.
Hiện nay, công tác tiêm phòng dại đang được các địa phương triển khai quyết liệt. Theo quy định, UBND cấp xã, trưởng thôn có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thú y tổ chức tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo trên địa bàn, tập trung theo từng thôn hoặc cụm dân cư. Tuy nhiên, một số địa phương tuyên truyền chưa sâu sát, chưa có biện pháp kiên quyết, chưa có chế tài trong xử lý các trường hợp vi phạm. Vì vậy, công tác tiêm phòng dại cho đàn chó, cũng như kiểm soát đàn chó thả rông chưa tốt.
Huyện Sơn Dương có đàn chó, mèo khoảng 47.123 con, đến hết tháng 4 mới có 13.244 con được tiêm phòng dại, đạt tỷ lệ 28,1%. Chị Tạ Thanh Tâm, nhân viên Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Sơn Dương phụ trách địa bàn xã Cấp Tiến cho biết, song song với triển khai tiêm các loại vắc xin trên đàn vật nuôi như: Lở mồm long móng, tụ huyết trùng, cúm gia cầm… Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo đến người dân, tuy nhiên đa số người dân chưa quan tâm đến việc tiêm phòng dại cho vật nuôi, chỉ số ít hộ đồng ý tiêm phòng dại, có nhiều lý do người dân không tiêm vaắc xin phòng dại cho chó, mèo.
Cần đồng bộ nhiều giải pháp
Mặc dù có nhiều nỗ lực, nhưng công tác phòng, chống bệnh dại trên đàn chó, mèo còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tỷ lệ tiêm phòng vẫn thấp hơn nhiều so tổng đàn hiện có. Nguyên nhân chủ yếu là do số lượng lớn chó nuôi thả rông nên khó bắt giữ để tiêm phòng. Một số hộ không khai báo vật nuôi, chi phí vắc xin và công tiêm phòng tương đối cao, trong khi kinh phí Nhà nước không hỗ trợ cho loại vắc xin này. Một số các hộ nuôi chó, mèo vẫn chưa nhận thức được sự nguy hiểm, tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo…
Để tháo gỡ khó khăn, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022 - 2030 trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi trên địa bàn tỉnh và phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030.
Người dân xã Cấp Tiến (Sơn Dương) tiêm vắc xin phòng dại cho chó.
Để tăng cường công tác phòng chống bệnh dại trên người, từ đầu năm đến nay, Sở Y tế đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện tuyên truyền đến người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại đối với con người; hàng năm tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn về phòng, chống bệnh dại cho cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện, xã. Đồng thời, tiếp tục duy trì các điểm tiêm vắc xin phòng dại cho người trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, trước những diễn biến của bệnh dại trên người và động vật tại các tỉnh lân cận thời gian qua đã và đang gióng lên hồi chuông cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn ổ dịch dại trên người và trên vật nuôi, rất cần sự vào cuộc từ các cấp, các ngành, địa phương để triển khai đồng thời các biện pháp phòng, chống bệnh dại hiệu quả.
Các địa phương và cán bộ thú y phải cùng vào cuộc để thống kê, rà soát đàn chó, mèo nuôi của địa phương, nắm rõ tình hình tiêm chủng của vật nuôi để có các giải pháp quản lý, tiêm phòng; kịp thời tiêm nhắc vắc xin dại, tạo miễn dịch liên tục mỗi năm cho đàn chó, mèo nuôi để hạn chế nguy cơ dịch dại trên động vật lan rộng. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh truyền thông bằng nhiều hình thức như: loa, đài, tờ rơi, truyền thông tại mỗi gia đình... để tạo sự đồng thuận chung tay của người dân trong công tác phòng, chống bệnh dại.
Để bệnh dại không còn là nỗi lo, bên cạnh trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành chức năng, người dân cần chấp hành nghiêm quy định về nuôi thả chó, mèo.
Gửi phản hồi
In bài viết