Đẩy mạnh chế biến, thương mại gỗ và lâm sản

Cùng với Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thuỷ lợi; Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một trong những quy hoạch mang tính chiến lược, quan trọng của ngành nông nghiệp vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 

Đẩy mạnh chế biến, thương mại gỗ và lâm sản.

Ngày 1/4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 523/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sau hơn ba năm thực hiện, cơ cấu sản xuất lâm nghiệp đã chuyển dịch theo hướng ngày càng nâng cao giá trị gia tăng. Phó Cục trưởng Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Triệu Văn Lực cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, các giải pháp phát triển đã được ngành lâm nghiệp triển khai toàn diện, đồng bộ.

Cơ cấu sản xuất lâm nghiệp đã có sự chuyển dịch theo hướng ngày càng nâng cao giá trị gia tăng, giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng trưởng ổn định bình quân 4,6%/năm. Hằng năm, cả nước trồng mới được hơn 260.000 ha rừng. Chất lượng rừng trồng được nâng cao, cung cấp từ 70-75% nguyên liệu gỗ phục vụ chế biến lâm sản để xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt bình quân 15,8 tỷ USD/năm, tỷ lệ xuất siêu cao.

Nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng đạt bình quân 3.650 tỷ đồng/năm. Riêng năm 2023 đã thu được 4.130 tỷ đồng, trong đó có gần 1.000 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng, giảm áp lực chi ngân sách nhà nước. Theo Cục Lâm nghiệp, tổng kinh phí huy động thực hiện Chiến lược giai đoạn 2021-2023 để bảo vệ và phát triển rừng vào khoảng 56,7 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nguồn chi từ ngân sách nhà nước gần 12,6 nghìn tỷ đồng, thu dịch vụ môi trường rừng gần 11 nghìn tỷ đồng và các tổ chức, cá nhân tự đầu tư hơn 33 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng còn đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Đó là, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch ba loại rừng còn chồng chéo, thiếu tính đồng bộ; công tác giao rừng, thuê rừng còn chậm triển khai; năng suất, chất lượng rừng trồng còn thấp. Mức hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng cũng như chế độ, chính sách đối với lực lượng bảo vệ rừng còn quá thấp, chưa thật sự tạo động lực cho bảo vệ và phát triển rừng. Nhiều địa phương chưa quan tâm đầu tư, bổ sung ngân sách cho bảo vệ và phát triển rừng.

Để huy động tốt hơn nguồn lực cho bảo vệ và phát triển rừng, ngày 24/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 895/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, về phát triển sản xuất lâm nghiệp, tập trung bảo vệ rừng; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, chọn tạo giống mới có năng suất, chất lượng cao, giống cây bản địa mọc nhanh có năng suất, chất lượng phục vụ phát triển rừng sản xuất, rừng gỗ lớn.

Đẩy mạnh sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp năng suất, chất lượng.

Bảo đảm cung cấp bình quân 575 triệu cây/năm. Quản lý chặt chẽ nguồn cung giống, bảo đảm tỷ lệ nguồn cây giống cho trồng rừng được kiểm soát đạt tối thiểu 95% vào năm 2030. Hỗ trợ xây dựng các khu rừng giống, trung tâm giống công nghệ cao dựa trên nhu cầu giống cây lâm nghiệp của từng vùng, với các sản phẩm giống cây trồng chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng từ 5 đến 7 khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong mỗi khu có phân khu sản xuất giống công nghệ cao, công suất khoảng 200 triệu cây/năm.

Đẩy mạnh phát triển lâm sản ngoài gỗ. Tăng cường các biện pháp bảo vệ, phát triển các loài lâm sản ngoài gỗ có giá trị, các loài có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng; khai thác hợp lý và bền vững các loại lâm sản ngoài gỗ; hình thành các vùng nguyên liệu lâm sản ngoài gỗ, tạo ra những sản phẩm đặc trưng cho từng vùng và phù hợp với nhu cầu của thị trường; tập trung ưu tiên phát triển nhóm sản phẩm dược liệu, mỹ phẩm, thực phẩm.

Đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng. Tập trung quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt khoảng 500 nghìn ha và sẽ đạt khoảng 1 triệu ha vào năm 2030. Khai thác gỗ từ rừng trồng, cây lâm nghiệp trồng phân tán, vườn nhà, vườn cây cao su thanh lý: đến năm 2025 đạt 35 triệu m3 gỗ và 50 triệu m3 gỗ vào năm 2030.

Phát triển dịch vụ môi trường rừng, tiếp tục thực hiện các loại dịch vụ môi trường rừng hiện có; nghiên cứu, mở rộng thêm các loại hình, đối tượng chi trả dịch vụ môi trường rừng, như dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng, dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và nuôi trồng thủy sản... Phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ và phát triển rừng.

Rà soát, nghiên cứu hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách hiện hành, tạo điều kiện để phát triển du lịch sinh thái tại các khu rừng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng địa phương; huy động nguồn lực xã hội trong phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ và phát triển rừng. Chính phủ yêu cầu ngành lâm nghiệp, quy hoạch đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc ổn định từ 42% đến 43%, chú trọng nâng cao chất lượng rừng, nhất là rừng tự nhiên hiện có. Tốc độ tăng giá trị gia tăng sản xuất lâm nghiệp bình quân đạt 5,0-5,5%/năm.

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Đẩy mạnh chế biến, thương mại gỗ và lâm sản, tập trung ưu tiên sử dụng trang thiết bị hiện đại, tự động hoá, chuyên môn hoá. Khuyến khích phát triển công nghệ tạo ra các sản phẩm chất lượng, có giá trị gia tăng cao. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua đổi mới nội dung chương trình đào tạo, gắn đào tạo với thực tiễn; đào tạo trên cơ sở đặt hàng và nhu cầu của doanh nghiệp. Ưu tiên ngân sách nhà nước cho đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất cho các đơn vị đào tạo.

Ưu tiên phát triển trung tâm giao dịch gỗ tại các khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng một trung tâm giao dịch sản phẩm gỗ quốc tế; xây dựng các chương trình, kế hoạch xúc tiến thương mại, phát triển thị trường. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025 và 25 tỷ USD vào năm 2030. Giá trị tiêu thụ đồ gỗ và lâm sản trong nước đạt 5 tỷ USD vào năm 2025 và 6 tỷ USD vào năm 2030.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến tổng nhu cầu nguồn vốn thực hiện Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là 217.305 tỷ đồng, trong đó riêng giai đoạn 2021-2025 cần khoảng gần 107.000 tỷ, chiếm gần 50% tổng nhu cầu vốn...

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục