Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận tại Tổ 11 gồm 26 đại biểu của các tỉnh: Thanh Hóa, Cà Mau, Tuyên Quang. Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang chủ trì.
Quang cảnh phiên thảo luận tổ.
Cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng, thời gian qua cử tri rất quan tâm đến hoạt động của Quốc hội. Vì vậy, việc sửa đổi là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu, tình hình mới. Tại dự thảo Nghị quyết này có 31 nhóm vấn đề mới được đại biểu Quốc hội quan tâm, như cách thức tiến hành kỳ họp, tổ chức liên tục; trách nhiệm của Đại biểu Quốc hội, quy định về vắng mặt tại kỳ họp; chương trình kỳ họp, nội dung thảo luận tại tổ, tại đoàn; quy trình xử lý nếu đại biểu nhận được thông tin xấu độc… Đại biểu đề nghị bổ sung quy định người được mời tham dự kỳ họp Quốc hội, dự thính tại phiên họp Quốc hội đối với thành phần là Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố. Đồng thời quy định rõ thời hạn gửi tài liệu kỳ họp đến đại biểu Quốc hội. Ngoài ra, các nội dung liên quan đến việc nêu tên cơ quan, đơn vị chậm gửi tài liệu, văn bản đến đại biểu Quốc hội, thời gian phát biểu tại phiên họp toàn thể tại hội trường…
Đại biểu Ma Thị Thúy phát biểu thảo luận.
Tham gia ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, đại biểu Ma Thị Thúy bày tỏ đồng tình với sự cần thiết phải ban hành nghị quyết. Qua đó, để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, đảm bảo đồng bộ giữa quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên và quy định của pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức. Đại biểu cũng tham gia góp ý vào một số nội dung cụ thể và hình thức của nghị quyết. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Việt Hà tham gia ý kiến tại phiên họp.
Tham gia ý kiến vào dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Việt Hà đề nghị cùng với việc sửa đổi Bộ luật phòng, chống rửa tiền thì Chính phủ sớm chỉ đạo các cơ quan có liên quan rà soát, xây dựng những luật có liên quan đến công tác phòng, chống rửa tiền. Về nội dung cụ thể, đại biểu tham gia ý kiến về nội dung liên quan đến nhận biết khách hàng, cập nhật và xác minh thông tin, nhận biết khách hàng được quy định từ Điều 9 đến Điều 14; quy định về việc tách chức năng của phòng, chống rửa tiền ra khỏi cơ quan thanh tra, giám sát và trách nhiệm bảo mật thông tin của khách hàng trong công tác phòng, chống rửa tiền.
Gửi phản hồi
In bài viết