Vẫn còn tình trạng tảo hôn
Điều tra thực trạng tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2017, toàn tỉnh có 200 cặp tảo hôn, khiến cả nhà quản lý và người làm công tác dân số hết sức bất ngờ. Bất ngờ là bởi tỷ lệ đó quá cao, tồn tại dai dẳng nhiều năm và gây ra nhiều hậu quả trên nhiều góc độ khác nhau.
Theo báo cáo thống kê từ các huyện, thành phố, từ năm 2015 đến tháng 9 đầu năm 2023, địa bàn tỉnh có 979 cặp tảo hôn. Giai đoạn 2021 - 2023, tỷ lệ tảo hôn trong vùng dân tộc thiểu số có xu hướng giảm dần. Trong giai đoạn này, toàn tỉnh có 10.043 cặp kết hôn, trong đó có 319 cặp vợ chồng tảo hôn, chiếm 3,1%/tổng số cặp kết hôn; năm 2021, chiếm 3,5%/tổng số cặp kết hôn; 6 tháng đầu năm 2023, chiếm 3,0%/tổng số cặp kết hôn.
Tuy nhiên, mức giảm trong giai đoạn 2021 - 2023: 0,5 điểm phần trăm, chưa đạt mục tiêu Đề án 498 là giảm 2 - 3 điểm phần trăm. Tảo hôn chủ yếu tập trung ở một số dân tộc thiểu số như dân tộc Mông là 117 cặp (chiếm 36,67%), dân tộc Dao là 109 cặp (chiếm 34,17%), dân tộc Tày: 60 cặp (chiếm 18,81%), dân tộc Kinh: 11 cặp (chiếm 3,44%), dân tộc khác 22 cặp (chiếm 6,89%). Yên Sơn là địa phương có tỷ lệ tảo hôn cao nhất (114 cặp). Còn lại rải rác ở các địa phương.
Một tiểu phẩm tại Hội thi tuyên truyền viên giỏi về Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn là do phong tục tập quán lạc hậu, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, ý thức pháp luật của người dân chưa cao, điều kiện kinh tế khó khăn, tình trạng trẻ em bỏ học vẫn còn xảy ra, tâm lý chung học xong không có việc làm nên dẫn đến tình trạng kết hôn sớm.
Nếu như trước đây, nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tảo hôn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là trình độ nhận thức thấp, ảnh hưởng của tập tục lạc hậu…, thì hiện nay nguyên nhân để xảy ra tình trạng này không hẳn như vậy. Thực tế, hoạt động tuyên truyền, phổ biến về giới tính, sinh sản, hôn nhân và gia đình ở cả trong nhà trường và khu dân cư cũng khá được chú trọng.
Hầu hết các em có hiểu biết căn bản về vấn đề này, nhưng vẫn để nảy sinh quan hệ yêu đương, quan hệ tình dục sớm. Việc này một phần do thể chất của các em phát triển khá sớm, phần lớn do tiếp cận sớm với nhiều sản phẩm văn hóa, phim ảnh, thông tin trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là internet, mạng xã hội… mà không phù hợp lứa tuổi. Trong khi đó việc quản lý, giáo dục, định hướng thông tin cho con em trong các gia đình chưa thật sự sát sao, kịp thời.
Trưởng thôn Nà Mộ, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) tuyên truyền đến người dân hậu quả của việc tảo hôn.
Lời ru buồn
Chị Lý Mùi D, dân tộc Mông, thôn Khuổi Củng, xã Xuân Lập (Lâm Bình) sinh năm 1993. Năm 2009, bố bắt nghỉ học ở nhà đi làm nương, làm rẫy. Sau khi nghỉ học được 1 năm, D. lấy chồng, lúc đó mới 16 tuổi. Chồng D. cũng là người Mông cùng thôn, sinh năm 1991. Khi lấy nhau, D. 16 tuổi, chồng 18 tuổi, nghĩa là cả hai đều chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật.
D. kể lấy nhau khi còn nhỏ, phải bỏ học giữa chừng và không có vốn nên vợ chồng chỉ ở nhà làm ruộng, trồng ngô. Cuộc sống quá khó khăn do thiếu kiến thức làm ăn và thiếu tiền để chăm sóc con nhỏ nên các cháu ốm đau triền miên. 2 cháu nhà D, một cháu năm nay 13 tuổi, cháu 8 tuổi. Vì cuộc sống khó khăn nên cháu lớn nhà D. cũng đã nghỉ học giữa chừng, còn cháu bé 8 tuổi nhưng trông như trẻ mới 5 tuổi.
Theo chân đồng chí Lý Văn Hành, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Nà Mộ, xã Hùng Lợi (Yên Sơn), chúng tôi đến nhà vợ chồng chị Thào Thị N, sinh năm 2007 và anh Sầm Văn H, sinh năm 2006. Ngôi nhà bằng gỗ nhỏ bé nằm liêu xiêu vắng lặng, cửa nhà khóa trái, bên trong tối om. Anh Hầu Văn Dí ở gần đó cho biết, giờ đang là mùa gặt nên vợ chồng nó ở trên nương từ sáng đến tối mới về.
Chị Giàng Thị Quang, nhân viên y tế thôn bản thôn Khuổi Trang, xã Xuân Lập (Lâm Bình) tuyên truyền với người dân trong thôn về hậu quả của việc tảo hôn.
Khi trời xẩm tối, một cô bé nhỏ xíu, nặng nhọc địu con đi ngang qua cửa, theo sau là một thanh niên gầy guộc, quần ống thấp ống cao. Đó là hai vợ chồng N. và H. Sau một hồi ngại ngùng, N. bẽn lẽn kể: Do gia đình em nghèo không có tiền cho em ăn học, dưới em còn các em nhỏ nên em phải bỏ học giữa chừng để giúp đỡ gia đình. Theo lời N, N. chơi chung 4 người bạn tầm tuổi cũng đã nghỉ học ở nhà lấy chồng.
Thôn Nà Mộ, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) có 134 hộ dân, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 78%, dân tộc Mông chiếm 60%, Tày 30% còn lại là các dân tộc khác. Từ năm 2020 đến nay, xóm có 15 cặp tảo hôn, trong đó có 12 cặp là người dân tộc Mông. Đồng chí Lý Văn Hành, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nà Mộ cho biết, đa số các trường hợp tảo hôn đều là học sinh nghỉ học sớm, chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng làm cha mẹ… vì vậy mà các cặp tảo hôn trong thôn đến nay vẫn chưa có cuộc sống ổn định và vẫn là những hộ thuộc diện hộ nghèo trong thôn.
Giải pháp giảm tỉ lệ tảo hôn
Năm 2021, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) được lựa chọn mô hình điểm thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số”. Đồng chí Ma Đình Sắc, Chủ tịch UBND xã Hùng Mỹ chia sẻ: Để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tảo hôn, cấp ủy, chính quyền xã thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, ban hành các kế hoạch chuyên đề. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền xã thành lập 2 tổ tuyên truyền viên cấp xã, phụ trách chỉ đạo trực tiếp các tổ tuyên truyền viên cấp xóm, thành lập 8 tổ tuyên truyền cấp xóm tại các xóm.
Đây là lực lượng nòng cốt triển khai các nội dung của Đề án tại cơ sở. Các tổ tuyên truyền gồm những người có uy tín, am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, gần gũi, dễ tiếp cận các đối tượng có nguy cơ cao về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, khảo sát nhu cầu của người dân, học sinh về nội dung trọng tâm cần tư vấn, tuyên truyền, vận động nhân dân, học sinh...; thường xuyên rút kinh nghiệm, điều chỉnh công tác tư vấn phù hợp với nhận thức của người dân. Nhờ đó mà chỉ sau 2 năm thực hiện đề án, đến nay xã Hùng Mỹ đã không còn tình trạng tảo hôn.
Cán bộ Phòng Y tế huyện Na Hang tuyên truyền cho người dân trên địa bàn xã Sơn Phú về tác hại của tảo hôn.
Những con số tổng kết của một vài địa phương trên đây có thể cho thấy phần nào “bức tranh” về tảo hôn trên địa bàn các huyện miền núi. Đồng chí Hoàng Thị Thắm, Phó Ban Dân tộc tỉnh, cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2023, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với UBND các huyện tiếp tục duy trì các mô hình điểm thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số” tại 7 xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh như: xã Trung Minh, xã Hùng Lợi (Yên Sơn); xã Xuân Lập (Lâm Bình); xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa); xã Hồng Thái (Na Hang); xã Yên Lâm thuộc (Hàm Yên); xã Đông Thọ (Sơn Dương). Các xã được chọn làm Mô hình điểm đều là các xã đặc biệt khó khăn, cách xa trung tâm huyện, tỉnh, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Kết quả, đến nay có 3 xã không còn tình trạng tảo hôn là xã Đông Thọ (Sơn Dương); xã Hồng Thái (Na Hang); xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa).
Từ kết quả của những mô hình này, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng và người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tập huấn cho cộng tác viên dân số, y tế thôn bản, các xã, thị trấn để nâng cao kiến thức, kỹ năng truyền thông vận động, chuyển đổi hành vi…
Minh Hoa
Ông Diệp Xuân Chính
Phó Chủ tịch UBND xã Thiện Kế (Sơn Dương)
Xử lý nghiêm vi phạm
Năm 2022, trên địa bàn xã Thiện Kế (Sơn Dương) có 3 trường hợp tảo hôn, đã bị UBND xã xử phạt hành chính. Nguyên nhân khiến nạn tảo hôn vẫn còn xảy ra là do mang thai ở độ tuổi chưa thành niên; nhận thức và hiểu biết pháp luật còn hạn chế... Để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tảo hôn, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân và pháp luật về bảo vệ trẻ em, UBND xã sẽ thường xuyên tổ chức kiểm tra và có biện pháp ngăn chặn các trường hợp khi có dấu hiệu kết hôn sớm đối với trẻ em. Kiên quyết xử lý những người vi phạm về tảo hôn hoặc các hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình theo quy định của pháp luật.
Ông Trần Tuấn Bình
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Na Hang
Nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn
Những năm qua, Trung tâm Y tế huyện Na Hang đã phối hợp với các cơ quan và các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tổ chức các buổi tuyên truyền các quy định về phòng chống tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hoạt động truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn các xã, thôn, bản có tỷ lệ hoặc nguy cơ cao về tảo hôn được tăng cường. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với các trường học cấp THCS và THPT tổ chức các buổi tuyên truyền, thảo luận vấn đề về tảo hôn kèm theo các nội dung về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực và kiến thức sức khỏe sinh sản để nâng cao nhận thức cho các em học sinh.
Ông Nguyễn Văn Lượng
Trưởng thôn 3 Thuốc Hạ, xã Tân Thành (Hàm Yên)
Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động
Thôn 3 Thuốc Hạ có 163 hộ với gần 720 nhân khẩu, đa số là đồng bào dân tộc Tày, Dao và Mông. Những năm qua, tình trạng tảo hôn ở thôn đã giảm đáng kể. Tuy nhiên năm nay, thôn vẫn có trường hợp cháu gái là dân tộc Mông đi lấy chồng khi chưa đủ tuổi kết hôn. Nguyên nhân là do các cháu chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng về hôn nhân và gia đình.
Thời gian tới, thôn tiếp tục phối hợp với cán bộ xã tổ chức những buổi tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành nghiêm quy định Luật Hôn nhân và gia đình cho nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu niên. Đồng thời, kết hợp đến từng nhà để tuyên truyền, vận động, giải thích, cảnh báo những hậu quả nặng nề khi tảo hôn. Thôn cũng sẽ tranh thủ uy tín của các trưởng dòng họ để tuyên truyền, vận động giúp Nhân dân hiểu, không tảo hôn. Đồng thời chủ động thông báo với chính quyền xã về những trường hợp tảo hôn, kịp thời xử lý nghiêm minh, tạo tính răn đe.
Ông Tráng A Nghênh
Thôn Tiên Tốc, xã Bình An (Lâm Bình)
Cần nhận thức đầy đủ các hệ lụy
Trước đây, người dân trong thôn chưa nhận thức đầy đủ hệ lụy của tảo hôn để lại cho bản thân, gia đình và xã hội nên công tác tuyên truyền gặp nhiều khó khăn. Thông qua các buổi họp thôn, chính quyền xã thường xuyên tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho Nhân dân. Ban phát triển thôn luôn nắm bắt tình hình từng hộ, nhà nào con chưa đủ tuổi mà có ý định kết hôn, cán bộ xã đến vận động, phân tích cho bà con hiểu và nắm rõ pháp luật. Nhờ vậy, nhiều hộ gia đình đã đồng ý lùi ngày, nhiều cặp đôi chờ đủ tuổi mới kết hôn. Gia đình tôi cũng thường xuyên vận động con cháu trong gia đình từ bỏ hủ tục tảo hôn.
Gửi phản hồi
In bài viết