Ngày nay, dù cuộc sống hiện đại kéo mọi người vào guồng quay tất bật, vội vã, thế nhưng, không vì thế mà chúng ta để con trẻ thờ ơ với những giá trị Tết truyền thống. Vì vậy, đã thành thông lệ, vào thời điểm gần Tết Nguyên đán các trường học trên địa bàn tỉnh đã phối hợp cùng các bậc phụ huynh tổ chức các hoạt động trải nghiệm vui Xuân, đây là cơ hội để giáo dục con trẻ về ý nghĩa của ngày Tết.
Các em học sinh trường THCS Lê Quý Đôn (TP Tuyên Quang) tham gia thi gói bánh chưng.
Cứ vào dịp cuối năm, các thầy cô giáo tại huyện Lâm Bình lại háo hức chuẩn bị tổ chức các chương trình vui Xuân cho các em. Trong dịp đặc biệt này, nhiều hoạt động ý nghĩa, mang màu sắc truyền thống được tái hiện như: dạy các em gói bánh chưng, tổ chức trò chơi dân gian, vẽ tranh chủ đề ngày Tết… Với các bậc cha mẹ và cả những thầy giáo, cô giáo, hạnh phúc đôi khi chỉ đơn giản là nhìn thấy những ánh mắt thích thú của con trẻ, được thấy con em mình trưởng thành lên trong từng nếp nghĩ. Em Ngô Tường Vy, học sinh Trường Tiểu học Thượng Lâm (Lâm Bình) cho biết: “3 năm qua, cứ vào cuối năm, em đều được trải nghiệm hoạt động của nhà trường, được tự tay tập gói bánh chưng. Em còn được cô giáo dạy về nghi lễ ngày Tết, cách ứng xử văn minh khi nhận quà. Em cảm thấy rất vui và từ đó hiểu thêm về Tết cổ truyền”.
Nhiều trường cũng đã lựa chọn tổ chức Chợ quê, giúp các em được trải nghiệm khi được học chế biến, nấu và tìm hiểu về những món ăn đặc trưng của ngày Tết. Theo cô giáo Hoàng Thanh Huyền, Tổng Phụ trách Trường Tiểu học Vinh Quang (Chiêm Hóa), việc cho các em học sinh có cơ hội được tự tay chuẩn bị các món ăn ngày Tết là cách tốt nhất để con trẻ có thể hiểu sâu sắc những giá trị truyền thống của Tết Việt. Một điều quan trọng mà thầy cô dạy học sinh về Tết cổ truyền đó là biết chúc Tết. Phong tục chúc Tết cũng là một nét đẹp văn hóa, thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Ví dụ, với ông bà thì chúc “khỏe mạnh, sống lâu trăm tuổi”, với người lớn thì chúc “sức khỏe dồi dào, làm ăn phát tài”, với anh, chị thì chúc “hạnh phúc, may mắn”…
Để trẻ hiểu rõ hơn về những giá trị của Tết truyền thống, ngoài nhà trường, gia đình là nơi tốt nhất để giáo dục con trẻ. Được cùng ông bà, bố mẹ, anh chị em trải nghiệm những khoảnh khắc chuẩn bị, đón Tết thật ý nghĩa sẽ giúp các con lưu giữ những ký ức đẹp về Tết. Gia đình anh Đào Xuân Huy, tổ 4, phường An Tường (TP Tuyên Quang) vào dịp cuối năm đều rất bận nhưng vẫn dành thời gian cho các con có những trải nghiệm Tết thú vị. Anh Huy cho biết, ngày xưa, cả năm chỉ mong đến Tết để được ăn no, còn trẻ con mong đến Tết để được mặc quần áo mới. Bây giờ, ngày nào cũng ăn ngon nên nhiều người không còn thấy hào hứng, mong chờ Tết nữa. Có điều, không phải vì thế mà người lớn ăn Tết qua loa và quên đi việc giáo dục con cái về ý nghĩa của ngày Tết, không cho trẻ có cơ hội được trải nghiệm Tết. Anh vẫn thường cho các con tham gia vào công việc chuẩn bị đón Tết như: gói, luộc bánh chưng; dọn dẹp nhà cửa; đi chợ hoa… các con anh rất thích thú và luôn mong chờ Tết đến.
Hay như gia đình chị Phạm Thị Liên, tổ dân phố Bắc Trung, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) có hai cô con gái học cấp 2, Tết năm nào chị cũng mua đồ về chuẩn bị gói bánh chưng. Các con chị tham gia vào hầu hết các công đoạn như: rửa lá; vo gạo; đãi đỗ; gói những chiếc bánh nhỏ xíu cho riêng mình và háo hức ngồi canh lửa, chờ bánh chín. Chị Liên cũng cho biết thêm về truyền thống đi tảo mộ, chúc Tết ông bà, trao nhau những lời chúc tốt đẹp cho năm mới… vẫn được gia đình chị gìn giữ. Với chị, đó là những bài học giáo dục có ý nghĩa, dạy cho con trẻ biết nhớ về cội nguồn.
Các em học sinh Trường Tiểu học Khuôn Hà tham gia thi gói bánh và khâu còn tại ngày hội.
Các hoạt động giáo dục con trẻ về những giá trị văn hóa của Tết truyền thống năm nay được tổ chức có chọn lọc, giới hạn về nội dung do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, mỗi hoạt động đều mang tính giáo dục, dạy bảo con trẻ và giúp các em cảm nhận được hương vị Tết cổ truyền của dân tộc. Em Đào Như Ngọc, học sinh Trường THCS An Tường chia sẻ, gia đình em vì công việc kinh doanh của bố mẹ nên phải xa nhà. Vì vậy, với em Tết là những ngày vui nhất khi được về nhà, được cùng bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, trang trí cành đào, được đi chúc Tết họ hàng. Qua những bài học trên lớp, những câu chuyện của bố mẹ, em cũng được hiểu hơn về những nét văn hóa truyền thống của ngày Tết cổ truyền.
Tết đã đến, khắp nơi nơi rộn ràng sắc xuân. Trong ánh mắt con trẻ, ngày Tết sẽ càng trở nên ý nghĩa khi người lớn biết gửi trao…
Gửi phản hồi
In bài viết