Những vụ tai nạn đáng tiếc
Tai nạn lao động là điều không một ai, một đơn vị, doanh nghiệp nào mong muốn, thế nhưng chính sự chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống hoặc chưa triển khai nghiêm túc các quy định về an toàn đã dẫn đến những vụ việc đáng tiếc. Điển hình như vụ lật máy xúc xảy ra vào tháng 3-2023 tại công trình thi công cầu Ô Rô thôn Hưng Long, xã Thành Long, huyện Hàm Yên khiến 1 công nhân lái máy xúc tử vong; vụ tai nạn lao động xảy ra tại xưởng đùn sợi của Công ty TNHH Hitarp Việt Nam tại Cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương) khiến 1 công nhân khi đang trong quá trình vận hành dây chuyền gây tử vong…
Lao động làm việc trong lĩnh vực khai thác mỏ tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động.
Theo thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2021, toàn tỉnh đã xảy ra 74 vụ tai nạn lao động làm chết 3 người và bị thương nặng 15 người, 56 người bị thương nhẹ; năm 2022 toàn tỉnh xảy ra 94 vụ tai nạn lao động làm 5 người chết, 32 người bị thương nặng và 57 người bị thương nhẹ. Như vậy, số vụ tai nạn lao động có xu hướng tăng so với năm trước. Các nguyên nhân được xác định là do không có thiết bị an toàn khi làm việc; vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn, biện pháp làm việc an toàn; không có phương tiện bảo vệ cá nhân...
Những vụ tai nạn trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác đảm bảo an toàn lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần được quan tâm hơn nữa để không xảy ra những vụ việc đáng tiếc. Việc chủ quan, lơ là trong công tác đảm bảo ATVSLĐ sẽ để lại những hậu quả nặng nề và lâu dài, gây thiệt hại về kinh tế và kéo lùi sự phát triển của xã hội.
Cần thực hiện nghiêm Luật ATVSLĐ
Khi các vụ tai nạn lao động xảy ra, các cơ quan chức năng tỉnh, Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã khẩn trương vào cuộc làm rõ nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, những hậu quả để lại là lâu dài cho không chỉ gia đình, doanh nghiệp mà toàn xã hội.
Chị Phạm Thị Hoàn ở xã Hoàng Khai (Yên Sơn) từng là nạn nhân trong 1 vụ tai nạn lao động khi đang làm việc tại 1 doanh nghiệp trên địa bàn xã khiến chị bị cụt ngón tay. Chị Hoàn cho biết, tai nạn xảy ra thì chính bản thân người lao động và gia đình là thiệt thòi nhất, kinh tế gia đình giảm sút. Công ty có hỗ trợ nhưng chỉ phần nào, còn lại về lâu dài cuộc sống của người lao động và gia đình bị ảnh hưởng nặng nề. Chị mong rằng bản thân mỗi lao động, đơn vị sử dụng lao động nâng cao ý thức chấp hành an toàn trong lao động, đừng để những vụ việc đáng tiếc xảy ra.
Lao động làm việc tại Công ty TNHH Future of Sound Vina ở Cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương).
Nhằm nâng cao ý thức của lao động và đơn vị, doanh nghiệp, người sử dụng lao động, trong thời gian qua, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã tăng cường phối hợp với các ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố triển khai các giải pháp đảm bảo ATVSLĐ, phòng chống tai nạn lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt là lao động làm việc trong các lĩnh vực có nguy cơ cao như khai thác mỏ, sản xuất truyền tải và phân phối điện, chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng, thi công công trình xây dựng, vệ sinh môi trường…
Trong đó, triển khai sâu rộng, hiệu quả các nội dung của Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023 (tháng 5) với chủ đề “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc”. Các giải pháp được triển khai gồm, nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ trong các doanh nghiệp, cơ sở thông qua các hoạt động thông tin, tuyên truyền, chương trình hành động cụ thể về ATVSLĐ; đẩy mạnh thực hiện các biện pháp giảm thiểu rủi ro về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc; chăm sóc sức khỏe người lao động, hạn chế thấp nhất tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đồng thời, chú trọng thông tin, tư vấn, tập huấn, hướng dẫn doanh nghiệp, người lao động nhận diện, đánh giá nguy cơ rủi ro, cải thiện điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh trong các doanh nghiệp, cơ sở, tổ, đội, phân xưởng, nhà máy, các công trình xây dựng…
Đồng chí Hoàng Quốc Cường, phó giám đốc Sở lao động - thương binh và xã hội cho biết, nhằm giảm thiểu tai nạn lao động và nâng cao ý thức chấp hành Luật ATVSLĐ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên phối hợp, có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của ATVSLĐ đến người lao động và người sử dụng lao động.
Đồng thời, tổ chức tập huấn về ATVSLĐ tại các đơn vị, doanh nghiệp, hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ đối với từng máy móc, thiết bị, vật tư... có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động theo đúng quy định. Từ đó nhằm phòng tránh những nguy cơ gây mất ATVSLĐ tại mỗi cơ quan, đơn vị, hạn chế thấp nhất tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết