Không có... hóa đơn, chứng từ!
Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Nguyễn Đức Dân chia sẻ, cùng với quần áo thời trang, mỹ phẩm là một trong những mặt hàng bị làm giả nhãn hiệu, vi phạm kinh doanh hàng hóa nhiều nhất. Điểm chung của các chủ cơ sở là quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội, tự giới thiệu là có người nhà ở nước ngoài và xách tay nhiều mỹ phẩm như đồ trang điểm, nước hoa về nước.
Đầu tháng 4-2021, Đội Quản lý thị trường số 5 - Cục Quản lý thị trường phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an tỉnh đã bắt quả tang, thu giữ hàng trăm sản phẩm là mỹ phẩm, nước hoa các loại (trị giá gần 50 triệu đồng) có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu tại một cơ sở kinh doanh xã Kim Phú, thành phố Tuyên Quang. Thông qua tài khoản mạng xã hội Dungvu, người này livestream các mặt hàng được quảng bá là nước hoa, mỹ phẩm xách tay.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa và cũng không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Chủ cơ sở khai nhận, toàn bộ số hàng hóa trên đều được mua lại của một người không rõ lai lịch sau đó rao bán trên mạng thông qua hình thức livestream bằng nhiều tài khoản Facebook, Zalo. Sau khi “chốt đơn” sẽ “chuyển phát nhanh” hoặc giao cho “shipper” vận chuyển cho người mua. Đội QLTT số 5 đã ra Quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ nói trên và hành vi kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của chủ cơ sở để xử lý theo quy định của pháp luật.
Lực lượng quản lý thị trường tiêu hủy mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng.
Ngày 9-9-2021, Đoàn liên ngành 389 đã tiến hành kiểm tra, bắt quả tang một cá nhân đang livestream bán mỹ phẩm online tại phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang. Tại thời điểm Đoàn kiểm tra ập vào, bà N.T.H.T đang livestream quảng cáo hàng loạt các sản phẩm: kem, phấn, sữa tắm, dưỡng da... “xách tay” từ nước ngoài, đảm bảo chất lượng, giá cả phải chăng và được một số người dùng trên mạng xã hội theo dõi, chốt đơn.
Tuy nhiên, qua quá trình làm việc với Đoàn kiểm tra bà T. không cung cấp được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Đoàn kiểm tra đã kiểm đếm số lượng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ gần 100 sản phẩm trị giá khoảng 10 triệu đồng. Đoàn đã lập biên bản và ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 8 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và buộc tiêu hủy tại chỗ toàn bộ số mỹ phẩm vi phạm trên.
Đánh vào tâm lý ham rẻ
Không chỉ mượn danh mỹ phẩm xách tay, mỹ phẩm chính hãng từ nước ngoài, nhiều cơ sở còn kinh doanh các sản phẩm sản xuất trong nước nhưng tên tuổi hoàn toàn xa lạ, trên bao bì không có nơi sản xuất, không hạn sử dụng.
Giữa tháng 12-2021, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra một cơ sở kinh doanh tại xã Kim Phú (TP Tuyên Quang). Thu giữ nhiều hộp mỹ phẩm là sữa tắm, kem trắng da nhưng không có nơi sản xuất, không hạn sử dụng... Bao bì chỉ có hướng dẫn sử dụng và giá bán được niêm yết tương đối cao, từ 200 đến 400 nghìn đồng/sản phẩm. Đánh vào tâm lý ham của rẻ, muốn được thay đổi ngoại hình nhanh chóng, người bán chạy chương trình giảm giá 50% giá bán đã niêm yết. Tại thời điểm kiểm tra, đã có nhiều người mua, chủ yếu là người mua ở nhiều xã vùng sâu, vùng xa “chốt đơn”.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Nguyễn Đức Dân cho biết, đa phần các loại mỹ phẩm ngoại đều không ghi nhãn phụ bằng tiếng Việt, một quy định bắt buộc đối với hàng nhập khẩu chính ngạch. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14-4-2017 quy định về nhãn hàng hóa. Trong đó, quy định nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung, gồm: Tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa và các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa. Với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Căn cứ theo các quy định này, việc kinh doanh các sản phẩm ngoại nhập đều phải bảo đảm đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ cũng như tem nhãn sản phẩm bằng tiếng Việt. Mặc dù cơ quan chức năng đã có khuyến cáo người tiêu dùng nên ưu tiên sử dụng hàng Việt, tuy nhiên xu hướng “sính” ngoại vẫn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ người dân. Bên cạnh đó, thói quen mua hàng tại những siêu thị nhỏ lẻ theo kiểu hàng xách tay, hàng ngoại nhập vẫn được người dân ưa dùng nên những cửa hàng này vẫn có “đất” để tồn tại.
Ông Dân cũng khuyến cáo người tiêu dùng, để tránh rủi ro mua phải hàng nhái, hàng kém chất lượng, người tiêu dùng nên tự biết cách bảo vệ mình, lựa chọn các loại hàng hóa tại các cơ sở kinh doanh uy tín, tránh để “tiền mất, tật mang”.
Gửi phản hồi
In bài viết