Giai đoạn này, Công ty Nhật Cường đã nộp vào ngân sách hơn 1.378 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp và 12 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng.
Tuy nhiên, hệ thống phần mềm bí mật ERP do Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường là Bùi Quang Huy và đồng phạm sử dụng thể hiện giai đoạn 2014-2018, Công ty Nhật Cường có lợi nhuận trước thuế lên tới 8.274 tỷ đồng. Hệ thống phần mềm bí mật ERP cũng thể hiện, công ty đã mua vào số hàng trị giá hơn 5.700 tỷ đồng nhưng chỉ nộp thuế cho số hàng trị giá hơn 1.500 tỷ đồng, số hàng còn lại trị giá hơn 4.200 tỷ đồng không có hóa đơn.
Thêm vào các chứng cứ, chiều 6-5, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã đề nghị mức án đối với 14 bị cáo trong vụ án. Đánh giá từng bị cáo, Viện Kiểm sát xác định Trần Ngọc Anh (Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường) là người có vai trò cao nhất, chỉ sau bị can Bùi Quang Huy trong việc buôn lậu. Bị cáo này phạm tội 2 lần trở lên nhưng có nhiều tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, tích cực cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra.
Bị cáo Đỗ Quốc Huy (Giám đốc bán hàng Công ty Nhật Cường) được giao việc phân phối và bị cáo biết rõ công ty nhập lậu hàng rồi bán ra thị trường, thu lợi bất chính. Bị cáo này còn phân loại, đề xuất giá bán cho đơn vị bán lẻ. Do vậy, Đỗ Quốc Huy phải chịu trách nhiệm hình sự trong vai trò thực hành, giúp sức cho Bùi Quang Huy buôn lậu.
Bị cáo Nguyễn Ngọc Bảo (Giám đốc Tài chính Công ty Nhật Cường) cũng bị xác định giúp sức Bùi Quang Huy, Trần Ngọc Anh buôn lậu hàng trị giá hơn 2.927 tỷ đồng. Ngoài ra, Nguyễn Ngọc Bảo còn ghi chép số liệu trên 2 hệ thống kế toán tại 2 phần mềm nhằm che giấu hoạt động bất hợp pháp, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 30 tỷ đồng. Bị cáo Nguyễn Ngọc Bảo phạm tội 2 lần trở lên nhưng cũng thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và tích cực cung cấp thông tin về kế toán của Công ty Nhật Cường. Do đó, kiểm sát viên cho rằng cần áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo này.
Các bị cáo còn lại cũng bị xác định phạm tội vì động cơ kinh tế, muốn hưởng lợi bất chính nhưng đại diện Viện Kiểm sát ghi nhận, họ có nhiều tình tiết giảm nhẹ và đề nghị Hội đồng xét xử cân nhắc khi lượng hình.
Từ những phân tích trên, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị tòa tuyên án phạt tù với 14 bị cáo; tịch thu xung quỹ các phương tiện phạm tội; tiếp tục tạm giữ số hàng hóa của Công ty Nhật Cường để bảo đảm thi hành án.
Cụ thể, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị mức án từ 5-6 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Ngọc Bảo (Giám đốc Tài chính Công ty Nhật Cường) về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” và 9-10 năm tù về tội “Buôn lậu”, tổng hình phạt từ 14 đến 16 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Thị Bích Hằng (Kế toán trưởng Công ty Nhật Cường) từ 4-5 năm tù về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.
Đối với nhóm bị cáo bị truy tố về tội "Buôn lậu", mức án đề nghị cụ thể như sau: Trần Ngọc Anh (Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường) từ 15-16 năm tù; Đỗ Quốc Huy (Giám đốc bán hàng Công ty Nhật Cường) từ 13-14 năm tù; Nông Văn Lưu (nhân viên Công ty Nhật Cường) từ 9-10 năm tù; Nguyễn Bảo Trung (lao động tự do) từ 12-13 năm tù; Trần Tất Khoa (Giám đốc Công ty Nhật Cường, chi nhánh tại Quảng Châu, Trung Quốc) từ 7-8 năm tù; Lê Hoài Phương (nhân viên Công ty Nhật Cường, chi nhánh tại Quảng Châu, Trung Quốc) từ 7-8 năm tù; Ngô Đức Tùng (lao động tự do) từ 3-4 năm tù; Ngô Tuấn Sửu (Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng Thanh Sơn) từ 7-8 năm tù; Hoàng Văn Phong (Trưởng ngành hàng Apple, Công ty Nhật Cường) từ 7-8 năm tù; Phạm Văn Hiệp (lao động tự do) từ 12-13 năm tù, tổng hợp án cũ 3 năm tù thành từ 15-16 năm tù; Bùi Quốc Việt (nhân viên Công ty Nhật Cường) từ 7-8 năm tù; Đỗ Văn Dũng (lao động tự do) từ 7-8 năm tù.
Gửi phản hồi
In bài viết