Đề xuất bỏ nhiều loại chứng chỉ: Giảm gánh nặng cho công chức, viên chức

Đề xuất bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học... là vấn đề dư luận đang rất quan tâm. Nếu quyết tâm thực hiện việc này, sẽ giảm gánh nặng cho công chức, viên chức.

Qua tổng hợp của 15/18 bộ, ngành cho thấy, hiện có 3 loại chứng chỉ bồi dưỡng yêu cầu bắt buộc đối với công chức, viên chức. Riêng chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo ngạch công chức có 66 loại chứng chỉ/79 ngạch công chức. Chứng chỉ bồi dưỡng theo chức danh nghề nghiệp viên chức có 145 loại chứng chỉ/189 chức danh nghề nghiệp viên chức. 74/79 ngạch công chức và 155/189 chức danh nghề nghiệp viên chức yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ…

Gửi kiến nghị đến Quốc hội sau kỳ họp thứ mười diễn ra tháng 11-2020, cử tri các tỉnh Tuyên Quang, Đồng Tháp, An Giang… cho rằng, nhiều chứng chỉ công chức, viên chức phải hoàn thành trong suốt quá trình làm việc, song một số chương trình bồi dưỡng còn nặng về lý thuyết, chưa thật sự bám sát với yêu cầu của vị trí việc làm; trùng lặp nội dung giữa các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp trong cùng một chuyên ngành hoặc trùng với kiến thức đào tạo trong trường đại học. Tại Hà Nội, cử tri Nguyễn Thị Định ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy phản ánh, việc quy định yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong công tác bổ nhiệm không còn phù hợp, vì hiện nay, các cơ sở đào tạo đã có quy định về việc chuẩn đầu ra phải đạt được trình độ ngoại ngữ, tin học theo các cấp độ học tương ứng. Bên cạnh đó, có sự chồng chéo, trùng lặp về nội dung, chương trình bồi dưỡng đối với đội ngũ giáo viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

Từ thực tế trên, sau khi rà soát, Bộ Nội vụ đề xuất, bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức; bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ tin học của 74 ngạch công chức và 142 chức danh nghề nghiệp viên chức; giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức. Nhìn tổng thể, việc rà soát, đề xuất giảm các chứng chỉ bồi dưỡng được thực hiện đối với tất cả các chuyên ngành. Khối viên chức được đề xuất giảm nhiều hơn vì yêu cầu tính chất hoạt động nghề nghiệp giữa các hạng chức danh nghề nghiệp trong cùng chuyên ngành là tương đồng. Liên quan đến giáo viên, có tới 13 chứng chỉ được đề xuất bỏ.

Đề xuất trên của Bộ Nội vụ nếu được thực hiện sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cấp các loại văn bằng, chứng chỉ. Song theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, quan điểm của Thủ tướng Chính phủ trong giáo dục, đào tạo là phải “học thật, thi thật, nhân tài thật”; cán bộ, công chức phải làm việc thực chất, chống bệnh hình thức, tránh phô trương, không chủ quan, thỏa mãn. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến nội dung này và yêu cầu Bộ Nội vụ rà soát, mạnh dạn đưa ra đề xuất. Chủ trương này cũng được các bộ, ngành ủng hộ.

Ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, nếu Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Nội vụ điều chỉnh giảm số lượng chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm triển khai việc sửa đổi các quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên; các quy định về thi, xét thăng hạng và chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Một số bộ, ngành khác cũng đã tiến hành rà soát, đề xuất giảm các chứng chỉ chuyên ngành như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành thông tư, trong đó không quy định chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang lấy ý kiến sửa đổi quy định về nội dung, hình thức thi và xét thăng hạng đối với đội ngũ biên tập viên, phóng viên các cơ quan báo chí...

Theo kế hoạch, Bộ Nội vụ được giao khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn chỉnh lại và trình dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 1-9-2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong tháng 6-2021 để bảo đảm căn cứ pháp lý, thống nhất trong triển khai thực hiện chủ trương lớn này của Chính phủ.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục