Phó Giáo sư Lê Trung Vũ trong lời giới thiệu bộ tổng tập “Hội làng Thăng Long - Hà Nội” khẳng định: “Ngay từ thuở ban đầu, Hà Nội cũng từng là một “làng Hà Nội” nhỏ nào đó với núi Nùng, sông Tô. Rồi do tính chất trung tâm đất nước, Thăng Long đã thu hút được những tinh hoa văn hóa các vùng miền về đây. Mặt khác, Hà Nội tuy đã định danh là đô thị - kinh đô từ lâu, song dấu vết nông thôn vẫn còn đậm nét”.
Lật giở những trang viết về Hà Nội xưa, thấy rõ bóng dáng “làng trong phố” ấy. Trong cuốn “Phố phường Hà Nội xưa”, nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy phác họa cảnh sắc thuở xưa của Hà Nội với những vòng đai sông hồ, cửa ô, thập tam trại, với nghề thủ công trên phố cổ, rồi làng hoa, đình làng, đình phố và cả nếp phong nhã cũ. Theo ông, “những cái đẹp nghìn hình muôn vẻ đưa về Thủ đô, làm cho Hà Nội, rất sớm đã có một nền văn hóa đủ mặt và tươi sáng”.
John Ramsden, nhà ngoại giao người Anh gắn bó với Hà Nội trong những năm đầu của thập niên 80, thế kỷ XX, đã kịp thu lại trong ống kính của mình 1.700 tấm phim về Hà Nội - nơi ông gọi tên là “mảnh đất hóa tâm hồn”. Và trong ông còn lưu giữ bao ký ức về dấu xưa nơi phố cổ: “Khu phố cổ là một mê cung những con phố hẹp rợp bóng cây, một chốn của những xưởng thủ công, hàng quán và đền chùa... Đằng sau những con đường lớn dẫn ra ngoài thành phố, ta có thế nhanh chóng bắt gặp những ngôi làng nơi người dân vẫn đang sống cuộc sống nông thôn”.
Hà Nội đang ngày một đổi thay và cảnh sắc xưa cũ ấy đã ít nhiều thay đổi. Những ngôi làng xưa như Thành Công, Giảng Võ, Trung Tự, Ngọc Hà, Nghĩa Đô... giờ đã mang tên phố, tên phường. Xa hơn, ở vùng ngoại ô, nhiều làng cũng đã "lên phố". Đi qua những phường, phố trên đất của làng xưa, vẫn thấy đâu đó dấu xưa hiện hữu trong những chiếc cổng làng, ao sen, đình, chùa, nhà cổ... Và phía sau những mái ngói rêu phong, những con đường lát gạch hoa chanh... còn có biết bao nghề cũ, phong tục, kho tàng văn hóa dân gian, văn hóa ẩm thực mang đậm bản sắc Thăng Long - Hà Nội.
"Văn hóa làng" như một mạch nguồn bền bỉ xuyên suốt dòng chảy lịch sử của mảnh đất kinh kỳ. Sự hiện diện của “văn hóa làng” trong lòng đô thị hiện đại như “nốt trầm xao xuyến” khiến cho Hà Nội mang dáng vẻ riêng so với những đô thị cổ trên thế giới. Tất nhiên, ở một góc nhìn khác, dấu xưa làng cũ còn đặt ra nhiều vấn đề về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống, xây dựng nông thôn mới, định hình bản sắc đô thị...
Với thế hệ trẻ, việc tìm hiểu về "văn hóa làng" chính là cách để bồi đắp giá trị văn hóa để từ đó kế thừa và tiếp nối những giá trị văn hóa truyền thống ông cha. Họa sĩ Nguyễn Việt Hòa - chủ nhân lớp vẽ "Cốc cốc cốc" chia sẻ, tại "Cốc cốc cốc", các em nhỏ không chỉ được học những bài cơ bản về màu sắc hay đường nét trong hội họa mà còn được khơi gợi óc sáng tạo với những không gian văn hóa làng quê trong nhiều hoạt động do lớp tổ chức như Giải xe đạp Tour de mit, Tour cào cào, Tôi là gió, hay các hoạt động tát cá, lùa vịt... được tổ chức tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông.
Trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19, chị Phương Anh (Khu đô thị Thành phố giao lưu, đường Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm) tranh thủ khơi gợi cho con những hiểu biết về vùng đất mình đang sống với những chuyến rong ruổi trên con đê sông Hồng lộng gió, tới những đình, chùa cổ; khám phá cổng làng, nhà cổ đất Kẻ Vẽ xưa; hòa mình trong sắc hương của làng hoa Tây Tựu... “Chỉ cách phố phường sầm uất vài cây số thôi nhưng đó là một không gian khác biệt. Một không gian làng quê nơi phố thị bình yên và thơ mộng đã ít nhiều gieo trong tâm hồn thơ trẻ của các con dấu ấn "văn hóa làng", khơi gợi tình yêu với văn hóa truyền thống... ” - chị Phương Anh bày tỏ.
Hiểu rồi yêu văn hóa - lịch sử của một vùng đất, học cách ứng xử văn hóa với những giá trị truyền thống, đó là điều hết sức cần thiết đối với thế hệ trẻ. Những nâng niu, trân trọng "văn hóa làng" trong nhịp sống sôi động hôm nay phải chăng cũng chính là cách để vun bồi tình yêu với Hà Nội, để căn rễ văn hóa không phôi pha...
Gửi phản hồi
In bài viết