ĐBQH tỉnh chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

- Chiều 11-11, tiếp tục nội dung chương trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Đại biểu Ma Thị Thúy, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh và đại biểu Âu Thị Mai, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về một số nội dung liên quan đến trách nhiệm của ngành.

 Đại biểu Ma Thị Thúy chất vấn.

Đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị Bộ trưởng đánh giá và cho biết những kinh nghiệm từ các gói hỗ trợ của Quốc tế. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho cử tri biết quan điểm của mình về mục tiêu, phạm vi, đối tượng của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội. Đại biểu Ma Thị Thúy cũng nêu tuyến đường cao tốc Hà Giang kết nối với đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ hiện nay đã được Chính phủ đưa vào quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030. Đây là điều kiện rất quan trọng để Hà Giang và các tỉnh trong khu vực phát triển. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết khi nào mới được đầu tư và có đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2025 không?

Trả lời chất vấn của đại biểu Ma Thị Thúy, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Đại dịch Covid -19 đã tác động hết sức nặng nề đến các mặt kinh tế - xã hội trên thế giới trong đó có Việt Nam. Nhiều nước trên thế giới đã có các chính sách, quyết sách rất nhanh như các gói hỗ trợ với quy mô rất lớn, chưa có tiền lệ và bất chấp những kỷ luật, kỷ cương về tài chính. Đồng thời chấp nhận tăng mức trần nợ công cũng như là nợ chính phủ và bội chi ngân sách. Vì thế tình hình các nước sau khi đã được tiêm phủ vaccine nhanh cùng với kế hoạch phục hồi nền kinh tế, triển khai nhanh các gói hỗ trợ thì các nước này đều có tốc độ tăng trưởng và hồi phục kinh tế nhanh. Cụ thể, như Mỹ đã bỏ 27% JDP và chấp nhận tăng nợ công thêm 21% điểm và đẩy tỷ lệ nợ công của Mỹ lên 133% JDP. Cũng tương ứng như vậy, Trung Quốc tăng 6,1% và tăng điểm nợ công lên 9,7% điểm, tổng nợ công đến nay của Trung Quốc là 66,8%; Bộ trưởng cũng dẫn chứng thêm về các nước Thái Lan, Malaysia

Về chính sách tài khóa, các nước này đều tăng cho chi y tế và phòng chống dịch, trợ giúp xã hội và hộ gia đình có thu nhập thấp với phương thức cấp phát bằng tiền mặt. Đồng thời hỗ trợ về lương thực, tiền điện, chi trả chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, miễn giảm thuế, phí cho doanh nghiệp… Ngoài ra, kinh nghiệm của thế giới là hỗ trợ các dòng tiền và đầu tư cho hạ tầng. Các chính sách tiền tệ, các nước cũng cơ bản duy trì các lãi suất thấp và nới lỏng các điều kiện hỗ trợ lãi suất, giữ nguyên các nhóm nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ…

Quan điểm của mình về mục tiêu, phạm vi, đối tượng của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạm gọi là Chương trình hỗ trợ và phục hồi tăng trưởng kinh tế Bộ trưởng cho biết: sau khi nghiên cứu thực tiễn trong nước cũng như tham khảo thực tiễn của các nước, Bộ đưa ra một số quan đểm sau: Thứ nhất, phải có nguồn đủ lớn; thứ hai là thời gian thực hiện phải phù hợp, đảm bảo ổn đinh kinh tế vĩ mô và cân đối lớn của nền kinh tế; thứ ba là phải thực hiện một cách linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; thứ tư là gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2020 – 2030 và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2021 – 2025 cùng các kế hoạch đầu tư công, kế hoạch tài chính công, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế chúng ta đang thực hiện; thứ năm là tập vào các chính sách tác động ngay, phối hợp đồng thời để tính đến các vấn đề dài hạn. Việc hỗ trợ phải có trọng tâm, trọng điểm đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.

Mục tiêu của chương trình là phục hồi và phát triển nhanh trên cơ sở thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid- 19. Đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của giai đoạn 2021 – 2025 là 6,5 đến 7%. Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, nuôi dưỡng và củng cố các nguồn thu ngân sách Nhà nước, an toàn hệ thống tín dụng; đảm bảo an sinh xã hội. Đối tượng, phạm vi của chương trình là người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, các ngành lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Phạm vi của chương trình là trên toàn quốc nhưng sẽ có trọng tâm, trọng điểm. Thời gian thực hiện dự kiến năm 2022 – 2023 để phục hội nhanh nền kinh tế.

Đối với tuyến đường cao tốc Hà Giang nối cao tốc Phú Thọ - Tuyên Quang, Bộ trưởng cho biết tuyến đường này đã có trong quy hoạch. Nhưng theo quy hoạch sẽ thực hiện sau giai đoạn 2025 – 2030.  Bộ trưởng cho rằng, con đường này nếu có điều kiện, chúng ta triển khai sớm sẽ rất có ý nghĩa và rất hiệu quả. Bộ trưởng nhấn mạnh, tuyến đường này được xây dựng sẽ kết nối toàn bộ các trục dọc hướng tâm về Hà Nội để thông ra các cửa khẩu phía Bắc. Đây sẽ là tuyến hết sức quan trọng cùng với các trục giao thông khác trong khu vực mở ra không gian phát triển mới, tạo điều kiện cho sự phát triển của vùng miền núi phía Bắc, thúc đẩy xuất khẩu, nhập khẩu. Bộ trưởng khẳng định Bộ sẽ báo cáo Chính phủ xem xét nếu có điều kiện sẽ triển khai sớm trong giai đoạn 2021 – 2025.

Đại biểu Âu Thị Mai.

Trong phiên chất vấn chiều nay, đại biểu Âu Thị Mai cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ nguyên nhân của việc chậm giải ngân vốn đầu tư công cũng như vốn ODA đạt thấp. Giải pháp của ngành trong thời gian tới.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng cho biết, giải ngân vốn đầu tư công đã được rất nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. Vấn đề cũng được nêu ra tại rất nhiều các kỳ họp của Quốc hội. Tuy nhiên, vấn đề vẫn chưa được giải quyết triệt để, tỷ lệ giải quyết đạt thấp. Đặc biệt trong năm nay có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Lý giải nguyên nhân, Bộ trưởng cho rằng từ khâu chuẩn bị dự án rất kém, chất lượng không cao, chủ yếu là mang tính hình thức. Nhiều dự án xây dựng qua loa, sau khi được chấp nhận chủ trương đầu tư mới thực hiện một cách thực thế, lúc đó lại mất thời gian làm lại, điều chỉnh lại, mất nhiều thời gian. Việc giải phóng mặt bằng cũng còn nhiều vướng mắc liên quan đến Luật đất đai, công tác đấu thầu. Năm 2021 bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid -19, nhiều địa phương giãn cách, chi phí nguyên vật liệu tăng cao, nhân công thiếu. Ngoài ra, năm 2021 cũng là năm đầu thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn và năm chúng ta tổ chức đại hội Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp dẫn đến công tác tổ chức thực hiện còn hạn chế.

Bộ trưởng cho biết, hiện nay việc phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương rất rõ ràng trong thẩm quyền quyết định chủ chương đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án… việc giải ngân chậm phần lớn trách nhiệm thuộc về các bộ, ngành, địa phương. Trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện quyết liệt hơn các vấn đề trên để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

     

Chính Lâm

Tin cùng chuyên mục