Trường THCS Phan Thiết (TP Tuyên Quang) đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các đơn vị tổ chức đa dạng hình thức tuyên truyền như: Phát tờ rơi, treo pano, áp phích, lồng ghép tuyên truyền vào giờ học trên lớp và giờ sinh hoạt ngoại khóa, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức về Luật Hôn nhân và Gia đình...
Cán bộ Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh tuyên truyền cho học sinh về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Thầy giáo Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Hiệu trưởng trường THCS Phan Thiết cho biết, nội dung tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống được nhà trường lựa chọn nội dung tổ chức qua hình thức cuộc thi tìm hiểu kiến thức. Cuộc thi gồm nhiều nội dung, như: xây dựng tiểu phẩm kịch với tình huống phản ánh tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn; trả lời câu hỏi kiến thức về Luật Hôn nhân và Gia đình... đã tạo sân chơi bổ ích cho các em học tập, trao đổi kiến thức, tạo sức lan tỏa đến cộng đồng và xã hội tham gia đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Em Đoàn Thị Thùy Trang, học sinh lớp 6B, trường THCS Phan Thiết chia sẻ: “Ngoại khóa tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống bằng các hình thức cuộc thi, sân khấu hóa... rất sinh động, tạo sự hào hứng, giúp chúng em tiếp thu kiến thức dễ dàng, hiệu quả hơn. Chúng em rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm cho bản thân, đồng thời, tuyên truyền gia đình dần loại bỏ những hủ tục lạc hậu”.
Xã Xuân Lập (Lâm Bình) có 305 hộ với hơn 1.200 nhân khẩu, 100% người dân tộc thiểu số. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn tồn tại. Nhằm ngăn ngừa, giảm dần tình trạng trên, Đảng ủy, chính quyền xã Xuân Lập đã tích cực cùng các tổ chức, đơn vị trên địa bàn, tổ chức các cuộc truyền thông nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết trên địa bàn.
Em G.T.Đ, sinh năm 2007, thôn Khuổi Trang, xã Xuân Lập chia sẻ: Mặc dù biết còn tuổi đi học nhưng lỡ yêu và có bầu nên đành bỏ học và sinh con năm 2022. Hiện tại gia đình có 3 người, sau khi sinh sức khỏe của em yếu nên chỉ trông con và quanh quẩn ở nhà. Nhiều khi nhìn bạn bè tới trường em buồn lắm. Là hộ nghèo của xã, trong gia đình trụ cột kinh tế chủ yếu là chồng; mặc dù cố làm quanh năm suốt tháng nhưng chỉ đủ ăn. Mỗi khi gia đình có việc cần tiền thì phải giật gấu vá vai...
Cán bộ Trạm Y tế Hùng Đức (Hàm Yên) tuyên truyền cho người dân về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Để hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, những năm qua, cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, đoàn thể của các xã, phường, thị trấn đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, truyền thông, cũng như áp dụng các chế tài xử lý hành chính những trường hợp vi phạm. Từ sự quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, vấn nạn hôn nhân cận huyết trên địa bàn tỉnh không còn nữa. Tỷ lệ tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm dần. Giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh có 10.043 cặp kết hôn, trong đó có 319 cặp vợ chồng tảo hôn (chiếm 3,1%), tỷ lệ tảo hôn cao nhất là đồng bào dân tộc Mông, với 117 cặp (chiếm 36,67%); dân tộc Dao 109 cặp (chiếm 34,17%); dân tộc Tày 60 cặp (chiếm 18,81%). Độ tuổi tảo hôn thường từ 15 đến dưới 18 tuổi đối với nữ, từ 18 đến dưới 20 tuổi đối với nam.
Thực hiện đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025” tỉnh Tuyên Quang có mục tiêu Đề án là giảm bình quân 2% - 3%/năm số cặp tảo hôn; 3% - 5% số cặp hôn nhân cận huyết thống đối với các địa bàn, các dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao. Để đạt được mục tiêu này, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, tư vấn để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số trong hôn nhân và tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; biên soạn, cung cấp thông tin, tài liệu, sản phẩm tuyên truyền về hôn nhân và ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...
Gửi phản hồi
In bài viết